Đại biểu Quốc hội đề xuất phương án mới rút bảo hiểm xã hội 1 lần
28/05/2024 10:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cho rằng 2 phương án về rút BHXH 1 lần vừa được trình Quốc hội chưa tối ưu, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất tích hợp 2 phương án để hình thành phương án mới khả thi và phù hợp hơn.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, đoàn Bến Tre cho biết, bản thân đại biểu đồng tình với phương án 1, tức là “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng, Phương án 1 để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án này quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham dự kỳ họp.
Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng phương án 2 như dự thảo luật rất nhân văn, với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu cho rằng nên thực hiện theo phương án 1.
“Nhiệm vụ của các cấp các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn”, ông Sơn nói.
Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, luật cần hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động hơn.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Cùn đó, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đây là vấn đề khó, phức tạp và được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động quan tâm.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, phương án 1 là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên phương án 1 lại tạo ra lát cắt, chia thành 02 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau ngày Luật này có hiệu lực.
Mặc dù, cho rằng đây là phương án tối ưu song đại biểu Trần Thị Hoa Ry nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động cho kỹ hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động về vấn đề này trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.
“Bên cạnh đó, trong tháng 4 vừa qua, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý I năm 2024. Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng thêm. Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu dẫn chứng.
“Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry nói.
Dùng quyền tranh luận để trao đổi lại với một số đại biểu, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng 2 phương án được trình ra đều có mặt ưu điểm và hạn ché, chưa có phương án tối ưu.
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho rằng 2 phương án được trình ra đều có mặt ưu điểm và hạn ché, chưa có phương án tối ưu.
Ông cho rằng, điểm khác biệt giữa 2 phương án là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hoặc sau khi luật có hiệu lực, dự kiến 1/7/2025, cụ thể là đóng trước thời điểm luật có hiệu lực thì được rút bảo hiểm xã hội một lần, còn sau thời điểm này thì không được rút.
Tuy vậy, vị đại biểu đoàn Quảng Nam băn khoăn, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là một thực tế, cấp thiết và hợp pháp của người lao động mà không phụ thuộc việc đóng trước hay sau thời điểm luật có hiệu lực.
Để phát huy tối đa ưu điểm, hạn chế tối đa hạn chế của 2 phương án, ông đề xuất phương án tích hợp cả 2 phương án.
Theo đó, người đang đóng bảo hiểm xã hội trước khi luật sửa đổi có hiệu lực thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Người bắt đầu đóng bảo hiểm từ thời điểm luật có hiệu lực thì cho rút một phần, có thể là phần do chính người lao động đóng hoặc có thể cho rút 50%. Như thế sẽ giải quyết được bài toán trước mắt của người lao động cũng như giải quyết vấn đề lâu dài.
Đđại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các chính sách mới.
Cụ thể, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo Luật, đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động.
“Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời”, đại biểu Phước nói.
https://vov.vn/
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...