Huyện Đơn Dương sau 10 năm thực hiện Chương trình Khuyến công

04/05/2023 07:50 AM


Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến công, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) trên địa bàn huyện Đơn Dương từng bước được ổn định. Giá trị sản xuất của ngành năm sau tăng so với năm trước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống Nhân dân.

Công tác khuyến công tại huyện Đơn Dương chú trọng đầu tư phát triển các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp
Công tác khuyến công tại huyện Đơn Dương chú trọng đầu tư phát triển các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, UBND huyện Đơn Dương đã lồng ghép thực hiện Chương trình Khuyến công trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch hàng năm của địa phương. Đồng thời, nắm bắt tình hình đầu tư của các đơn vị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn để khảo sát, hướng dẫn các đơn vị lập đề án hỗ trợ hàng năm, xem xét thẩm định theo quy định. 

Theo đó, từ năm 2012 đến nay, huyện Đơn Dương đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công hỗ trợ cho các đơn vị doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn khuyến công của tỉnh, của quốc gia để phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khôi phục đào tạo nghề. Cụ thể như hỗ trợ xây dựng nhà xưởng sản xuất máy băm cỏ, phụ tùng cơ khí cho cơ sở Nguyễn Văn Xưởng; xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị chế biến gỗ ghép tại Công ty MTV Lâm nghiệp Đơn Dương; nhà xưởng, thiết bị máy móc chế biến atiso, may mặc thời trang, gạch không nung; đổi mới dây chuyền máy móc sản xuất tương chao, chế biến hạt mắc ca, dây chuyền thổi chai PET chứa thực phẩm... 

Các đơn vị chủ yếu được hỗ trợ theo hình thức có thu hồi, kinh phí hỗ trợ từ 60 triệu đến 400 triệu đồng/đề án với tỉ lệ khoảng 20 - 40% tổng giá trị đầu tư của đề án. Thời gian thu hồi từ 3 - 5 năm. Nhìn chung, các đơn vị được hỗ trợ đã sử dụng đúng mục đích nguồn vốn khuyến công. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp tháo gỡ một phần khó khăn về tài chính trong quá trình đầu tư, tạo động lực phát triển ngành tại địa phương và mang lại những kết quả nhất định trong quá trình sản xuất tại cơ sở. 

Bên cạnh đó, huyện Đơn Dương cũng tiến hành tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện hằng năm và đăng ký các sản phẩm tham gia bình chọn cấp tỉnh. Đã có nhiều sản phẩm được công nhận cơ sở, cấp tỉnh và trong đó có sản phẩm được công nhận cấp khu vực. Song song với đó, triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng thường xuyên rà soát, hướng dẫn các sơ sở sản xuất tham gia đăng ký thực hiện hoạt động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Đã có một vài doanh nghiệp được Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp xem xét hỗ trợ.

Theo đánh giá của UBND huyện Đơn Dương, qua triển khai thực hiện Chương trình Khuyến công tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 - 2023, địa phương và các cơ sở sản xuất lĩnh vực CN - TTCN trên địa bàn huyện ngày càng nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác khuyến công; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, chế biến tiếp cận nguồn vốn khuyến công, đổi mới trang thiết bị, máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm. Đồng thời, nâng cao công tác quản lý, của chủ cơ sở, tay nghề cho người lao động; ý thức rõ hơn về tiết kiệm nhiên liệu, nguyên vật liệu, bảo vệ môi trường. Từng bước cải thiện chất lượng, sản lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa sản xuất, hướng đến phát triển bền vững…Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình Khuyến công trên địa bàn huyện Đơn Dương vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Nguồn ngân sách cấp cho các đề án, chương trình còn hạn chế. Một số đề án triển khai chậm do đơn vị thụ hưởng tốn nhiều thời gian tìm hiểu công nghệ, cũng như giá cả chưa phù hợp để đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất. Bên cạnh đó, đối với các đối tượng là hộ cá thể sản xuất CN - TTCN hoạt động, quản lý theo quy mô gia đình thì năng lực tài chính còn nhiều hạn chế, khi tiếp cận các đề án khuyến công gặp khó khăn trong khâu xây dựng đề án và các thủ tục đi kèm.

Để công tác khuyến công hiệu quả, khuyến khích ngành CN - TTCN ở địa bàn nông thôn phát triển, trong thời gian tới, huyện Đơn Dương xác định sẽ tập trung nhiều đến việc hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất trong việc đổi mới trang thiết bị, công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, thân thiện với môi trường; mở rộng hỗ trợ việc xây dựng, nâng cấp nhà xưởng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của của Đảng và Nhà nước về chương trình. Đồng thời, vận dụng linh hoạt, cải cách trong thủ tục và mở rộng thêm các hình thức hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có thể tiếp cận.

Báo Lâm Đồng