Hiệu quả khuyến công ở Di Linh

05/05/2023 02:40 PM


Với nhiều giải pháp khuyến công hiệu quả, huyện Di Linh đã thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Huyện Di Linh chú trọng công tác khuyến công nhằm phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản
Huyện Di Linh chú trọng công tác khuyến công nhằm phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản

Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, trên cơ sở các nghị định của Trung ương và chương trình của tỉnh về công tác khuyến công, huyện đã triển khai nội dung này phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện của địa phương để từng bước tạo ra những hiệu quả nhất định.

Cụ thể, trong thực hiện Chương trình Khuyến công, Di Linh đã hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương trung bình mỗi năm khoảng 500 triệu đồng để thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; nội dung hỗ trợ được tập trung vào việc áp dụng các mô hình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp. 

Giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn Di Linh, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ không hoàn lại đề án: Lập quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Tam Bố, nhằm triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với cụm công nghiệp này.

Triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, huyện Di Linh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất tham gia đăng ký thực hiện hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh. Kết quả có 2 cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn là Công ty TNHH Ươm tơ Lê Sáu và Công ty TNHH TMDV Cà phê Hùng An đã tham gia đăng ký. Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát tại cơ sở và hiện đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ triển khai hỗ trợ đối với 2 đề án: Đề án Thực hiện đánh giá khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn và Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng giải pháp giúp giảm thiểu tiêu hao nguyên, vật liệu trong quá trình sản xuất sau khi thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn. 

Trong những năm qua, huyện Di Linh đã tiến hành tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. Vào năm 2015, có 10 sản phẩm tham gia. Trong đó, có các sản phẩm tiêu biểu như: Máy chà khô “siêu nhanh, siêu nhẹ” của Công Ty TNHH Thành Công - Toàn Thắng; Trà xanh nguyên chất của Cơ sở sản xuất chế biến trà Quý Châu; Cối chà dập cà phê quả tươi của Cơ sở sản xuất nông cụ Nam Thương; Gạch Blok của DNTN Trung Phương... Năm 2017, có 6 sản phẩm tham gia gồm: các sản phẩm may mặc của Cơ sở may Minh Khuyên; Rượu BaZan của Công ty TNHH Trần Phú Nguyên; Cà phê bột và Cà phê phin lọc của DNTN Hồng Tiến Đức; Hạt mắc ca Việt của Công ty TNHH Mắc ca Việt... Và năm 2023, địa phương này đang tiếp tục triển khai và chọn sản phẩm đạt cấp huyện tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh...

Với những nỗ lực nhất định, bức tranh về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở Di Linh đã dần có những mảng màu sáng. Những con số như giá trị sản xuất ngành Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 10 - 11%; trên địa bàn huyện có 518 doanh nghiệp đang hoạt động, 43 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và trên 400 cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ, giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn huyện... là minh chứng cụ thể cho những hiệu quả từ công tác khuyến công.

Theo đánh giá của UBND huyện Di Linh, qua triển khai thực hiện Chương trình Khuyến công giai đoạn 2013-2023, các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và các cơ sở sản xuất lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác khuyến công, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, chế biến tiếp cận nguồn vốn khuyến công, đổi mới trang thiết bị, máy móc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm; nâng cao công tác quản lý, của chủ cơ sở, tay nghề cho người lao động, ý thức rõ hơn về tiết kiệm nhiên liệu, nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện chất lượng, sản lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh hiện nay phân bổ không đều, quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, do đó chưa tiếp cận và phát huy hiệu quả từ các chương trình khuyến công. Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất cho rằng, nguồn kinh phí hỗ trợ cho từng đề án, chương trình có giá trị thấp, chưa đủ động lực để cơ sở, doanh nghiệp nông thôn tích cực tham gia cũng như thúc đẩy mạnh sự phát triển của ngành Công nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế ở huyện Di Linh. Trong đó, địa phương này đặc biệt chú trọng việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản. Bởi vậy, Di Linh vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công phù hợp với đặc điểm, tình hình các cơ sở sản xuất trên địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Báo Lâm Đồng