Lâm Đồng định hướng phát triển y tế cơ sở đến năm 2030

13/11/2023 08:13 AM


Mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở (YTCS) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục. Phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tại TYT Tân Văn (Lâm Hà)

Có 20 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) và 1 nhà hộ sinh trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Trong đó, có 6 PKĐKKV và 1 nhà hộ sinh có cơ sở và hoạt động độc lập với các trạm y tế (TYT) trên địa bàn xã, phường, thị trấn; 14 PKĐKKV lồng ghép cơ sở với các TYT xã, phường, thị trấn. 

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, mô hình PKĐKKV lồng ghép với TYT có ưu thế về bố trí số lượng nhân viên y tế (14 PKĐKKV lồng ghép với TYT có số nhân lực y tế trung bình là 9,9 và số bác sĩ trung bình là 2,4. Trong khi 6 PKĐKKV hoạt động độc lập có số nhân lực y tế trung bình là 8,5 và số bác sĩ trung bình là 3).

Trong 20 PKĐK, chỉ có 16 PKĐK có giấy phép hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, còn 4 PKĐK có giấy phép hoạt động là TYT. Hiện 142 xã, phường, thị trấn có TYT; trong đó, 128 TYT có cơ sở và hoạt động độc lập, 14 TYT có cơ sở và hoạt động lồng ghép với PKĐK khu vực. Năm 2022, toàn tỉnh có 100% TYT đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng số nhân lực y tế tuyến y tế cơ sở có 2.495 người. Trong đó, bác sĩ chiếm 21,2%; dược sĩ đại học, trung học chiếm 7,3%; y sĩ 13,2%; điều dưỡng 22,5%; hộ sinh 12,9%; kỹ thuật viên 3,6%... 

Trình độ nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở được quan tâm đào tạo: Tỷ lệ bác sĩ sau đại học đạt 31,9%; tỷ lệ dược sĩ sau đại học đạt 10,1%; tỷ lệ chuyên ngành y tế dự phòng, y tế công cộng sau đại học đạt 42,9%. Tỷ lệ điều dưỡng có trình độ cử nhân của các TTYT huyện, thành phố đạt 28,8%; tỷ lệ hộ sinh có trình độ cử nhân đạt 11,8%; tỷ lệ kỹ thuật viên có trình độ cử nhân đạt 43,9%. 

Số TYT có định biên bác sĩ đạt 86,6%. Một số huyện, tỷ lệ TYT có định biên bác sĩ chưa đạt 100% nhưng bố trí 2 bác sĩ /1 TYT như Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh.

Các TTYT huyện, thành phố thực hiện 4.527 danh mục kỹ thuật đúng tuyến quy định. Một số TTYT có giường bệnh nhưng tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật đúng tuyến đạt dưới 50% như: Đam Rông (28,7%), Lạc Dương (37,5%), Đạ Tẻh (43,2%), Đạ Huoai (47,7%), Di Linh (48,6%). Tỷ lệ trung bình thực hiện danh mục kỹ thuật đúng tuyến tại các PKĐK, Nhà hộ sinh (NHS) là 10,1%. Tỷ lệ trung bình thực hiện danh mục kỹ thuật đúng tuyến các TYT xã, phường, thị trấn là 35,7%.

Mạng lưới YTCS đã góp phần quan trọng trong lĩnh vực y tế dự phòng - dân số, đặc biệt trong hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 năm 2021-2023. Lượt khám bệnh hàng năm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến YTCS chiếm khoảng 70,8% so với tổng lượt khám bệnh trong các cơ sở y tế công lập và có xu hướng giảm qua các năm. Tổng số ngày điều trị nội trú hàng năm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc tuyến YTCS chiếm khoảng 31,6% so với tổng số ngày điều trị nội trú trong các cơ sở y tế công lập và có xu hướng giảm qua các năm và tăng lại vào năm 2022. Công suất sử dụng giường bệnh không đồng đều giữa các đơn vị: Công suất sử dụng giường bệnh trung bình năm 2020 đạt 82,7%; năm 2021 đạt 73,7% và năm 2022 đạt 89,4%.

Trong 3 năm (2020 -2022), số lượt khám bệnh của các PKĐK, NHS có xu hướng giảm. Trung bình số lượt khám bệnh 1 ngày/1 PKĐK, NHS là 24,6 lượt; trung bình số lượt khám bệnh 1 ngày/1 NVYT là 2,5 lượt.

Từ năm 2021 - 2023, đầu tư nhà nước cho tuyến YTCS tại Lâm Đồng gần 198 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 57,7 tỷ đồng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 140 tỷ đồng. Tuyến YTCS đã góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Y tế hàng năm; là tuyến đầu trong triển khai các hoạt động lĩnh vực y tế dự phòng - dân số; góp phần trong công tác khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho người dân địa phương.

Dự kiến sắp xếp các PKĐKKV: 2 PKĐKTT thuộc Trung tâm Y tế TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc duy trì hoạt động cho đến khi đầu tư xây dựng thành TTYT đa chức năng (có các khoa điều trị nội trú) theo kế hoạch. Giảm 3 PKĐKKV (Lộc Châu, Lộc Thanh - TP Bảo Lộc; Gia Viễn - huyện Cát Tiên). Tăng 1 PKĐKKV; Nhà hộ sinh thành phố Đà Lạt duy trì hoạt động cho đến khi đầu tư xây dựng thành TTYT đa chức năng (có khoa Sản).

Sắp xếp các TYT xã, phường, thị trấn đến năm 2025, có 140 TYT xã, phường, thị trấn; giảm 2 TYT: Quảng Lập, huyện Đơn Dương (nhập vào xã Pró), TYT xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh (nhập vào xã Quảng Trị). Đến năm 2030, số TYT xã, phường, thị trấn phụ thuộc vào việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc các huyện, thành phố giai đoạn 2026 -2030.

Phát triển nguồn nhân lực YTCS phù hợp với yêu cầu cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả và có chất lượng, quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng đa khoa cho TTYT các huyện, thành phố. Đào tạo nhân viên y tế khoa khám bệnh thuộc TTYT các huyện, thành phố, PKĐKKV, TYT về y học gia đình theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm phát triển đội ngũ chuyên môn về y học gia đình hướng tới mục tiêu hình thành mạng lưới bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả và bao phủ rộng khắp; đào tạo, đào tạo lại cho nhân viên y tế tuyến cơ sở về y tế dự phòng, y tế công cộng. Duy trì, đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, đề án 1816, chế độ luân phiên nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho tuyến YTCS.

Nâng cao chất lượng hoạt động của YTCS trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Phát triển chuyên môn kỹ thuật thông qua triển khai danh mục kỹ thuật đúng tuyến là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được chỉ tiêu đạt từ 80% trở lên danh mục kỹ thuật đúng tuyến vào năm 2025 và từ 90% trở lên danh mục kỹ thuật đúng tuyến vào năm 2030. 

Tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý TYT xã bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu YTCS của Bộ Y tế. TTYT các huyện, thành phố duy trì hệ thống thông tin y tế hiện có, từng bước phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin xét nghiệm, hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh, hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh… tiến tới triển khai bệnh án điện tử.

Báo Lâm Đồng