Triển khai hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT năm 2014 với các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội

03/04/2014 02:46 AM


Ngày 31/3/2014, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến tổ chức hội nghị tổng kết công tác thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT năm 2013 với các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội; triển khai thực hiện công tác năm 2014. Đến dự hội nghị có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo; lãnh đạo một số Ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam cùng lãnh đạo 22 bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội.


Năm 2013, 22 bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội (05/22 bệnh viện nhận đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu với khoảng trên 221.000 thẻ) thực hiện khám, chữa bệnh BHYT cho 1.778.679 lượt bệnh nhân, tăng 14,1% so với năm 2012, số chi phí đề nghị thanh toán BHYT là 4.268 tỷ đồng. Chi phí bình quân thuốc năm 2013 là 1.408.869 đồng/lượt khám, chữa bệnh, giảm 7,3% so với năm 2012; trong đó chi phí thuốc bổ trợ là 75,4 tỷ đồng, chiếm 2,89% tổng chi phí thuốc (năm 2012 chiếm 4,4%); tổng chi phí thuốc ung thư là 671,9 tỷ đồng, chiếm 26,6%; tổng chi thuốc dấu (*)  là 486 tỷ đồng, chiếm 19,23%.

20/22 bệnh viện đã và đang tổ chức đầu thầu thuốc theo Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC. 22/22 bệnh viện sử dụng giá dịch vụ y tế mới theo quy định tại Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC; chi phí gia tăng là 597 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Năm 2013, chỉ có 02 bệnh viện có chi phí vượt trần, với số tiền là 2,7 tỷ đồng, giảm 72% về số đơn vị, giảm 92% về số tiền so với năm 2012.

Các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội đã cơ bản đảm bảo quyền lợi BHYT của bệnh nhân, chú trọng tăng cường kiểm soát chi phí thuốc, giá dịch vụ y tế, thực hiện công tác thống kê tổng hợp đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT của các bệnh viện. Tình trạng một số bệnh viện thu tiền viện phí, chưa giải quyết chế độ BHYT ngay tại bệnh viện hoặc thu tiền chênh lệch đối với bệnh nhân khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến vẫn xảy ra. Bệnh nhân phải nộp tiền chênh lệch khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật từ máy móc trang bị nguồn vốn xã hội hoá; tự túc thuốc do không có thuốc trúng thầu, đấu thầu chậm tiến độ hoặc nhà cung cấp không cung ứng khi giá thuốc có biến động lớn…

Việc thực hiện hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú vẫn còn sai sót; ghi nhận xét khám và điều trị còn thiếu hoặc sơ sài, thiếu chỉ định, lưu thiếu kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh… Một số bệnh viện thực hiện chỉ định thuốc dấu (*) ghi chép còn sơ sài; lựa chọn, chỉ định thuốc điều trị ung thư sử dụng nhiều thuốc đích, có giá thành cao; chỉ định vật tư y tế loại đắt tiền…Việc thực hiện đầu thầu thuốc, sử dụng vật tư y tế được thanh toán BHYT cũng còn một số hạn chế nhất định.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo một số bệnh viện đều ghi nhận công tác phối hợp với Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, thực hiện hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đã có chuyển biến tích cực trong năm qua. Quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT của bệnh nhân được đảm bảo, Quỹ BHYT được sử dụng hiệu quả.

Năm 2014, để tiếp tục thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến và các bệnh viện tuyến trung ương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp thực hiện; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; xây dựng, đổi mới quy trình khám, chữa bệnh BHYT; đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế; ngăn chặn các hành vi lạm dụng BHYT, đảm bảo việc cân đối kinh phí khám, chữa bệnh; thí điểm triển khai mô hình giám định tập trung, giám định theo tỷ lệ; tăng cường thống kê, tổng hợp chính xác; thực hiện tốt công tác đầu thầu thuốc…

Một số vấn đề liên quan đến đến xác định số lượng đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện, xác định mức trần, cải tiến thay đổi mẫu thẻ BHYT, ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê tổng hợp…cũng đã được các đại biểu thảo luận, trao đổi làm rõ tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo hy vọng các bệnh viện tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là trong việc quản lý chi phí thuốc, chi phí các dịch vụ kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT qua đó khẳng định hiệu quả của chính sách BHYT, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng tham gia. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh, công tác giám định BHYT, đấu thầu thuốc phải được phối hợp thực hiện tích cực hơn, qua đó đảm bảo công tác quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, góp phần quan trọng trong việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo cũng mong rằng, từ thực tiễn khám, chữa bệnh BHYT, các bệnh viện sẽ tham gia tích cực vào quá trình đóng góp ý kiến sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, tạo tiền đề cho quá trình tổ chức thực hiện BHYT được hiệu quả hơn./.

Nguồn TC BHXH