45 năm xây dựng và trưởng thành

19/08/2022 01:31 PM


Cách đây tròn 45 năm, ngày 19 tháng 8 năm 1977, tờ Báo Lâm Đồng đầu tiên ra đời đúng vào ngày vui trọng đại của toàn dân tộc - Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và cũng là ngày Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vui mừng chào đón “đứa con tinh thần” của mình. Trên chặng đường dài gần nửa thế kỷ ấy, Báo Lâm Đồng đã xuất bản được hơn 6.162 số. Để có được chừng ấy số báo đến tay bạn đọc xa gần trong tỉnh, các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, nhân viên Báo Lâm Đồng đã không ngừng  nỗ lực vượt qua chính mình, tiếp tục kế thừa và đổi mới, sáng tạo để xây dựng và trưởng thành. 
 
Tập thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Lâm Đồng. Ảnh: Hoàng Anh
Tập thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Lâm Đồng. Ảnh: Hoàng Anh
 
Hơn ai hết, những người trực tiếp làm việc ở Báo Lâm Đồng đều đã hiểu rõ rằng, so với các tỉnh, thành trong cả nước, Báo Lâm Đồng là tờ báo ra đời muộn nhất, một phần do điều kiện lịch sử khá đặc biệt, nhiều lần bị “tách ra, nhập vào” ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của tờ báo, có lúc bị gián đoạn so với các tỉnh lân cận. Hơn nữa, điều kiện kinh tế tỉnh nhà lúc mới giải phóng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt. Địa bàn khá rộng, dân cư thưa thớt, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Giao thông cách trở, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu, cả Tòa soạn chỉ có 5 phóng viên và 1 họa sĩ, hằng tháng trực tiếp lo tin, bài cho 4 số báo, có những lúc phải “vắt chân lên cổ” mà chạy. Nhất là gần đến ngày ra báo mà vẫn thiếu tin, bài, mấy anh chị em chia nhau “chạy như con thoi” xuống cơ sở lấy tư liệu viết tin bài để sáng hôm sau đem xuống Sài Gòn in cho kịp ngày phát hành. Trước những khó khăn, thử thách đó, Chi bộ và Ban Biên tập đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc và đi đến thống nhất cần nhanh chóng thành lập thêm phân xưởng in báo nhằm chủ động việc in ấn, bảo đảm thời gian phát hành theo quy định. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Thường trực Tỉnh ủy cùng với sự giúp đỡ tận tình của ngành Văn hóa thông tin, chỉ 3 tháng sau, Phân xưởng in của báo đã hoàn thành việc lắp ráp, vận hành an toàn và đi vào hoạt động sớm hơn kế hoạch đề ra. 
 
Sự ra đời Phân xưởng in riêng đã làm cho Tòa soạn chủ động trong khâu in báo, trái lại, số phóng viên đang thiếu hụt trầm trọng. Ngoài 2 phóng viên vừa tốt nghiệp Đại học Báo chí đã được cơ quan tiếp nhận từ năm 1979, Ban Biên tập đã cử người trực tiếp ra Báo Dân tỉnh Bình Trị Thiên xin tăng cường cho Báo Lâm Đồng được 2 biên tập viên tốt nghiệp Đại học Báo chí Khóa I (1969-1973). Sau khi được tăng thêm 4 cán bộ, phóng viên chuyên nghiệp, sức ép về sự thiếu hụt tin, bài đã giảm thiểu rõ rệt. Nhất là khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quyết định bổ nhiệm một Ủy viên Ban Biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn, trực tiếp phụ trách nội dung của tờ báo. Sau khi được kiện toàn, Ban Biên tập đã mạnh dạn xây dựng Đề cương tuyên truyền cho cả 4 số báo trong tháng. Đồng thời, phân công cụ thể cho từng phóng viên những đề tài cần viết cũng như thời gian nộp tin, bài để phóng viên chủ động sắp xếp công việc của mình, không để kéo dài tình cảnh bị động, cập rập như trước đây. Qua vài tháng thực hiện, Phòng Tòa soạn phối hợp với Phòng Phóng viên họp trao đổi, rút kinh nghiệm và kịp thời bổ sung thêm một số nội dung bám sát theo kế hoạch, chương trình công tác của Tỉnh ủy, phù hợp với thực tiễn cuộc sống hơn. 
 
