Xuân về trên những thôn đồng bào DTTS kiểu mẫu

30/12/2022 03:03 PM


Nơi những thôn buôn kiểu mẫu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Nam Tây Nguyên - trên con đường bê tông thênh thang nắng mới, nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang, nghe tiếng cười con trẻ hòa cùng niềm vui của bà con từ vụ mùa bội thu... Tất cả những âm thanh đó như cùng hòa sắc với tiết trời xuân đến căng tràn thêm sức sống, dệt thêm ước mơ và niềm tin về một tương lai tươi sáng, ấm no trong mỗi nếp nhà. 
 
Diện mạo nông thôn mới nơi vùng quê Đạ Tông, huyện Đam Rông có trên 90% là người DTTS.
Diện mạo nông thôn mới nơi vùng quê Đạ Tông, huyện Đam Rông có trên 90% là người DTTS.
 
 GÓP CÔNG, GÓP CỦA
 
Những ngày cuối năm, người dân Thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh trở nên tất bật, nhộn nhịp hơn bao giờ hết bởi vụ cà phê năm nay được mùa, được giá. Trưởng thôn K’Krỏi chia sẻ: “Xuân năm nay, bà con đón Tết vui vẻ, đầm ấm hơn vì diện mạo thôn có nhiều khởi sắc, bà con đã biết dành dụm, có của ăn của để. Sự đổi thay ấy bắt đầu từ khi thôn triển khai xây dựng Khu dân cư (KDC) kiểu mẫu”.
 
“Mục sở thị” Thôn 3, chúng tôi không khỏi bất ngờ với cảnh quan, môi trường sống ở vùng đất có trên 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) này. Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng Vũ Văn Ninh nói rằng, xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì lẽ đó, sau niềm vui xã được công nhận NTM, Nhân dân Thôn 3 một lần nữa quyết tâm, chung sức xây dựng KDC kiểu mẫu với mong ước để bà con nơi đây được sống trong ấm no, hạnh phúc và văn minh.
Với những kế hoạch, chỉ tiêu được vạch sẵn, cùng với địa phương, lãnh đạo thôn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia hưởng ứng. Trước hết, để tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của bà con, mọi công sức, khoản đóng góp của người dân đều được ghi nhận, công khai. Nhờ đó, nhiều năm qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng “nguồn vốn” từ sự đồng tâm, đồng lòng, có của góp của, có sức góp sức của bà con Thôn 3 chưa bao giờ thiếu. Nổi bật trong suốt hành trình 3 năm xây dựng KDC kiểu mẫu, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp kinh phí hơn 1 tỷ đồng; trong đó có 48 triệu đồng tiền mặt, 450 ngày công và đặc biệt, Phong trào Hiến đất làm đường được triển khai mạnh mẽ và người dân hưởng ứng hiến 9.000 m2 đất. Ngoài ra còn huy động Nhân dân làm sân, cổng, hàng rào bê tông trị giá 250 triệu đồng.
 
Là người tích cực trong việc hiến đất làm đường ở thôn, ông K’Jổih giãi bày: “Tất cả các cuộc vận động, các phong trào từ xã đến thôn phát động, gia đình tôi đều tiên phong và tuyên truyền bà con đồng lòng thực hiện. Vừa qua, khi thôn phát động làm đường bê tông, vợ chồng tôi cũng đã bàn bạc, thống nhất hiến đất với chiều dài 65 m và chiều rộng 2,5 m để hoàn thành con đường liên thôn. Những việc tôi làm không mong được các cấp, các ngành ghi nhận, mà điều tôi vui là khi thấy đoạn đường khang trang, sạch, đẹp hơn, tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, nêu cao tinh thần chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”. 
 
Còn với già làng K’Pun, 43 năm thành lập thôn là ngần ấy năm già chứng kiến quê hương “thay da đổi thịt”. “Rất vui khi người dân chúng tôi mỗi năm lại được đón mùa xuân mới đầm ấm, no đủ hơn. Có được những thành quả như thế này, người dân chúng tôi vừa vui và cũng rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Chúng tôi, những già làng, người uy tín sẽ giáo dục con trẻ nhiều hơn nữa để mỗi người đều có ý thức xây dựng, phát triển kinh tế gia đình tốt hơn, để cùng nhau đưa quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông K’Pun phấn khởi.
 
