Thực hiện lời dạy của Bác, xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ Thực hiện chính sách BHYT
03/12/2012 08:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng tới một chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng. Điều đó đã trở thành hoài bão, mục tiêu và động lực chiến đấu kiên cường, bất khuất của Người. Mục tiêu lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng triệt để con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng con người là gốc của mọi công việc. Mối quan tâm lớn nhất, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và sự phát triển con người một cách toàn diện. Ngoài ra, vấn đề về an sinh xã hội cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến. Có thể coi câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” có hàm ý rộng lớn, sâu xa, liên quan nhiều đến an sinh xã hội.
Đồng chí Lê Văn Phúc báo cáo tại Hội thảo "Từ lời dạy của Bác đến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp"
Tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội hình thành và phát triển từ rất sớm. Trong cuốn “Đường Kách mệnh” xuất bản năm 1927, nói về Công hội Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã viết: “Lại có bất thường phí như để dành lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ người mất việc làm, khi ốm đau, tai nạn hoặc làm những việc công ích”. Đây là ý tưởng manh nha của bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và an sinh xã hội. Ngay sau khi giành được chính quyền, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Nhà nước đã xây dựng và ban hành Hiến Pháp, trong đó quy định những người già, hoặc người tàn tật không việc làm thì được giúp đỡ. Ngày 12/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 29 tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc tổ chức thực hiện chế độ Bảo hiểm ốm đau, tai nạn, chăm sóc sức khỏe con người. Trong giai đoạn từ năm 1947 đến những năm 50 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo, ban hành hàng loạt chính sách, chế độ liên quan đến cán bộ, công chức, người lao động như chế độ tiền lương, phụ phí, chế độ trợ cấp BHXH đối với cán bộ, công chức, viên chức; chế độ đãi ngộ quân nhân.... Trong những năm 60 của thế kỷ XX, khi tổ chức công đoàn phát triển, chế độ BHXH, chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, tử tuất được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo, ban hành. Đây là những yếu tố nền tảng cho an sinh xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chăm lo đến các lĩnh vực của đời sống, các giai cấp, các tầng lớp với tầm nhân văn, nhân sinh rộng lớn thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết, bằng các chính sách do người khởi xướng, biên soạn, ký ban hành. Hàng loạt bài nói, bài viết về chính sách chế độ được ban hành từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính chỉ đạo và giá trị thời đại như các tác phẩm, bài báo, bài nói, các chính sách về lao động, việc làm; về dân số - kế hoạch hóa gia đình; về y tế giáo dục; về tất cả các đối tượng, giai tầng, nghề nghiệp, các đối tượng đặc thù, khó khăn trong xã hội.
Như vậy, theo tiêu chí và cách nhìn nhận như trên, chúng ta có thể tìm tòi, khám phá, phát hiện những khía cạnh về an sinh xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Và như thế có thể khẳng định rằng, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tư tưởng xuyên suốt của Người là tất cả vì dân, vì hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Khi sinh thời, Bác dành nhiều sự quan tâm đến an sinh xã hội, bởi trong đó có các đối tượng là thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, những người đã phải chịu những hy sinh,mất mát vì nền độc lập, thống nhất của dân tộc. Bác đã nhiều lần nhắc nhở: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sỹ và những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu, giúp đỡ họ, để họ có cuộc sống ổn định, bớt đi những khó khăn của sự mất mát hy sinh”. Bác còn quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Người đã căn dặn: “công đoàn có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ xây dựng đất nước. Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn. Bộ Luật Lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ em”.
Khi nói đến tư tưởng an sinh xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một đối tượng được Bác Hồ quan tâm là phụ nữ và vị trí gia đình trong xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện sâu sắc trong việc xây dựng, thực hiện chính sách xã hội đối với nhiều đối tượng trong xã hội như người già, trẻ em, thanh niên, trí thức, công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào các dân tộc thiểu số .v.v.. Chăm sóc, xây dựng và thực hiện tốt chính sách, chế độ cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội chính là an sinh xã hội, trong đó có việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Để thực hiện tốt vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa bằng chính sách BHYT (Luật BHYT). Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức tổ chức thực hiện, đó cũng là bản chất mang ý nghĩa xã hội to lớn của BHYT.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước về Bảo hiểm y tế.
- Quan điểm của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm y tế là tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đã được xác định trong Hiến pháp năm 1992: “…kết hợp phát triển y tế nhà nước với y tế tư nhân; thực hiện bảo hiểm y tế, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm lo sức khoẻ”.
- Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, khẳng định: “Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già....”.
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển và nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế; xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; phát triển mạnh các loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm y tế cộng đồng. Mở rộng diện các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập khám bệnh, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Hạn chế và giảm dần hình thức thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh. Đổi mới phương thức thanh toán viện phí qua Quỹ bảo hiểm y tế”.
- Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở định hướng: “...phát triển bảo hiểm y tế ở nông thôn, đặc biệt là bảo hiểm y tế cho người nghèo, những người thuộc diện chính sách trợ cấp xã hội và nông dân.”
Đây là các quan điểm, định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện chia sẻ giữa người khỏe và người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Luật BHYT được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 đã quy định trách nhiệm tham gia BHYT của các nhóm đối tượng theo lộ trình. Theo đó, đến 01/01/2014 là thời điểm được xem là tất cả các công dân Việt Nam đều có trách nhiệm tham gia BHYT.
