Nâng cao hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

26/11/2012 08:43 AM


Ngày 20/11/2012, BHXH Việt Nam ban hành Công văn số 4774/BHXH-KT về nâng cao hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.


Thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp công dân theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 3219/BHXH-KT ngày 3/8/2010 nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.

Sau hai năm triển khai, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của toàn Ngành đã có những chuyển biển tích cực. BHXH nhiều tỉnh, thành phố đã chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ tiếp công dân có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, khách quan, công tâm, nắm vững các chế độ chính sách về BHXH, BHYT; địa điểm tiếp công dân được nâng cấp, đầu tư khang trang lịch sự; nơi tiếp công dân có niêm yết công khai nội quy, lịch tiếp công dân; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, không để kéo dài.

Tuy nhiên, công tác tiếp dân và giải giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế... Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ “về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam thực hiện một số nội dung sau:

Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Quán triệt Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 đến từng cán bộ, viên chức, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của BHXH Việt Nam về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; coi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cơ quan, đơn vị; gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, cái cách hành chính và chỉnh đốn, xây dựng Đảng;

Phải nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm, đứng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo; xác định nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những yếu kém trong công tác quản lý. Đối với công chức, viên chức có sai phạm trong thực thi công vụ dẫn đến khiếu nại, tố cáo của công dân phải xem xét xử lý kỷ luật nghiêm túc để giáo dục chung. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần phải kiên quyết đưa ra khỏi Ngành;

Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Kế hoạch số 3219/BHXH-KT ngày 30/8/2012 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện Đề án đổi mới tiếp công dân ban hành kèm theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thủ trưởng các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất, đồng thời thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của đơn vị mình. Đối với những vụ việc phức tạp, tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, lắng nghe, kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân;

Rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong năm 2012. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và thi hành các quyết định khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với các ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Tòa án và các cơ quan chức năng có thẩm quyền của địa phương. Trường hợp vướng mắc hoặc các cơ quan còn nhiều ý kiến không thống nhất thì kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và BHXH Việt Nam để xin ý kiến chỉ đạo, không để vụ việc diễn biến phức tạp kéo dài.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam:

Khi nhận được công văn, đơn thư hỏi, kiến nghị của địa phương hoặc người lao động cần kịp thời nghiên cứu trả lời trong thời gian quy định. Đối với công văn, đơn thư kiến nghị của địa phương có liên quan đến chuyên môn của các đơn vị khác thì đơn vị chủ trì giải quyết phải phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất ý kiến trả lời địa phương hoặc người lao động, không được trả lời chung chung, trả lời không đúng thời gian theo quy định hoặc thiếu thống nhất, chồng chéo trong chỉ đạo, gây khó khăn cho địa phương;

Đối với công văn, đơn thư hỏi, kiến nghị của địa phương hoặc người lao động mà quy định của pháp luật chưa có hoặc chưa rõ ràng, đơn vị chủ trì giải quyết phải kịp thời đề xuất trình Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc phụ trách để xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời theo dõi chặt chẽ việc trả lời để sớm căn cứ hướng dẫn địa phương./.

Nguồn TC BHXH