Cà rốt cọng tím từ VietGAP đến hữu cơ

22/05/2023 02:09 PM


Những năm gần đây, từ sản xuất luân canh thông thường, nông dân vùng đất đỏ xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt đã dần chuyển đổi diện tích trồng cà rốt cọng tím sang chuyên canh theo quy trình VietGAP, hữu cơ, từng bước khôi phục và nâng cao giá trị cây trồng đặc sản của xứ lạnh cao nguyên này. 

Cà rốt cọng tím trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt đạt năng suất 2,5 - 3,5 tấn/vụ
Cà rốt cọng tím trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt đạt năng suất 2,5 - 3,5 tấn/vụ

Sau hơn 5 năm chuyển đổi canh tác đa canh các loại rau sang chuyên canh cây cà rốt cọng tím, nhà nông Lê Thanh (sinh năm 1979) đã ổn định quy trình kỹ thuật VietGAP và quy trình hữu cơ trên tổng diện tích gần 2 ha ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ. Theo đó, trên từng công đoạn “giống - nước - phân - cần”, anh Thanh đã thực hành khép kín trên diện tích chuyên canh cây cà rốt cọng tím của mình.

“Khi bắt đầu tạo giống sản xuất vụ mùa kế tiếp, hộ gia đình chúng tôi chọn khu vườn cây cà rốt cọng tím khoảng 3 tháng tuổi, chiều cao trung bình 0,5 m để cắt hết tán lá, giữ lại cuống gốc rồi cẩn thận nhổ lên từng bụi củ chuyển sang trồng trên luống đất khác. Ở đây mật độ trồng mới với hàng cách hàng 0,4 m, cây cách cây 0,5 m, chăm sóc tiếp tục sau 6 tháng chính thức thu hoạch khoảng 1 kg hạt giống/20 cây cà rốt cọng tím. Đưa ra trồng thương phẩm hiệu quả nhất với tỷ lệ 1 kg hạt giống cà rốt cọng tím trên diện tích 500 m2...”, anh Thanh cho biết.

Tiếp theo hệ thống nước tưới từ giếng khoan bơm lên hồ lắng lọc, phân phối đến hệ thống béc phun mưa. Phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cân đối và theo nguyên tắc “4 đúng” đối với quy trình VietGAP; sử dụng phân chuồng và chế phẩm vi sinh hòa tan phòng trừ bệnh hại đối với quy trình hữu cơ. Yếu tố “cần” cuối cùng, anh Thanh kết hợp kinh nghiệm nghề truyền thống trồng các loại rau Đà Lạt với ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất, tăng sản lượng thu hoạch và giá trị sản phẩm cà rốt cọng tím trên thị trường.

Đến thời điểm tháng 5/2023, trên tổng diện tích 2 ha, anh Thanh sản xuất cà rốt cọng tím theo quy trình VietGAP khoảng 1,5 ha; còn lại 0,5 ha sản xuất theo quy trình hữu cơ. Mỗi năm sản xuất và thu hoạch 2,5 vụ, tổng doanh thu hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Trừ tổng mức đầu tư, lợi nhuận đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm đối với sản xuất hữu cơ và khoảng 250 triệu đồng/ha/năm đối với sản xuất VietGAP. Cơ sở hạch toán ở đây là: Sản xuất cà rốt cọng tím VietGAP đầu vào nguồn vốn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao hơn khoảng 25 - 30% so với mua phân gà hoai mục và chế phẩm sinh phòng trừ bệnh hại trong sản xuất hữu cơ. Trong khi đó, năng suất thu hoạch cà rốt VietGAP cao hơn cà rốt hữu cơ, nhưng thực tế thương lái thu mua chốt giá bằng nhau trên đơn vị diện tích 1.000 m2 từ 20 - 22 triệu đồng, nên “đáp số” lợi nhuận chênh lệch giữa 2 giải pháp canh tác vừa nêu.

Anh Phan Minh Tuấn (sinh năm 1983), người gốc Đà Lạt và là Trưởng nhóm Vườn rau Đà Lạt cho biết, nhóm của anh liên kết nông dân vùng đất đỏ Xuân Thọ, Đà Lạt sản xuất và bao tiêu sản phẩm cà rốt cọng tím hữu cơ trên diện tích 1.000 m2, thanh toán đủ tiền sau khi vừa xuống giống trồng và trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày. Đồng hành cùng với nông dân, anh Tuấn và các đồng nghiệp trẻ trong nhóm đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh mô hình canh tác mỗi năm 2,5 lứa cà rốt cọng tím hữu cơ phù hợp với điều kiện môi trường, thổ nhưỡng ở đây. Đó là các công đoạn “làm đất tơi xốp, lên luống cao khoảng 30 cm so với mặt đất để gieo hạt trồng cà rốt cọng tím. Phân hữu được bón lót tạo rễ cây 15 ngày/lần, bón dinh dưỡng tạo củ và tăng khả năng đề kháng cho cây mỗi lứa 4 lần. Qua hệ thống béc phun mưa tưới cây mới trồng 2 lần/ngày, mỗi lần tưới liên tục 20 phút. Giai đoạn sinh trưởng phát tán cành lá, tưới 1 lần/ngày kéo dài khoảng 60 phút. Trước khi thu hoạch tưới 1 lần/3 ngày với thời gian hơn 60 phút…”, anh Tuấn đúc kết quy trình.

Hiện, diện tích trồng cà rốt cọng tím ở xã Xuân Thọ khoảng hơn 120 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có nhiều diện tích chuyển tiếp quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Riêng Nhóm Vườn rau Đà Lạt của anh Phan Minh Tuấn đang triển khai liên kết chuỗi sản xuất cà rốt cọng tím trên diện tích 5.000 m2, ổn định 2,5 vụ/năm, năng suất mỗi vụ 2,5 - 3,5 tấn. “Trong năm 2023, Nhóm Vườn rau chúng tôi tập trung khai thác thị trường tiêu thụ mới, qua đó mở rộng mô hình liên kết chuỗi với nông dân Xuân Thọ sản xuất cà rốt cọng tím theo tiêu chuẩn hữu cơ khoảng hơn 10.000 m2…”, anh Phan Minh Tuấn cho biết. 

Báo Lâm Đồng