Thực hiện lời dạy của Bác xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ Ban Thực hiện chính sách BHYT.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh dành tình yêu thương cho con người, người hướng tình thương và sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe nhân dân. Bác Hồ từng nói: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người thầy thuốc là “lương y phải như từ mẫu” nghĩa là “thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về y đức.
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Hướng dẫn số 25-HD/BTGTW ngày 25-11-2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc bổ sung chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký Quyết định số 463-QĐ/BCS ngày 31/5/2012 về việc ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Ngành Bảo hiểm xã hội. Đây là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Bảo hiểm xã hội và là tiêu chí để cán bộ, công chức, viên chức của Ngành rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Trên cơ sở đó, Ban Thực hiện chính sách BHYT tổ chức phổ biến và quán triệt nội dung trên tới từng cán bộ công chức, viên chức của Ban trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên các nội dung sau:
- Có lập trường tư tưởng vững vàng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ với công việc được giao; phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
- Có tư duy và phương pháp làm việc khoa học và tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo; thường xuyên sâu sát công việc; giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, quy định; giải quyết công việc khách quan, công tâm, có lý, có tình; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Thường xuyên học tập, cầu tiến bộ, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất hiệu quả cao trong công tác, lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ.
- Có ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cá nhân trong sáng, lành mạnh; nói đi đôi với làm; hành động có văn hoá; gương mẫu, trung thực, tiêu biểu trong lối sống, sinh hoạt cá nhân; có tinh thần đấu tranh, xây dựng và đoàn kết; thống nhất trong nội bộ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
- Nêu cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, phục vụ các đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT; coi việc của tổ chức, cá nhân là việc của mình để tận tâm giải quyết; sống và làm việc trung thực, nhân ái; biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến đúng đắn; hoạt động vì lợi của đất nước, của nhân dân, vì nhiệm vụ chung của Ngành.
Quán triệt tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức là thực hiện tốt phương châm hành động của Ban Thực hiện chính sách BHYT: “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả”.
Chuyên nghiệp:
Thông thạo nghiệp vụ, xử lý công việc tuân thủ đúng quy trình, thủ tục quy định; văn minh lịch sự trong hoạt động và ứng xử. Nhiệt tình, tận tụy với công việc.
Minh bạch:
Các nội dung văn bản quy định rõ ràng chế độ, chính sách chế độ BHYT đối với người tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Hiệu quả:
Thực hiện có hiệu quả chính sách BHYT đối với người dân tham gia BHYT. Theo quy định của Luật BHYT, từ ngày 01/7/2009 có 25 đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo là đối tượng mới bổ sung. Từ 01/2010 đối tượng HSSV có trách nhiệm tham gia BHYT; từ 01/2012 nông dân có trách nhiệm tham gia BHYT và từ 01/2014 toàn dân có trách nhiệm tham gia BHYT. Cụ thể, kết quả thực hiện BHYT năm 2011 của từng nhóm theo trách nhiệm đóng cho thấy:
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng đạt tỷ lệ 60,5%, trong đó đối tượng hành chính sự nghiệp có tỷ lệ tham gia đạt 100%;
- Nhóm do quỹ BHXH đóng đạt tỷ lệ 100%;
- Nhóm do ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng có tỷ lệ 92,6%. Một số nhóm đối tượng do NSNN đóng vẫn chưa đạt tỉ lệ 100% như: cán bộ xã hưởng trợ cấp từ NSNN và trẻ em dưới 6 tuổi. Điều này có liên quan đến cách thức tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện BHYT đối với đối tượng thuộc trách nhiệm quản lý;
- Nhóm được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng như: cận nghèo đạt 17,2% và học sinh, sinh viên đạt 79,3%;
- Nhóm tự đóng toàn bộ mức đóng BHYT (tự nguyện tham gia BHYT) bao gồm nông dân, thân nhân người lao động, lao động trong các hợp tác xã đạt tỷ lệ 25,6%.
- Quyền lợi về khám chữa bệnh của người tham gia BHYT tương đối toàn diện, bao gồm khám chữa bệnh (kể cả bệnh bẩm sinh, khám và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS,…), phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con, khám sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh. Nhiều loại dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn theo danh mục Bộ Y tế quy định (Đặt Stent, mổ tim, chạy thận nhân tạo…) cũng được BHYT chi trả tối đa 40 lần tháng lương tối thiểu cho 1 lần sử dụng dịch vụ. Hầu hết các loại thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật đang được thực hành tại các bệnh viện đều thuộc phạm vi chi trả từ quỹ BHYT.
- Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến. Trong năm 2010, đã có khoảng 106 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (93,5 triệu lượt điều trị ngoại trú và 8,7 triệu lượt điều trị nội trú). Tần suất khám chữa bệnh bình quân 2,1 lần/người/năm. Số lượt khám chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện bằng khoảng 65% tổng số lượt khám chữa bệnh BHYT.
Sau gần 20 năm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và 3 năm thực hiện Luật BHYT, BHYT đã bao phủ 64,9% dân số, trong đó người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT. Bảo hiểm y tế đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo đảm an sinh cho xã hội. Để đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện tốt an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả, cán bộ công chức, viên chức Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế luôn phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc, nhằm thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức quy định tại Quyết định số 463-QĐ/BCS ngày 31/5/2012 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam./.
Nguồn Văn phòng Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...