Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lâm Đồng

09/05/2022 01:38 PM


Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 101 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 12.170,76 tỷ đồng (tương đương 550,95 triệu USD), quy mô diện tích 2.245,19 ha. Trong đó, có 96 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động với vốn đầu tư thực hiện là 9.371,09 tỷ đồng (tương đương 431,377 triệu USD), bằng 78,29% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số dự án, quy mô và vốn đầu tư còn có thể cao hơn nữa sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và các giải pháp thu hút đầu tư của chính quyền hiệu quả. 
 
Công ty TNHH Dalat Hasfarm luôn đi đầu trong ngành Sản xuất hoa tươi, mỗi năm cung ứng tới 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống ra thị trường trên khắp thế giới
Công ty TNHH Dalat Hasfarm luôn đi đầu trong ngành Sản xuất hoa tươi, mỗi năm cung ứng tới 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống ra thị trường trên khắp thế giới
 
• TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA CÁC DỰ ÁN FDI:
 
Năm 2021, khi dịch COVID -19 bước đầu được kiểm soát, một số doanh nghiệp đã khôi phục lại sản xuất và dần thích ứng với tình hình mới. Mặc dù, Chính phủ đã có chính sách cho các doanh nghiệp được giảm thuế và ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID -19…, nhưng vẫn có nhiều khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp FDI.
 
Qua khảo sát các doanh nghiệp FDI của các cơ quan chức năng, tại Lâm Đồng, một số doanh nghiệp vẫn thiếu hụt chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp người nước ngoài, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tạm thời nghỉ việc do ảnh hưởng của COVID -19 khoảng 500 lao động. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2021, một số chỉ tiêu chủ yếu đều giảm so với năm 2020.  Cụ thể,  vốn đầu tư thực hiện đạt 14,47 triệu USD, giảm 24%; doanh thu đạt 286,29 triệu USD, giảm 14% (trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 175,56 triệu USD, giảm 24%); giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 11.500 lao động, giảm 3,9% cùng kỳ; nộp ngân sách khoảng 3,6 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ. 
 
Trong năm 2021, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 dự án vốn đầu tư FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoạt động trong Khu Công nghiệp Phú Hội, với tổng vốn đăng ký đầu tư 46 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD), quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 1,36 ha. Đó là Dự án Nhà máy Sản xuất và Chế biến nông sản xuất khẩu Agriex do Công ty TNHH Agriex - Nhật Bản làm chủ đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực chế biến và bảo quản rau, củ, quả. So với cùng kỳ năm 2020, thu hút FDI chỉ bằng 33,3% về số dự án, 19,9% về vốn và 10,3% về diện tích (Năm 2020, Lâm Đồng có 3 dự án vốn FDI được cấp quyết định chủ trương và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với vốn đăng ký đầu tư 231,358 tỷ đồng - tương đương 10,04 triệu USD, quy mô diện tích 13,24 ha). 
 
Năm 2021, có 10 lượt dự án điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư với nội dung điều chỉnh: thay đổi nhà đầu tư, điều chỉnh quy mô; có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm là 8.550.891 USD. Cũng trong năm 2021, có 17 cá nhân nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào 12 công ty trong nước với tổng vốn góp là 43,77 tỷ đồng, tương đương 1.900.000 USD. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án đăng ký tạm ngưng hoạt động với thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/1/2021 và 3 dự án chấm dứt hoạt động đầu tư, với số vốn đầu tư là 5.129.512 USD. 
 
• GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ FDI
 
Do tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, công tác thu hút đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều chuyển biến so với các năm trước. Việc thu hút đầu tư FDI đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng là du lịch và nông nghiệp. Các nội dung xúc tiến đầu tư và danh mục các dự án đầu tư đã không ngừng được hoàn thiện và cập nhật, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp được với yêu cầu của các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việc hợp tác, liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước chưa được đẩy mạnh do chưa có chính sách khuyến khích, quy định chặt chẽ về việc liên doanh, liên kết;  chất lượng nguồn nguyên liệu nông sản phục vụ chế biến không đồng đều cũng gây khó khăn cho việc hợp tác với đối tác nước ngoài.
 
Giải pháp thu hút đầu tư trong năm 2022 được đặt ra là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch và thân thiện; thu hút đầu tư có chọn lọc và theo quy hoạch…; tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng thế mạnh và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; tăng cường quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, trọng tâm là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; mở rộng thị trường, phát triển mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…; đẩy mạnh cải cách hành chính, và nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa liên thông trong đầu tư; công khai quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền trên hệ thống thông tin. Song song đó,  giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư trên mạng thông tin điện tử, từng bước thực hiện cấp phép đầu tư qua mạng; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và xây dựng chính phủ điện tử… Xây dựng và nâng cao kỹ năng giải quyết các thủ tục hành chính, kỹ năng trong giao tiếp... của cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án, đặc biệt là cán bộ, nhân viên một cửa, một cửa liên thông…
 
LÊ HOA

Báo Lâm Đồng