Ở những tỉnh, thành phố nơi có các khu công nghiệp thì danh sách số doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng dài thêm. Việc làm này không chỉ vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, mà còn xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ); gây tác động xấu đến an sinh xã hội.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 3-2020 cả nước có 50% DN chưa tham gia BHXH cho NLĐ. Còn số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay có 327.000/610.000 DN thu được BHXH. Quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Tại TP Hà Nội, đến cuối tháng 6-2020 vẫn còn hơn 57.500 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền (tính cả lãi) lên tới 1.970 tỷ đồng. Những DN có số nợ lớn là: Công ty cổ phần (CTCP) Euro (BHTNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), với tổng số dư nợ lên tới gần 209 tỷ đồng; trong đó, CTCP xây dựng HANCORP.2 nợ hơn 32,6 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa nợ hơn 12,4 tỷ đồng, CTCP công nghiệp tàu thủy Hoàng Long nợ gần 6,9 tỷ đồng... Ở tỉnh Đồng Nai, tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 732,4 tỷ đồng. Có 281 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền 273,4 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH gần 200 tỷ đồng; nợ BHYT 13,8 tỷ đồng; nợ BHTN 6,4 tỷ đồng; nợ BHTNLĐ và BNN 1,7 tỷ đồng. Tại Bình Dương, số nợ BHXH lên tới gần 630 tỷ đồng; trong đó 176 đơn vị nợ 12 tháng trở lên. Theo BHXH tỉnh Bình Dương, việc thu hồi nợ sẽ gặp nhiều khó khăn vì có tới 302 đơn vị nợ khó đòi do đã ngừng hoạt động...

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là do tính tuân thủ pháp luật của nhiều DN sử dụng lao động chưa tốt, nhất là ở nhóm DN vừa và nhỏ. Cá biệt có những DN cố tình tìm lý do đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của NLĐ để sử dụng vào mục đích khác. Gần đây, do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nên số lượng NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BHTN giảm; còn số đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN lại tăng nhiều hơn. Đã vậy, hệ thống chế tài điều chỉnh những vi phạm này chưa được quy định rõ ràng và chưa đủ tính răn đe cũng là nguyên nhân vi phạm gia tăng.

Để hạn chế cũng như có những giải pháp xử lý đối với những DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN..., gần đây không ít địa phương đã áp dụng biện pháp cấm xuất nhập cảnh đối với những cá nhân vi phạm. Đề xuất này tuy được Cục Quản lý xuất nhập cảnh đồng ý, nhưng Bộ Tư pháp không đồng ý vì cho rằng chỉ được cấm xuất nhập cảnh với cá nhân là chủ DN chứ không phải là người đại diện pháp lý cho DN. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc xác định đối tượng và ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ BHXH. BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT... đối với những DN nợ đọng kéo dài; cùng với đó, khuyến cáo nếu các DN tiếp tục trốn đóng, nợ đọng bảo BHXH, BHYT sẽ phải chịu hình phạt tù, phạt tiền theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam khuyến cáo: Đến thời điểm hiện tại số tiền thu, tình hình phát triển BHXH, BHYT trên phạm vi toàn quốc vẫn đạt kết quả thấp. Chính vì vậy, toàn ngành cần đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ, phát triển đối tượng theo từng tháng; rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển tham gia BHXH bắt buộc; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, BHTN... Tổ chức thực hiện ngay quy trình thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đột xuất đối với các DN nợ BHXH, BHYT theo quy định; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự hiện hành... Trong những tháng cuối năm, phải đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ BHXH. Về phần mình, Hiệp hội DN Việt Nam cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nhất là Luật BHXH, BHYT, BHTN tới các chủ DN. Trên cơ sở đó vận động những người sử dụng lao động thanh toán nhanh số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ theo quy định. Quan trọng nhất là sớm hoàn chỉnh các quy định của pháp luật về quản lý, xử lý nợ đối với các đơn vị, DN cố tình chây ỳ.

GIANG LONG