Đi vào chất lượng dân số

11/07/2022 07:45 AM


Chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm nay: “Thế giới 8 tỷ người - Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”.
 
Chị Trương Thị Hoa (44 tuổi, ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương) trẻ trung ngồi cùng hai đứa con trai trông như ba chị em
Chị Trương Thị Hoa (44 tuổi, ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương) trẻ trung ngồi cùng hai đứa con trai trông như ba chị em
 
• CHUYỂN ĐỔI THẾ HỆ TỪ ĐÔNG CON SANG ÍT CON
 
Chị Nguyễn Thị Thu Loan, viên chức dân số của Trạm Y tế xã Lạc Lâm (Đơn Dương) cho biết: “Công tác dân số được chính quyền cơ sở quan tâm đúng mức. Để giúp người dân có hiểu biết về vấn đề dân số và phát triển, những năm qua, xã Lạc Lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kết quả duy trì tỉ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức ổn định dưới 1%o, tỉ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng cao”. 
 
Những gia đình đông con thuộc thế hệ lớn tuổi, trong đó, có các bà, các mẹ đã nhiều năm tham gia công tác phụ nữ, cộng tác viên dân số, y tế thôn, bản lấy kinh nghiệm của đời mình để vận động thế hệ con cháu đừng sinh đông con nhiều cháu cực khổ và thiệt thòi. Bà Nguyễn Thị Bính Thân, sinh 1956, ở thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm cho biết: “Đông con khổ lắm, thiếu thốn trăm bề. Tôi lấy chồng năm 21 tuổi, 22 tuổi sinh con đầu lòng. Trong quá trình 22 năm, cho tới 44 tuổi tôi sinh bé út thì nhìn lại thấy mình đã mang thai 13 lần, sinh 10 lần và hư thai 3 lần. Trong thời gian đấy, tôi không biết gì về kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), cứ sinh tự nhiên theo như các cụ là “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Thời bao cấp, không có một cái gì để dành riêng cho bản thân mình cả, cứ lo cho chồng, con. Chồng tôi làm nhiều nghề, từ thợ mộc, chạy xe lam, làm cống bi giếng, rồi các con cũng làm theo nghề của bố. Cả 6 đứa con trai chưa đứa nào học qua cấp 3, còn 3 đứa con gái được học cao đẳng, đại học nhưng cũng bỏ dở việc học vì gia đình khó khăn, 1 đứa con gái bị bệnh suy tim đã hơn 40 tuổi nhưng nhỏ nhắn như cô bé. Cũng vì mưu sinh mà cách đây 10 năm, chồng tôi cắt sắt bắn vào mắt phải đi mổ, đến nay đã mổ thay thủy tinh thể cả 2 mắt và bị nặng tai do ảnh hưởng nghề nghiệp”.
 
Bà Thân kể: “Khi các cháu lớn lập gia đình thì tôi tiếp cận thông tin nhiều hơn qua báo đài, được sinh hoạt nhóm phụ nữ, các buổi lồng ghép sinh hoạt nhiều kiến thức bổ ích giúp mình nhận thức nhiều hơn như: vấn đề bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các biện pháp tránh thai... Hiện tôi có 4 dâu, 3 rể, 15 cháu; trong đó, có 2 gia đình sinh con một bề (1 bề 3 gái và 1 bề 2 trai). Các con gái thì hiểu cho mẹ hơn nhưng các con dâu lại hay thắc mắc sao mẹ hồi đó sinh nhiều thế. Thế hệ trước thiệt thòi nhiều, đông con vất vả nên các con, cháu rút kinh nghiệm. Khi đi vận động, tuyên truyền, tôi hay chia sẻ với các thế hệ con, cháu rằng, bây giờ không quan trọng sinh con trai, con gái, miễn sao sinh con ra dưỡng dục cho tốt, điều kiện kinh tế tốt cũng quan trọng và việc giáo dục con nên người càng quan trọng hơn”.
 
Cũng tại xứ đạo Lạc Lâm, chúng tôi đến thăm một gia đình sinh con một bề. Chị Trương Thị Hoa, sinh năm 1978, có 2 con trai 17 tuổi và 7 tuổi. Chị Hoa trẻ trung ngồi cùng 2 đứa con trai trông như ba chị em. Chị chia sẻ: “Mặc dù sinh con một bề nhưng vợ chồng tôi không cần cố gắng chuyện sinh con trai, con gái. Gia đình tôi có 3 anh chị em, bên chồng đông hơn, có 5 người con, còn chúng tôi dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt, có điều kiện chăm sóc gia đình, bởi sinh càng đông con càng vất vả. Chồng tôi tham gia công tác xã hội, làm nhà kính, nhà lưới và các dịch vụ nông nghiệp cho bà con, tôi ở nhà nội trợ, mở tiệm cắt tóc nam nữ tại nhà, đưa đón con, lo việc nhà”. 
 