Sau khi mọi công việc đi dần vào nền nếp, Ban Biên tập thực hiện rút ngắn kỳ ra báo từ 10 ngày xuống 7 ngày/kỳ, rồi 5 ngày/kỳ, đòi hỏi số lượng tin, bài phải tăng với số lượng khá lớn mới đáp ứng đủ nội dung của từng số báo. Lần này, Ban Biên tập giao trách nhiệm cho Phòng Tòa soạn với Phòng Phóng viên phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hơn 70 cộng tác viên ở Đà Lạt và Bảo Lộc. Cuối năm 1986, Báo Lâm Đồng đã thực hiện rút định kỳ xuống 5 ngày một số báo vẫn không thiếu tin, bài nhờ lượng tin, bài cộng tác viên gửi về Tòa soạn ngày một nhiều hơn trước. Cùng thời gian nói trên, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vừa ban hành. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã hồ hởi bắt tay ngay vào công cuộc đổi mới toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, tạo ra xu hướng mới, luồng sinh khí mới cho báo chí cả nước nói chung và báo chí Lâm Đồng nói riêng. Ngay từ thời gian đầu của thời kỳ đổi mới, cán bộ, phóng viên Báo Lâm Đồng đã bắt nhịp với đà chuyển biến sôi động, sâu sắc, đầy nhiệt huyết theo tinh thần đổi mới của Đảng. Điều khá thuận lợi là Tỉnh ủy Lâm Đồng đã sớm nhận thức được vấn đề và coi việc đổi mới là một trong những nhiệm vụ cấp bách của báo chí, trước hết phải đổi mới tư duy báo chí, không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, coi trọng thông tin hai chiều, mở rộng thông tin nhiều chiều nhằm bảo đảm được quyền thông tin của mọi người dân trong xã hội. Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Biên tập Báo Lâm Đồng đã chủ động xây dựng và thực hiện tốt những nội dung tuyên truyền  trên các số báo theo hướng giảm bớt các tin bài có tính lễ nghi, thông tin một chiều; chủ động bám sát những sự kiện, những vấn đề nóng hổi, bức xúc của thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, duy trì việc thông tin hai chiều cùng với thông tin nhiều chiều nhằm “nói rõ sự thật và nói đúng sự thật” bằng cách phân tích, lý giải một cách thuyết phục về các sự thật khách quan, các diễn biến thực tế cuộc sống ở địa phương, cơ sở. Nhờ vậy, Báo Lâm Đồng ngày càng bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền theo đúng mục đích tôn chỉ của mình. Để thực hiện tốt điều đó, Ban Biên tập nêu chủ trương phải tự đổi mới chính mình. Trước hết, phải thay đổi tư duy làm báo, phải coi người làm báo là trung tâm của sự nghiệp đổi mới báo chí. Trên cơ sở đó, Ban Biên tập giao trách nhiệm cho những phóng viên đã qua lớp đào tạo Đại học Báo chí chính quy được ở nhà đảm nhận nhiệm vụ duy trì việc tuyên truyền trên báo. Riêng những phóng viên đã tốt nghiệp các trường đại học khác đều tham gia học tại chức lớp Đại học Báo chí văn bằng 2 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm giúp cho anh chị em được bồi dưỡng, nâng cao lý luận báo chí và kỹ năng làm báo trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay. Vừa tập trung nâng cao trình độ nghiệp vụ cho phóng viên, Ban Biên tập thường xuyên cử cán bộ, phóng viên đi học các lớp tập huấn chuyên đề về nghiệp vụ báo chí cũng như “vi tính” hóa cho cán bộ, phóng viên trong cơ quan. Chính nhờ thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo lại khá bài bản, thiết thực và hiệu quả nên mười lăm năm trở lại đây, chất lượng đội ngũ phóng viên Báo Lâm Đồng đã tăng lên rõ rệt. Điều đó được thể hiện và kiểm chứng qua các tin, bài đạt chất lượng cao được đăng trên báo hoặc những giải thưởng cao mà phóng viên đã nhận tại các cuộc thi do được nhiều giải thưởng cao do Trung ương cũng như địa phương tổ chức. Từ nguồn nhân lực chất lượng cao được tạo ra trong hơn 35 năm đổi mới báo chí, năm 2010, Báo Lâm Đồng đã ra mắt Trang Thông tin điện tử, mỗi tuần phát hành 4 số báo giấy; trong đó có Lâm Đồng Cuối tuần có 12 trang đã đem đến nguồn thông tin mới, phong phú, đa dạng với nhiều sự khác biệt, được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao. Tiếp đến, xuất bản thêm Bản tin Dân tộc - Miền núi Lâm Đồng mỗi tháng 1 kỳ nhằm phục vụ đối tượng là cán bộ, đảng viên và Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Đầu năm 2015 đến nay, mỗi tuần xuất bản 5 kỳ với số lượng phát hành gần 8.000 tờ, cao nhất từ trước đến nay.
 
