BHXH là chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm cho người lao động (NLĐ) lúc về già có nguồn thu nhập nhất định để sinh sống; trợ cấp cho NLĐ nếu không may mắc bệnh, bị tai nạn lao động, thai sản, thất nghiệp... Thế nhưng, dịch Covid-19 đã khiến nhiều NLĐ phải bán, cầm cố sổ BHXH hoặc đăng ký nhận BHXH một lần vì doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, phá sản. Điều này tiềm ẩn rủi ro, dẫn tới NLĐ mất trắng quyền lợi chỉ vì lợi ích trước mắt.

Đủ chiêu dụ dỗ

Anh Trần Văn Quân - quê Thái Bình, làm công nhân (CN) ở tỉnh Đồng Nai - cho biết cách đây gần 1 tháng, anh đã phải bán cuốn sổ BHXH sau gần 8 năm tham gia cho một người mua trên mạng. "Công ty phá sản nên tôi mất việc trong khi vợ lại sắp đến ngày sinh nên hai vợ chồng quyết định về quê. Biết là bị ép giá khi bán sổ BHXH nhưng vì quá cần tiền nên tôi đành chấp nhận bán "lúa non" - anh Quân phân trần.

Cũng phải cầm cố cuốn sổ BHXH đóng được gần 6 năm, chị Đỗ Thị Thanh cho biết do dịch bệnh kéo dài, công ty hết đơn hàng sản xuất, chị bị chấm dứt hợp đồng lao động. Rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan", lại đọc được những lời mời chào bán sổ BHXH với giá cao, chị Thanh đã liên hệ với người rao trên mạng.

Lúc đầu, người mua nói sổ BHXH của chị có giá khoảng 25 triệu đồng nhưng sau khi "rà soát", họ chỉ trả giá hơn 20 triệu đồng.

Không nên bán của để dành - Ảnh 1.

Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Cần tỉnh táo, suy xét kỹ

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà nước đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có NLĐ mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt.

Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo, suy xét để cùng chia sẻ với nhà nước, DN và xã hội vượt qua thử thách, giữ và tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già.

NGỌC DUNG