• QUAN TÂM CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ, TRẺ EM 
 
Theo Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 710 phụ nữ sinh con, quản lý thai đạt 99,4%; số phụ nữ sinh được cán bộ y tế đỡ chiếm 100%; số bà mẹ đẻ được khám thai ≥ 3 lần trong thai kỳ, đạt 97,6%; số bà mẹ được thăm khám trong vòng 42 ngày tại nhà sau sinh, chiếm tỷ lệ 92,5%. 
 
Quản lý 317 ca thai nguy cơ cao (theo dõi sanh 175 ca, chuyển đi 8 ca, sẩy thai 5, hiện còn 129 ca); tử vong chu sinh giai đoạn bào thai 2 ca, tử vong sơ sinh 3 ca (2 ca suy hô hấp, 1 ca tim bẩm sinh). Không có tai biến sản khoa. Công tác khám phụ khoa, xét nghiệm soi tươi, tế bào âm đạo được triển khai thực hiện thường xuyên tại các phòng khám sản phụ khoa, trạm y tế xã. Triển khai tầm soát ung thư cổ tử cung tại cộng đồng cho 824 trường hợp. 
 
Tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong thai kỳ, lợi ích của việc khám thai định kỳ và ích lợi của tiêm chủng. Hàng tháng, trạm y tế tư vấn và cấp sổ quản lý theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho thai phụ mới.
 
Thực hiện 224 lượt tuyên truyền công tác chăm sóc trẻ em qua hệ thống loa đài địa phương các xã, thị trấn. Tư vấn dinh dưỡng cho 1.784 người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ tại trạm y tế và cộng đồng. Tổ chức tập huấn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi thực hiện 20 buổi cho 600 bà mẹ tham dự. Triển khai công tác cân đo trẻ em dưới 5 tuổi đợt 1 năm 2022. Kết quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên cân nặng 11,24% và suy dinh dưỡng trên chiều cao 17,69%.
 
Tiếp tục duy trì công tác nâng cao chất lượng dân số. Số trẻ sinh ra được sàng lọc thực hiện cao hơn cùng kỳ và đang tiếp tục thực hiện lấy mẫu máu gót chân ở trẻ để sàng lọc sơ sinh. Duy trì mức sinh thay thế, tỷ số giới tính khi sinh, tiếp tục triển khai chương trình giảm mất cân bằng giới tính khi sinh tại 10/10 xã, thị trấn. Tiếp tục duy trì câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 58 thành viên tham gia. Duy trì 2 câu lạc bộ của những người mắc bệnh mạn tính với 44 thành viên tham gia.
 
BSCKI Nguyễn Hữu Bôn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương cho biết: Dân số Đơn Dương khoảng 105.000 người, chiếm 70% dân tộc Kinh, 30% đồng bào DTTS. Vấn đề nâng cao chất lượng dân số được ngành Y tế huyện đặc biệt quan tâm, nhất là đối tượng phụ nữ, trẻ em, người già. Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, trong đó, có vấn đề chăm sóc phụ nữ mang thai. Trung tâm Y tế huyện thực hiện nhiều chương trình hoạt động, bộ phận tham mưu như Phòng Dân số - Tuyên truyền giáo dục sức khỏe đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Nông dân, các trường học, các xã, thị trấn để tăng cường công tác tuyên truyền tới mọi người dân hiểu được tầm quan trọng của vấn đề dân số và phát triển.
 
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ngành Y tế quan tâm chăm sóc 1.000 ngày đầu đời sau sinh, đối tượng là phụ nữ mang thai và trẻ em được chăm sóc ngay ở giai đoạn trong bào thai. Trước khi mang thai, phụ nữ cũng được tuyên truyền kiến thức cơ bản, trong quá trình mang thai giúp quản lý thai tốt nhất, giúp các bà mẹ mang thai sinh ra con khỏe mạnh; quan tâm chăm sóc trẻ giai đoạn 2 năm đầu sau sinh, chăm sóc dinh dưỡng hết sức quan trọng. Để có những kiến thức như vậy thì công tác tuyên truyền, vận động, cũng như tổ chức các lớp tập huấn, các CLB giúp các bà mẹ có kiến thức cơ bản trong chăm sóc sức khỏe, giúp chất lượng dân số trong thời gian tới tốt nhất về sức khỏe, thể chất, tinh thần.
 
AN NHIÊN

Báo Lâm Đồng