Đà Lạt với 5 khâu đột phá

24/06/2021 10:33 AM


Đà Lạt xác định 5 khâu đột phá để phát triển toàn diện, bền vững, trở thành thành phố thông minh trong 5 năm tới. Đó là phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện môi trường, đẩy mạnh liên kết chuỗi; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác quản lý theo quy hoạch.
 
Đà Lạt tiếp tục xây dựng hoàn thành nhiều công trình chỉnh trang đô thị
Đà Lạt tiếp tục xây dựng hoàn thành nhiều công trình chỉnh trang đô thị
 
Đánh giá chung đến nay, thành phố Đà Lạt đã tạo điểm xuất phát mới sau 5 năm nỗ lực với những thành tựu mới. Theo đó, cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch tăng tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm - nghiệp. Hàng năm đều tăng lượng khách du lịch đến Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng; thành phố đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ, thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông tăng trưởng khá; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; công tác điều hành chi ngân sách đáp ứng yêu cầu an sinh xã hội và các khoản chi phục vụ các hoạt động chung của thành phố. “Thành tựu của thành phố Đà Lạt trong 5 năm qua ghi nhận các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng xã hội đầu tư nâng cấp, tạo tiền đề và góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị…”, báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt nhấn mạnh thêm. Thể hiện các chỉ tiêu đáng kể là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn hơn 10%; tỷ trọng dịch vụ - thương mại 67 - 67,5%/năm, công nghiệp - xây dựng 18 - 18,5%, nông nghiệp 14 - 14,5%; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 400 triệu đồng/ha/năm; kim ngạch xuất khẩu hơn 388 triệu USD; số lượng khách du lịch hàng năm tăng 9% so với năm trước, trong đó khách quốc tế chiếm 12 - 13%, thời gian lưu trú bình quân 2,5 ngày/khách; tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 17%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51% vào năm 2020…
 
Trên nền tảng đó, thành phố Đà Lạt chọn lĩnh vực du lịch - dịch vụ - thương mại làm khâu đột phá thứ nhất trong 5 năm tới. Giải pháp ở đây là thu hút, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch. Bên cạnh đó, vận động các cơ sở đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, đẩy mạnh hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông. Chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống phục vụ du lịch, thực hiện phương án phát triển kinh tế ban đêm, triển khai đầu tư các chợ dân sinh trên địa bàn. Ở khâu đột phá thứ hai, Đà Lạt mở rộng các mô hình liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ và doanh nghiệp gắn với thị trường, đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị tăng cao, phối hợp xây dựng trung tâm giao dịch hoa, nâng cao giá trị thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Bên cạnh trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung, trồng cây che bóng, khoanh nuôi tái sinh, thành phố Đà Lạt tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Khâu đột phá thứ ba, thành phố Đà Lạt huy động các nguồn lực đầu tư phát triển doanh nghiệp, chú trọng hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn, nâng cao năng lực quản lý hoạt động hợp tác xã, đồng thời thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thúc đẩy giải ngân vốn ODA. 
 
Hai khâu đột phá thứ tư và thứ năm, thành phố Đà Lạt chú trọng nguồn vốn đầu tư công đối với các công trình trọng điểm, cấp bách như hệ thống giao thông, chiếu sáng đô thị, cây xanh, trường học, khắc phục ngập úng cục bộ, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng cụm công nghiệp Phát Chi. Tiếp tục xây dựng, trình phê duyệt các quy hoạch thiết kế đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và công khai quy hoạch theo quy định. Triển khai quy hoạch sử dụng đất năm 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đặc biệt hàng năm, xây dựng và triển khai cụ thể Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh vào năm 2025. Trong đó, vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành thành phố thông minh, sử dụng các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. 
 
Thực hiện đồng bộ 5 khâu đột phá nêu trên, thành phố Đà Lạt tiếp tục đạt các mục tiêu đến giai đoạn năm 2021 - 2025 gồm các chỉ số tăng trưởng: 10% giá trị sản xuất bình quân mỗi năm; 12 - 13% tổng thu ngân sách; 17 - 18% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 450 triệu đồng/ha/năm giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân; 618 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. 
 
Kết quả đến năm 2025, cơ cấu kinh tế thành phố Đà Lạt đạt tỷ trọng 70 - 72% ngành thương mại - dịch vụ; 18 - 20% ngành công nghiệp - xây dựng; 12 - 14% ngành nông - lâm - nghiệp.
 
VĂN VIỆ

Báo Lâm Đồng