Hội đồng Quản lý BHXH giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại tỉnh Thừa Thiên Huế

02/08/2022 08:31 AM


Ngày 28/7, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn Giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH do Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Uỷ viên Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Duy Thăng làm Trưởng đoàn đã có chương trình giám sát về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Tham gia Đoàn Giám sát có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

 

Tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 144.500 người, chiếm tỷ lệ 28,16% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó, 126.815 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,30%% so với kế hoạch giao; 17.685 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 93,85% so với kế hoạch giao năm; 1.145.035 người tham gia BHYT, độ bao phủ BHYT đạt 98,3% so với dân số toàn tỉnh.

BHXH tỉnh đã giải quyết 406 hồ sơ hưởng các chế độ  hàng tháng và trợ cấp một lần cho 5.600 người hưởng. Giải quyết chế độ ngắn hạn cho 61.500 lượt người. Quản lý, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 32.300 người hưởng. Chi trả 3.800 trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp. BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 43 cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh, tổng chi phí trong 6 tháng là 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sử dụng chi phí BHYT 6 tháng đầu năm đạt 46,1%.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH với BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đến nay, toàn ngành BHXH tỉnh tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch tại 64 đơn vị và thanh tra đột xuất tại 07 đơn vị SDLĐ. Kiểm tra 48 đơn vị. Qua thanh tra, đã đôn đốc các đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT chuyển nộp tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT với tổng số tiền là 4.570 triệu đồng. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 01 đơn vị.

Về sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT: Tính đến 27/6/2022, trên địa bàn tỉnh số lượng xác thực lấy số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 622.661 trường hợp thẻ BHYT còn hạn; toàn tỉnh đã có 67 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân với 2.048 lượt tra cứu, trong đó có 1.252 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID: Tính đến 20/6/2022 số lượng đăng ký tài khoản VssID-BHXH số đạt 280.847 người..

Về hỗ trợ người lao động từ quỹ BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP: Tính đến 31/12/2021: BHXH tỉnh đã xét duyệt cho 105.407 người hưởng với số tiền 259,2 tỷ đồng. Đã thực hiện chi trả cho 96.700 người với tổng số tiền là 233,96 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 91,7% trên tổng số  người đã được xét duyệt. Tuy nhiên, đến ngày 25/12/2021, BHXH tỉnh đã tạm ngừng chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động vì kinh phí chi trả đã hết. Số người đã được xét duyệt hồ sơ nhưng chưa chi trả tính đến nay là 8.707 người với tổng số tiền 25,24 tỷ đồng.

Tiếp tục đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC qua các hình thức giao dịch điện tử, giao dịch trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC và duy trì hiệu quả việc triển khai qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, 100% dịch vụ công của Ngành được thực hiện mức độ 4; người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Uỷ viên Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đáng chú ý, đến nay, toàn bộ 100% các cơ sở KCB BHYT trong toàn tỉnh đã liên thông dữ liệu phần mềm KCB với cơ quan BHXH. Việc giám định chi phí KCB BHYT thông qua hệ thống liên thông đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giám định. BHXH tỉnh đã triển khai thông tuyến KCB nội trú tuyến tỉnh từ ngày 1/1/2021 theo quy định, đã tạo thuận tiện cho người bệnh trong việc điều trị bệnh. Tình hình sử dụng kinh phí qua các năm không vượt dự toán Chính phủ giao. Cụ thể, năm 2020 sử dụng 98% dự toán giao; năm 2021sử dụng 92% dự toán giao; ước đến cuối năm 2022 sử dụng 100% dự toán giao.

Công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật BHXH, BHYT được thực hiện với nhiều hình thức một cách hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho người dân, đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như truyền thông ứng dụng dịch vụ công trực tuyến và truyền thông tiện ích của ứng dụng VssID - BHXH số.

BHXH tỉnh đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt,... để tiến tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu theo lộ trình đã xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết 125/NQ-CP. Đồng thời, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp BHXH một lần, bảo đảm nguyên tắc “đóng- hưởng”, nhằm hạn chế tình trạng NLĐ xin hưởng trợ cấp BHXH một lần, đảm bảo chính sách an sinh xã hội về lâu dài. Sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT và các Luật có liên quan theo hướng bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành về giải quyết, chi trả, thanh quyết toán các chế độ BHXH cho cơ quan BHXH, tạo điều kiện để cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra một cách đầy đủ, góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chính sách BHXH…

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Viết Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn ngành BHXH tỉnh đã đồng lòng, phấn đấu hoàn thành suất xắc các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, bất cập tại địa phương, đó là việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn, số người BHXH tự nguyện giảm so với cuối năm 2021, nguyên nhân chủ yếu do tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ năm 2022. Đồng thời, do thiên tai, dịch bệnh nên người dân gặp khó khăn, không tiếp tục tham gia.

Cùng với đó, số người tham gia BHYT giảm nhẹ so với cuối năm 2021, chủ yếu do giảm đối tượng tại các địa bàn mới ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (toàn tỉnh có 36.824 người tại 6 xã ra khỏi diện chính sách vào đầu năm 2022). Hiện nay, vẫn còn nhiều hộ gia đình rất khó khăn về kinh tế không có điều kiện để mua thẻ BHYT. Đồng thời, có một số lớn người dân ở các xã này đi làm ăn xa, nhưng không làm thủ tục giảm người ở hộ khẩu của gia đình, nay không còn được hưởng chính sách, trở lại tham gia BHYT ở các tỉnh khác.

Đối với BHXH tự nguyện, do đời sống của người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, cùng với việc tăng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng (giai đoạn 2022 - 2025) nên số người tham gia BHXH tự nguyện giảm đáng kể...

