Xây dựng ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

03/04/2023 09:34 AM


Ngành chức năng tỉnh đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến trình xây dựng xã hội số trong tỉnh theo các mục tiêu mà Đề án 06 của Chính phủ đã phê duyệt vào đầu năm 2022.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Cho đến nay, toàn bộ 168/168 cơ sở khám, chữa bệnh tại Lâm Đồng đã thực hiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ căn cước công dân (CCCD). Tỉnh đã liên thông dữ liệu của Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để truy xuất dữ liệu khi người dân có BHYT; tổng số lượt tra cứu bằng CCCD khi đi khám, chữa bệnh BHYT tính đến đầu tháng 3 khoảng 267.655 lượt, trong đó có 159.879 lượt tra cứu thành công.

Cùng đó, tính đến ngày 10/3/2023, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng cũng đã cập nhật, xác thực giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được 774.317 người, đạt tỷ lệ 73% số người đang tham gia BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH tỉnh quản lý, nhằm phục vụ người dân đi khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD cũng như để thực hiện các thủ tục hành chính khác. Sở Y tế Lâm Đồng cũng phối hợp cập nhật thông tin về dữ liệu tiêm chủng COVID-19. 

Cũng tính đến ngày 10/3/2023, cơ quan tư pháp trên toàn tỉnh đã rà soát, số hóa dữ liệu hộ tịch 802.674 thông tin; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội cho 35.571/35.715 người, đạt tỷ lệ 99,96%, đưa vào hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mục tiêu của Đề án và ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn vi mạch điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích bao gồm: giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân đủ điều kiện tại địa phương, Công an tỉnh đã tổ chức 2 đợt cao điểm gồm đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn vi mạch điện tử cho toàn bộ công dân trong độ tuổi theo quy định, kết hợp thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử và đợt cao điểm “90 ngày đêm” với các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. 

Ngành Công an cũng có các giải pháp nhằm bảo đảm hoàn thành tiến độ các chỉ tiêu phục vụ xây dựng dữ liệu dân cư, cấp CCCD, cấp định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến phục vụ triển khai hiệu quả quy định Luật Cư trú năm 2020.

Tính đến ngày 10/3/2023, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thu nhận 1.311.638 hồ sơ cấp CCCD công dân trong diện theo quy định, đạt 96,3%; đã thu nhận 789.018 hồ sơ định danh điện tử cho công dân, trong đó có 563.725 tài khoản định danh điện tử mức 1 và có 225.293 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử mức 2.

Báo Lâm Đồng