Giữ lửa văn hóa truyền thống ở các xã vùng Loan
08/04/2024 07:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Qua bao thế hệ, theo những thăng trầm của thời gian, mỗi miền đất trên đại ngàn Tây Nguyên đều trở thành những chiếc nôi ra đời và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc đại ngàn. Với mong muốn tìm hiểu cụ thể về thực trạng bảo tồn văn hoá truyền thống, chúng tôi bắt đầu hành trình đầu tiên là đến vùng Loan gồm các xã Tà Năng, Đạ Quyn và Tà Hine (huyện Đức Trọng) - nơi có đông cư dân các tộc người K'Ho, Churu và Mạ sinh sống...
Vừa đặt chân đến xã Tà Năng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ya Thuấn, cán bộ phụ trách văn hóa xã. Ông Ya Thuấn ngần ngại cho biết, đã từ lâu, một bộ phận lớn người dân địa phương không còn ý thức gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Ông Thuấn bày tỏ: “Trong những năm gần đây, xã không có sự ghi nhận đáng kể nào về vấn đề quan tâm của người dân địa phương đến những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình nữa. Đặc biệt báo động khi giới trẻ không cho thấy sự hứng thú, ý thức tìm hiểu những giá trị của văn hóa cồng chiêng, các điệu múa, lễ hội. Địa phương đã nỗ lực tổ chức vận động bà con góp sức bảo tồn những nét đẹp ấy nhưng chưa đạt được kết quả khả quan...". Từ đó, đã dấy lên trong chúng tôi cảm giác hết sức lo ngại khi những giá trị văn hóa quý báu của các dân tộc anh em sinh sống lâu đời trên địa bàn xã này đã dần trở nên mai một, phai nhòa. Phải chăng là bởi do đời sống, mưu sinh của đồng bào khó khăn? Hay do thiếu hụt nhân lực tổ chức, chỉ dẫn và thiếu những sự hỗ trợ cần thiết? Cũng rất có thể là do không có những tổ chức, cá nhân đứng ra làm nòng cốt, làm điểm tựa giúp bà con nỗ lực bảo tồn và kế thừa những di sản quý báu của cha ông...
Tuy nhiên, những dấu hiệu không mấy khả quan ở xã Tà Năng chỉ là một thực tế đơn lẻ ở địa bàn vùng Loan. Tiếp tục khảo sát tại các xã lân cận như Tà Hine và Đa Quyn (đều thuộc huyện Đức Trọng), chúng tôi đã không giấu nổi niềm vui khi đã thu thập được những thông tin quý giá và hình như chúng tôi cũng đã nhận ra “công thức” mà chính quyền, các cán bộ và người dân nơi này đã áp dụng thành công trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ghé thăm nhà Nghệ nhân Ma Lim (người Churu ở thôn Tà Hine, xã Tà Hine), chúng tôi đã được bà chia sẻ về quá trình nỗ lực của bản thân trong quá trình gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trước đây, bà Ma Lim có đến 15 năm đảm nhiệm vị trí Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tà Hine và hiện nay bà là Bí thư Chi bộ thôn. Chi bộ thôn có 25 đảng viên, trong đó có tới 20 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Năm 2016, bà Ma Lim đã được phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân nhờ những cống hiến trong hoạt động bảo tồn và truyền dạy những điệu múa truyền thống của dân tộc Churu cho thế hệ trẻ địa phương. Bà Ma Lim chia sẻ: “Tôi là người dân tộc Churu. Tôi đã được nuôi dưỡng và trưởng thành bởi âm thanh cồng chiêng, bởi những vũ điệu Tămya-Arya, T’rumpô, Đăm T’ra và sống trong không gian của những lễ hội. Đối với tôi, văn hóa dân tộc là tình yêu, là cội nguồn, là hồn cốt. Tôi luôn thôi thúc bản thân phải cố gắng lan toả tình yêu ấy đến các con em với hi vọng thế hệ trẻ sẽ luôn tự hào và có ý thức trong việc bảo tồn, phát triển những giá trị quý báu cha ông truyền lại. Đó chính là trách nhiệm của tôi, của các cháu và của cả cộng đồng”. Thông qua các hội diễn, các cuộc thi hay những chương trình giao lưu, bà Ma Lim đã đào tạo được nhiều thế hệ học trò. Các cô gái, chàng trai hay các em nhỏ ở buôn làng đã được bà tận tình chỉ dạy từng điệu múa, từng bài chiêng. Qua những “lớp học” tự nguyện ấy, bà Ma Lim đã gieo tình yêu bản sắc, niềm tự hào về văn hóa tộc người thấm sâu dần vào trái tim của những truyền nhân tương lai...
