Giữ mã số vùng trồng: Đầu ra bền vững

27/07/2023 08:12 AM


Xuất khẩu nông sản là định hướng của nông nghiệp Lâm Đồng - vùng đất có đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu sản xuất ra nhiều nông sản ngon, sạch. Tuy nhiên, cả nông dân và nhà quản lý nông nghiệp phải thực hiện một số yếu tố để duy trì đầu ra ổn định cho xuất khẩu nông sản. Trong đó, có hoạt động cấp mới và duy trì tốt mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. 

Sầu riêng - loại trái cây đang được tích cực đề nghị cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, mã số vùng trồng tại Việt Nam bị thu hồi đang tăng cao. Cụ thể, hơn 710 mã số vùng trồng đã bị thu hồi. Tình trạng bị thu hồi mã số vùng trồng tiềm ẩn nguy cơ giảm thị phần xuất khẩu nông sản, trong đó, phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu, không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật. Hiện tại, nhiều nước đã tăng cường tần suất giám sát mã vùng trồng với nông sản Việt. 

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 35 mã vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp. Trong đó, mã số vùng trồng sầu riêng là 33 mã số với quy mô trên 2.300 ha, tổng sản lượng gần 80.000 tấn/năm. Ngoài ra, toàn tỉnh có 29 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đại diện cho mã vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 3.395 ha và 2 hồ sơ về cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ thực vật thẩm định, đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Từ các nghị định thư được ký, hoạt động xuất khẩu trái cây chính ngạch qua Trung Quốc đã thuận lợi hơn, các loại trái cây hút hàng, tăng giá, mang lại thu nhập tốt cho nhiều nông dân. Việc bảo vệ mã số vùng trồng, đóng gói hay đầu tư vào chất lượng trở thành yêu cầu bắt buộc.

Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Long Thủy, huyện Đạ Huoai chia sẻ, để được cấp mã số vùng trồng, yêu cầu về diện tích, cây ăn trái cần diện tích tối thiểu 10 ha trồng thuần với rất nhiều chỉ tiêu cụ thể. Do nhiều khó khăn trong việc cấp mã số, mặc dù huyện Đạ Huoai có tổng diện tích sầu riêng lên đến hơn 5.580 ha nhưng đến nay toàn huyện chỉ mới có 6 mã số vùng trồng được công nhận với quy mô gần 290 ha. Một vấn đề khác là nhiều chủ thể mã số vùng trồng cũng như các doanh nghiệp đăng ký con số sản lượng xuất khẩu sầu riêng so với diện tích được cấp mã là rất cao, trung bình dao động sản lượng từ 35 - 40 tấn/ha. Điều này khiến nhiều nông dân lo ngại có thể dễ xảy ra nhập nhằng trong việc đưa các sản phẩm bên ngoài vào đơn vị được cấp mã số vùng trồng. 

Chính vì vậy, nhiều địa phương đang làm thủ tục đề nghị cấp mã số vùng trồng đã thực hiện những thủ tục chặt chẽ, giảm thiểu các nguy cơ gây mất uy tín cho vùng sầu riêng. Xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm đang tích cực hoàn thành thủ tục cấp mã số vùng trồng cho 300 ha sầu riêng trồng thuần của xã. Ông Võ Pháp Luật - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, cùng xây dựng mã số vùng trồng của Tân Lạc là 3 bên: doanh nghiệp - nông dân - chính quyền địa phương. Ngay từ khi xây dựng kế hoạch, xã Tân Lạc đã tham gia hướng dẫn thủ tục, vận động nông dân và giám sát chặt chẽ để vùng sầu riêng Tân Lạc không bị ảnh hưởng uy tín. Với nông dân, xã vận động bà con đảm bảo quy trình canh tác theo đúng quy định, nhắc nhở nông dân thường xuyên về các yếu tố lợi - hại khi xây dựng mã số vùng trồng, xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Chỉ có giữ uy tín cho vùng sầu riêng, đầu ra cho trái sầu riêng mới ổn định, nông dân có thu nhập tốt từ nông sản.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng chia sẻ, để một mã số vùng trồng được cấp, thời gian có thể phải kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Thủ tục cấp mã số cũng khá phức tạp, đòi hỏi nhiều sự cố gắng của các bên. Việc bị thu hồi, sau đó xin đánh giá cấp lại có thể kéo dài đến vài năm. Vì vậy, điều này ngoài trực tiếp gây thiệt hại kinh tế cho các HTX, nhà vườn còn ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Ngành Nông nghiệp cũng thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn nông dân canh tác đúng quy định. Đặc biệt chú ý tới kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì, phối hợp cùng các địa phương triển khai nhiệm vụ kép là hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thiết lập, cấp mã vùng trồng mới và giám sát chặt chẽ các mã số vùng trồng đã có để đảm bảo tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu và nâng cao chất lượng nông sản.

Báo Lâm Đồng