Một khó khăn nữa đó là từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nên việc chuyển nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp không kịp thời, dẫn đến nợ đọng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN cố tình trốn đóng, thường xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp dẫn đến nợ kéo dài, số tiền nợ lớn…

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện Bưu điện tỉnh, DN và cơ sở KCB cũng đã có những trao đổi, đề xuất cụ thể, nhất là về phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Bưu điện tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm vừa qua, được tạo điều kiện của BHXH tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ an sinh, Bưu điện thật sự đã trở thành cánh tay nối dài để thực hiện chính sách BHXH, BHYT đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chi trả chế độ cho người hưởng, đại diện Bưu điện tỉnh kiến nghị, tăng cường công tác truyền thông trên môi trường số; tiếp tục triển khai các hội nghị trực tuyến trực tiếp; kết nối phần mềm quản lý người tham gia; xác minh đối tượng đang hưởng qua ATM…

Còn đại diện Công ty Dệt may Thừa Thiên Huế kiến nghị, ngành BHXH tăng cường công tác truyền thông chính sách pháp luật về BHXH đến NLĐ; tăng cường công tác thanh tra- kiểm tra và có chế tài mạnh đối với các DN trốn đóng, nợ đọng BHXH để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng như hỗ trợ các DN chấp hành đầy đủ chính sách, pháp luật BHXH đầy đủ cạnh tranh lành mạnh trong thu hút NLĐ làm việc tại DN…

Đại diện Công ty cổ phần dệt may Thiên An Phát kiến nghị cần có chế tài thắt chặt việc hưởng BHXH một lần của NLĐ để tránh tình trạng NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại DN để hưởng BHXH một lần, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chính quyền lợi, an sinh của NLĐ.

Liên quan đến công tác KCB BHYT, đại diện Trường Đại học - Bệnh viện Y dược Thừa Thiên Huế đề xuất liên quan đến thanh quyết toán kinh phí KCB; đấu thầu thuốc, vật tư y tế… để vừa đảm bảo quyền lợi cho người bệnh nhưng đồng thời cũng sử dụng hiệu quả Quỹ.

Đồng tình và đánh giá cao kết quả đã đạt được của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan trong tăng cường công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị SDLĐ; giám sát, đôn đốc các cơ sở KCB trong sử dụng quỹ KCB BHYT, nâng cao chất lượng KCB và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT; chú trọng cải cách TTHC nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN...

Thành viên Đoàn Giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau khi nghe ý kiến góp ý, đề xuất từ cơ sở, các thành viên Đoàn giám sát đã có những trao đổi, góp ý cụ thể như: về việc thanh quyết toán chi phí KCB, đấu thầu thuốc, vật tư y tế; thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; trách nhiệm của DN đối với NLĐ; giảm nợ đọng BHXH; giải pháp để NLĐ không rời hệ thống...

Trên cơ sở thống nhất với những nội dung được BHXH tỉnh và đại diện 1 số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo, Đoàn Giám sát đã có những trao đổi nhằm làm rõ thêm một số vấn đề còn tồn tại. Qua trao đổi, các thành viên của Đoàn Giám sát đã giải đáp cho địa phương những vướng mắc, tồn tại nhằm làm rõ thêm nguyên nhân của những hạn chế, trên cơ sở đó có những đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

***Cùng ngày, Đoàn Giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định UBND, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm chỉ đạo sát sao trong việc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở ban ngành, các cấp chính quyền địa phương,  tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc tham mưu của các sở, ngành liên quan chưa tốt, dẫn đến nợ đọng BHXH, bội chi quỹ BHYT; việc giám sát chi chưa sát với yêu cầu; công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế chưa sát với tình hình thực tế.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nêu phương hướng nhiệm vụ phát triển an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng chưa đáp ưng yêu cầu, tỷ lệ lao động tham gia BHXH và BHTN vẫn còn thấp so với tiềm năng. Số người tham gia BHXH tự nguyện giảm so với cuối năm 2021. Việc vận động người dân tham gia BHYT tại các địa bàn mới ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay không còn được ngân sách nhà nước đóng BHYT gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ì, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, nợ số tiền lớn, thời gian kéo dài. Nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, thừng xuyên nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài ra, việc sử dụng kinh phí KCB BHYT tại một số cơ sở KCB BHYT chưa thực sự hiệu quả, tiết kiệm. Chỉ tiêu đảm bảo chi KCB BHYT trong dự toán giao của Thủ tướng Chính phủ vẫn là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh hơn, mang tính bền vững trong thời gian tới. “Đây là những vấn đề lớn đang đặt ra, đòi hỏi cần phải có giải pháp vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát Hội đồng Quản lý BHXH với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo BHXH tỉnh rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh có các biện pháp thực hiện nghiêm chính sách về BHXH, BHYT; đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thu nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam và BHXH Việt Nam để Thừa Thiên Huế thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đã đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã được tỉnh chú trọng thực hiện tốt.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng lưu ý, để thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT được hiệu quả, tỉnh cần thống kê các văn bản chỉ đạo đã ban hành trong thời gian qua, đồng thời kiện toàn các Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Ngoài ra, cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đến cấp xã; đánh giá sự vào cuộc của hệ thống chính trị. “Cần xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, để có các giải pháp triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển BHXH, BHYT bền vững, để người dân Thừa Thiên Huế thụ hưởng chính sách an sinh giàu tính nhân văn của Đảng, Nhà nước”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng chia sẻ./.

 

PV

https://baohiemxahoi.gov.vn