Sự tiến bộ vượt bấc ấy tạo điều kiện cho Báo Lâm Đồng thực hiện tốt việc đa dạng hóa công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới. Với dung lượng tuyên truyền được tăng lên gấp nhiều lần, với trình độ, kỹ năng tác nhiệp, bản lĩnh nghề nghiệp của phóng viên được nâng lên càng làm cho những số Báo Lâm Đồng trong những năm gần đây xuất hiện khá nhiều bài báo đạt chất lượng cao. Hiện nay, số lượng bạn đọc của Báo Lâm Đồng ngày càng nhiều, nhất là cán bộ, đảng viên. Bởi vì, qua Báo Lâm Đồng, người đọc đã hiểu rõ hơn về sự đổi mới và phát triển một cách toàn diện, đa dạng và đa chiều về những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới. Từ diện mạo, tầm vóc và vị thế cũng như đời sống của các tầng lớp Nhân dân đã tiến bộ một bước khá dài. Giờ đây mỗi lần tết đến hay vào lúc giáp hạt, chúng ta không hề nhìn thấy bóng dáng bà con đồng bào dân tộc dắt díu nhau trên những con đường, góc phố ở Đà Lạt để xin ăn như trước. Bộ mặt nông thôn mới hoàn toàn khởi sắc và no đủ với nhà cao cửa rộng. Bà con nông dân trồng rau, hoa nhờ thực hiện đúng theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biết đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã tăng giá trị cây trồng gấp hàng chục lần so với trước nên đời sống của người trồng rau, trồng hoa ở Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng... đã giàu lên trông thấy. Phần lớn những sự kiện lớn, vấn đề nóng hổi đều được Báo Lâm Đồng tuyên truyền khá đậm nét và để lại những ấn tượng sâu sắc với bạn đọc... Tuy vậy, cũng cần lưu ý một vài khuyết điểm hạn chế cần khắc phục như: Vẫn còn một số lỗi kỹ thuật trong khâu biên tập, in ấn. Ngoài ra, cũng nên dành một phần diện tích mặt báo để cho bạn đọc có thể kiến nghị, hoặc đề xuất, góp ý những vấn đề thiết thực trong cuộc sống... 
 
Vậy là mùa thu năm thứ 45 do Báo Lâm Đồng xuất bản số đầu tiên lại hiện về với đầy ắp những kỷ niệm tốt đẹp như nhắc nhở các thế hệ cán bộ, phóng viên đã từng làm việc và góp phần xây dựng nên tờ Báo Lâm Đồng tiến bộ vượt bậc như ngày hôm nay không ngừng phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và trưởng thành, tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung tờ báo ngày càng xứng đáng với công lao và niềm tin của các thế hệ làm Báo Lâm Đồng cũng như Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
 
NGUYỄN MẬU SIỆC

Báo Lâm Đồng