Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt vào cuộc, đạt nhiều kết quả tích cực
28/12/2021 12:28 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 (sau đây gọi là Nghị quyết số 21-NQ/TW), Ngành BHXH Việt Nam luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; triển khai đồng bộ quyết liệt, nhiều giải pháp đạt được những kết quả tích cực.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 24/12/2021
Cuối tuần qua, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tại Hội nghị, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã báo cáo khái quát về những kết quả toàn Ngành đã đạt được trong 8 năm qua trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.
Theo đó, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, ngay sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW được ban hành, Ngành BHXH Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết một cách nghiêm túc, sâu rộng. Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam kịp thời ban hành văn bản số 25/BHXH-BCS ngày 27/02/2013 về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; cùng với đó là Kế hoạch số 47-KH/BCS ngày 03/4/2013 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống BHXH.
63/63 BHXH tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với tỉnh ủy, thành ủy ban hành kế hoạch, chương trình hành động, Nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW tại mỗi địa phương, đơn vị. Có thể khẳng định rằng, những định hướng của Đảng về phát triển BHXH, BHYT đã nhận được sự quan tâm, tin tưởng, ủng hộ rộng khắp của toàn xã hội.
Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong việc triển khai, cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; kịp thời xây dựng kế hoạch, kịch bản điều hành chi tiết, linh hoạt, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thiên tai; phát huy tối đa những nền tảng, sức mạnh nội tại của Ngành về nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thụ hưởng kịp thời, đầy đủ các quyền lợi; sự đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực khắc phục, vượt qua khó khăn, thử thách của công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.
Những nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Thứ nhất: Chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng linh hoạt, đa dạng, thiết thực, phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia, đặc điểm vùng miền, qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội trong suốt quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT (Ảnh minh hoạ)
- Với phương châm lấy người dân làm trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam đã tập trung đổi mới, linh hoạt, đa dạng nội dung, hình thức, cách thức truyền thông phù hợp với từng nhóm chủ thể, đặc điểm văn hóa vùng miền, đảm bảo đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan thông tấn báo chí triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc.
- Qua công tác truyền thông đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các doanh nghiệp; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, giúp người dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của BHXH, BHYT, từ đó tự giác tham gia như một nhu cầu tất yếu để đảm bảo an sinh. Đồng thời, qua truyền thông cũng truyền cảm hứng, lan tỏa, phát huy tinh thần tương thân tương ái, vận động, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn được tham gia BHXH, BHYT; cùng chung tay xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao phủ tới từng người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai: Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT phù hợp với thực tiễn
BHXH Việt Nam đã bám sát thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT để tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu với Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội thông qua các dự luật quan trọng liên quan đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT số 46/2014/QH13; Luật BHXH sửa đổi số 58/2014/QH13; Luật Việc làm số 38/2013/QH13; Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13; Luật Dược số 105/2016/QH13; bổ sung trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định xử lý hình sự các hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, cũng tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn 200 dự thảo Nghị định, Thông tư, Đề án hướng dẫn thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.
Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người lao động và Nhân dân được tham gia BHXH, BHYT; chế độ hưu trí, tử tuất được thiết kế theo hướng tiệm cận với nguyên tắc đóng - hưởng, từng bước hướng đến sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các nhóm đối tượng; khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT; từng bước thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT; nâng cao chất lượng KCB BHYT; phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba: Tập trung, quyết liệt chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chính trị được giao, đổi mới phương thức hoạt động, từng bước xây dựng Ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
- Phát triển đối tượng nhằm thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết:
Với những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, công tác thu, phát triển người tham gia đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Đảng, Chính phủ.
- Giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT:
Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT luôn được đảm bảo, phục vụ kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng; đã thực sự phát huy vai trò là điểm tựa an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt là trong thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống người lao động.
Trong giai đoạn 2012-2020: đã giải quyết chế độ cho 1.310.893 người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp hằng tháng, đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng tại thời điểm hết năm 2020 lên khoảng 3,3 triệu người; giải quyết cho trên 7,3 triệu người hưởng các chế độ BHXH một lần (bình quân mỗi năm trên 913 nghìn người); hơn 76 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm 9,5 triệu lượt người); trên 5,86 triệu lượt người hưởng TCTN; trên 229 nghìn lượt người hưởng hỗ trợ học nghề. Trong 8 năm đã thanh toán chi phí KCB BHYT cho 1.365 triệu lượt người; bình quân mỗi năm là 170,58 triệu lượt người.
Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT (Ảnh minh hoạ)
- Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia BHXH, BHTN, BHYT:
- Các TTHC thường xuyên được rà soát, cắt giảm về số lượng, đơn giản hóa thành phần, biểu mẫu, hồ sơ (đến nay được cắt giảm trên 90%, chỉ còn 25 thủ tục); đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC, đặc biệt là việc triển khai qua dịch vụ bưu chính công tại 63 tỉnh, thành phố; đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp các dịch vụ công (DVC) trực tuyến qua đó, đã giúp các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân tiết kiệm chi phí đi lại. Đến thời điểm hiện tại, 25/25 (100%) thủ tục của BHXH Việt Nam đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC của Ngành; tích hợp, liên thông với Cổng DVC Quốc gia (hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW).
Toàn Ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số được xác định là yếu tố then chốt, đi trước đón đầu, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của Ngành để phục vụ người dân, doanh nghiệp; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác.
- Công tác quản lý tài chính, đầu tư quỹ:
Công tác quản lý tài chính được thực hiện công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; đảm bảo phục vụ kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, phù hợp với đặc thù tổ chức quản lý, hoạt động của ngành BHXH. Trong giai đoạn năm 2012-2020, quy mô các quỹ bảo hiểm tăng hàng năm với tốc độ tăng bình quân từ 2012-2020 khoảng 20%/năm. Hoạt động đầu tư quỹ của BHXH Việt Nam thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Hội đồng quản lý BHXH, đảm bảo nguyên tắc an toàn, hiệu quả, thu hồi được vốn khi cần thiết. Quy mô đầu tư các quỹ bảo hiểm tăng nhanh qua các năm, tổng số dư lũy kế hàng năm bình quân tăng khoảng 18%.
3.5. Công tác thanh tra, kiểm tra:
Chủ động phối hợp với thanh tra ngành Lao động, ngành Y tế đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Tập trung đổi mới từ phương pháp, cách thức TTKT, kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra điện tử, đã làm tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian TTKT; qua đó mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi nợ, lan tỏa mạnh mẽ ý thức chấp hành của đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở KCB; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người dân.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ CCVC:
Tổ chức bộ máy Ngành BHXH Việt Nam đã từng bước được kiện toàn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối; giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Có thể khẳng định mô hình tổ chức BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, được tổ chức theo hệ thống dọc như hiện nay là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, gắn với đặc thù của công tác tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước; cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao ngày càng tăng, đặc biệt là tốc độ gia tăng chỉ tiêu, nhiệm vụ nhằm đạt mục tiêu tiến tới BHXH, BHYT toàn dân đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ.
Những kết quả đó của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần tích cực cùng cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW những năm qua đem lại nhiều chuyển biến tích cực và nhiều thành quả có ý nghĩa, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Tính đến 31/12/2020, số người tham gia BHXH là 16,188.8 triệu người, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 53,2% so với năm 2012; trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,124.5 triệu người (tăng gần gấp 10 lần so với năm 2012, đạt 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện). Số người tham gia BHTN là 13,324 triệu người, đạt 27% lực lượng lao động. Người tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người, chiếm 90,97% dân số. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết số 21-NQ/TW./.
PV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...