Khác với xã Tà Hine, xã Đa Quyn láng giềng có hoạt động tương đối “chuyên nghiệp” hơn. Trước sự lo ngại mai một văn hóa, từ năm 2014, xã đã đặt những nền móng đầu tiên cho nhóm cồng chiêng địa phương và nhóm được chính thức thành lập vào năm 2020. Hiện nay, nhóm cồng chiêng của xã Đa Quyn có 30 thành viên thường trực, phần lớn là những người trẻ được hướng dẫn bởi ba nghệ nhân là các cụ Ya Tam, Ya Linh và Ya Bọ. Sau khi đề xuất và được địa phương hỗ trợ, năm 2023, xã Đa Quyn đã tổ chức thành công lớp truyền dạy cồng chiêng kéo dài hơn ba tháng, thu hút được 37 học viên học tập đều đặn vào các buổi tối cuối tuần. Được biết, trừ các ngày cao điểm vụ mùa nông nghiệp, Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Đa Quyn thường tổ chức sinh hoạt đều đặn ba buổi mỗi tháng. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi hoạt động bảo tồn văn hóa đã trở thành một sinh hoạt được tổ chức bài bản và hòa vào với đời sống người dân. Không chỉ cồng chiêng, câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức những buổi truyền dạy những vũ điệu truyền thống như Tamya-Arya, Đăm T’ra, Paki Năng... Thông qua các hoạt động dạy và học về văn hóa truyền thống, các già làng, nghệ nhân lồng ghép kể chuyện, ôn lại lịch sử quê hương, tộc người, nhằm nhắn nhủ đến thế hệ trẻ về tình yêu cũng như trách nhiệm trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị trong kho tàng di sản văn hóa. Không chỉ phục vụ đồng bào các dân tộc anh em tại địa phương, Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Đa Quyn cũng thường xuyên tham gia trình diễn tại các lễ hội, các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức cũng như tham gia giao lưu văn hóa. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ kết nối của lãnh đạo địa phương cũng như các “mạnh thường quân”, nhóm cũng đã hợp tác với các công ty lữ hành, các tour du lịch trình diễn cho du khách (chỉ tính riêng năm 2023, nhóm đã phục vụ được 6 đoàn khách). Những hoạt động ấy đã góp phần nhân lên niềm tự hào cũng như quảng bá hình ảnh văn hóa địa phương đến với bạn bè gần xa.
Chị Ma Thuận - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Đa Quyn, chia sẻ: “Quá trình hình thành của câu lạc bộ được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực từ các già làng, người có uy tín và đặc biệt là các nghệ nhân. Những cách thức đánh chiêng, đánh trống, thổi khèn được các ông, các bà truyền đạt rất tận tình. Tuy nhiên, hiện tại cũng còn những khó khăn nhất định khi các nghệ nhân đã lớn tuổi, dẫn đến sự hạn chế sức khỏe, ảnh hưởng trong khả năng biểu diễn. Một bộ phận đồng bào vẫn còn quan niệm lạc hậu, dẫn đến sự e dè, hạn chế luyện tập, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa”. Nhưng chị Ma Thuận vẫn tỏ quyết tâm và biểu thị niềm lạc quan: “Mặc cho những khó khăn, với tinh thần nhiệt tình, hăng hái của những nghệ nhân đã truyền được dần cho thế hệ trẻ ý thức vai trò và tầm quan trọng am hiểu về văn hóa truyền thống và lưu truyền cho những thế hệ mai sau”. Không chỉ đảm nhiệm vai trò tổ chức nhóm, chị Ma Thuận là người trực tiếp chỉ dạy cho các bạn trẻ những điệu múa truyền thống của người Churu. Tuy khởi đầu khó khăn khi đây là những điệu múa khó với những yêu cầu cao về độ uyển chuyển, tính hòa hợp, các kỹ năng hình thể tinh tế, nhưng bằng sự đam mê cùng ý thức tập luyện, các học viên đã có thể bắt nhịp và nắm được những động tác cần thiết sau các buổi học. Nêu ý kiến về vấn đề bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, chị Ma Thuận nhận định: “Không chỉ có xuất phát từ tình yêu con người, tình yêu dân tộc, việc tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, củng cố niềm tự hào, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ. Các nghệ nhân, già làng, người uy tín đóng góp vai trò rất quan trọng khi chính họ là nguồn cảm hứng, là tiếng nói có trọng lượng thúc đẩy bà con hành động. Thường xuyên tổ chức kết hợp hoạt động văn hóa và hoạt động du lịch để có thể vừa tạo ra sinh kế vừa xây dựng ý thức cho chính cộng đồng trong việc lựa chọn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng trong chính cộng đồng mình...”.
Ở trên, chúng tôi có nhắc đến “công thức” áp dụng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên. Thực chất, “công thức” này thật là đơn giản, chỉ là ngoài tình yêu, ý thức, trách nhiệm bảo tồn văn hóa của cộng đồng, cần có những hành động cụ thể đến từ các tổ chức, cá nhân tâm huyết; sự phối hợp nhịp nhàng ấy sẽ làm cho quá trình diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn. Và như vậy, để làm tốt việc này cần phải xuất phát từ sự tâm huyết, kiên trì, tránh những căn bệnh “thành tích”, qua loa, đánh trống bỏ dùi. Có như vậy thì mới có thể bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc anh em một cách bền vững; để nhịp chiêng, điệu múa mãi vang vọng, rộn rã buôn làng...
Báo Lâm Đồng
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Tăng cường công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã ...
BHXH tỉnh Lâm Đồng: Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng ...
Thông báo Thời gian chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng ...
Lạc Dương: Mở rộng hệ thống đại lý thu cơ sở
Đam Rông tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT xã ...