Ngành BHXH Việt Nam: Đồng hành vượt qua đại dịch

08/06/2021 10:51 AM


Đợt dịch COVID-19 thứ tư diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm cũng như mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT. Trước những khó khăn đó, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua đại dịch, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Nhiều DN và NLĐ gặp khó khăn

Trong 5 tháng đầu năm nay, tại Việt Nam xảy ra 2 đợt bùng phát dịch COVID-19, tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 540.000 người bị mất việc và hàng triệu NLĐ phải tạm nghỉ việc, giãn việc, giảm thu nhập (2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng làm việc; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 6,5 triệu người bị giảm thu nhập). Cũng do yêu cầu phòng dịch, nhiều NLĐ buộc phải chấp nhận làm các công việc thiếu tính ổn định, thu nhập không cao.

Thống kê cho thấy, NLĐ khu vực nông- lâm- thủy sản chịu tác động tiêu cực của dịch thấp nhất (7,5%); tiếp đến là khu vực công nghiệp, xây dựng (16,5%); khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (20,4%). Thu nhập của NLĐ trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 5,2%; lĩnh vực vận tải kho bãi giảm 2,7%; lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 3% và du lịch lữ hành giảm 60,1%...

Dịch COVID-19 cũng đã tác động đến mọi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam. Trong đó, công tác phát triển người tham gia BHXH sụt giảm do một số địa phương thực hiện giãn cách, khoanh vùng; công tác giải quyết các chế độ chính sách tăng lên… Tính đến ngày 25/5, tại tỉnh Bắc Giang có khoảng 625 DN với 263.627 NLĐ và tỉnh Bắc Ninh có khoảng 125 DN với 17.982 NLĐ tham gia BHXH bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính trung bình mỗi đơn vị có khoảng 30% số NLĐ phải nghỉ việc do nằm trong khu vực bị cách ly, phong tỏa. Cùng với đó, số lượng lớn công nhân là F1 phải cách ly tập trung và F2 cách ly tại nhà. Nhiều DN thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và cơ sở mầm non tư thục phải cho 100% NLĐ nghỉ việc, nên không có doanh thu... dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT.

Đồng hành vượt qua đại dịch

Nhằm chia sẻ khó khăn với các DN và NLĐ, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, DN được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số NLĐ tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Các trường hợp còn lại tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, đó là giảm từ 20% số NLĐ tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021, đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021. “Dự báo có khoảng 39.000 đơn vị, DN với khoảng 1,15 triệu NLĐ và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng”- BHXH Việt Nam nhận định.

Cùng với việc cho tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ NLĐ thực hiện cách ly y tế từ quỹ BH thất nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ NLĐ thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ 1/6 đến hết 31/12/2021.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam còn đề xuất trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho NLĐ theo phương thức do NLĐ lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, NLĐ chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.

Vũ Thu

Từ đầu năm đến nay, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ đạo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong toàn hệ thống, như ngày 28/4 có Công văn số 1098; ngày 3/5 có Công văn số 1142 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Gần đây nhất, ngày 26/5, BHXH Việt Nam có Công văn số 1445 về tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tại công văn này, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bố trí CCVC, NLĐ làm việc linh hoạt, phù hợp (trực tiếp và trực tuyến); đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả, chất lượng các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT và công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định. BHXH Việt Nam nhấn mạnh, mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng các quy định phòng chống dịch bệnh sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm; đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định.

http://baobaohiemxahoi.vn/