Với 356 hộ và 1.396 nhân khẩu, toàn thôn hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc K’Ho chiếm trên 90%. Bí thư Đảng ủy xã Tân Thượng cho biết: “Qua thực hiện xây dựng NTM, tôi cho rằng giải pháp quyết định để thành công đó là việc huy động nguồn lực. Ngoài nguồn lực của Trung ương, của tỉnh và huyện, xã cũng đã huy động từ Nhân dân sự đóng góp về vật chất cũng như tinh thần, hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công, đặc biệt là nâng cao nhận thức của bà con DTTS trên địa bàn xã”.

Sau 3 năm (2019 - 2021), Lâm Đồng đã có 671/1.376 KDC được công nhận KDC tiêu biểu (chiếm 48,8%); 213/1.376 KDC được công nhận KDC kiểu mẫu (chiếm 15,5%). Riêng năm 2022, toàn tỉnh có 115 KDC cư kiểu mẫu và 193 KDC tiêu biểu.

 
• THAY ĐỔI NẾP SỐNG TỪ QUY ƯỚC, HƯƠNG ƯỚC
 
Mùa xuân năm nay, niềm vui, hạnh phúc lại được nhân lên gấp bội với bà con vùng đồng bào DTTS thôn N’Tôl, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông bởi thôn vinh dự được công nhận là KDC kiểu mẫu.
 
N’Tôl hiện có 230 hộ dân với 1.300 nhân khẩu; trong đó có 90% là người K’Ho. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông Nguyễn Văn Huy, nét nổi bật của N’Tôl trong xây dựng KDC kiểu mẫu là việc thôn xây dựng Nghị quyết về chấp hành pháp luật, quy ước, hương ước và các quy định khác. Đây là điều mà trước đây, bà con vùng đồng bào DTTS chưa làm được bởi những khó khăn nhất định. Để N’Tôl trở thành KDC kiểu mẫu, việc quan tâm xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước không chỉ đời sống kinh tế của người dân ngày càng khấm khá, mà việc giữ gìn văn hóa cũng được duy trì và nhân rộng. Chị Long Ding K'Long - Trưởng thôn, minh chứng rằng, thay vì trước đây các gia đình tổ chức ăn uống dài ngày trong các buổi lễ, đám cưới, thì nay bà con trong thôn đã thống nhất tổ chức tiệc cưới trong một ngày. Hơn nữa, việc thách cưới cũng giảm đi rõ rệt, mỗi đám cưới trong thôn đều không thách quá số tiền mặt đã được quy định. Đặc biệt, thôn N’Tôl bàn bạc, thống nhất xây dựng nghị quyết, quy ước về việc không chăn nuôi thả rông gia súc. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình nào vi phạm các điều khoản trong quy ước sẽ bị xử lý bằng các hình thức nộp phạt từ 50.000 đến 500.000 đồng, tùy từng hành vi. Nhờ đó mà đến nay, tình trạng chăn thả trâu, bò tự do được hạn chế, ít khi xảy ra tình trạng trâu bò phá hoại mùa màng, Nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, đời sống ấm no hơn…
 
“Người N’Tôl giờ đây đã không còn bán cà phê, bán bắp non, họ biết đợi nông sản đến kỳ thu hoạch mới thu, hoặc tích lũy để đó chờ được giá mới bán. Bà con nay đã biết cải tạo đất để trồng dâu, nuôi tằm thay vì bỏ đất trống như trước. Ngoài đảm bảo dâu để nuôi tằm của gia đình, người N’Tôl còn hái dâu bán lá cho người nuôi tằm ở các vùng khác. Đến nay, thôn không còn hộ nghèo, mức thu nhập bình quân là 42 triệu đồng/năm. Chính những điều ấy đã tạo nên diện mạo N’Tôl như bây giờ - mới mẻ và văn minh”, Trưởng thôn N’Tôl nói. 
 
Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhìn nhận: “Có thể thấy, “bức tranh” tươi mới về xây dựng KDC kiểu mẫu đã và đang dần hiện hữu trên khắp các thôn vùng đồng bào DTTS. Những khó khăn trước đây đã lùi dần nhờ “ánh sáng” từ các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Không chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm mà các địa phương đã biết trang bị những tư duy mới, cách làm hay cho bà con DTTS. Qua khảo sát thực tế tại các thôn vùng DTTS đã và đang xây dựng KDC kiểu mẫu, ngoài “dòng sữa” được đổ về từ các nguồn vốn, đến nay việc thay đổi nhận thức, tư duy của bà con ngày càng tiến bộ. Qua đó, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Cũng từ đây, bà con DTTS tại nhiều xã đã tự lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới và đổi thay trong sinh hoạt cộng đồng dân cư...”.
 
THÂN THU HIỀN

Báo Lâm Đồng