Lạc Dương phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh

25/01/2021 10:16 AM


Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp, huyện Lạc Dương đã định hướng, xác định một số sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh để tập trung lãnh, chỉ đạo xây dựng, phát triển. Để từ đó, giá trị bình quân trên diện tích không ngừng tăng, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. 
 
Trồng hoa hồng nhà kính đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Lạc Dương
Trồng hoa hồng nhà kính đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Lạc Dương
 
Với tổng diện tích canh tác toàn huyện đạt 7.720 ha, trong những năm gần đây, huyện Lạc Dương đã tập trung thâm canh, tăng năng suất các loại cây trồng chủ lực đặc trưng trên từng vùng sinh thái như: phát triển ổn định diện tích cây cà phê (chủ yếu là giống catimor) đạt 4.671 ha; trên 1.900 ha trồng cây rau (chủ yếu: bắp cải, cà chua, cải thảo, dưa leo, bó xôi, ớt, xà lách các loại..); 516 ha phát triển diện tích trồng cây hoa (hoa hồng, hoa cúc, ly ly, cẩm chướng....); duy trì, phát triển ổn định cây ăn quả đạt 1.176 ha (chủ yếu là xen canh cam, quýt, hồng);...
 
Đặc biệt, với đặc trưng nằm trên độ cao từ 850-2.200 m so với mặt nước biển, khí hậu ôn đới, 2 mùa rõ rệt, thích hợp nhiều loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; một số loại nông sản chủ lực của huyện như: Dâu tây, atiso, nấm Hương, cá nước lạnh... đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế.
 
Đến nay, toàn huyện có 62 ha trồng dâu tây, trong đó có khoảng 10 ha trồng trong nhà kính, công nghệ cao, nhiều giống, chủng loại mẫu mã sản phẩm đẹp, năng suất, chất lượng, giá thành cao như giống dâu Nhật, Newzeland, Hàn Quốc,...; nấm Hương LangBiang, có nguồn gốc chủng nấm từ núi LangBiang, được Công ty Cổ phần Nguyên Long nhân giống, sản xuất liên kết với người dân huyện Lạc Dương được 25 hộ dân/47 nhà nấm, mỗi nhà nấm có diện tích 50 m2. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn nấm/năm, thu nhập 10 triệu đồng/nhà nấm; cây dược liệu atiso, tổng diện tích đạt 27 ha, trong đó có hơn 12 ha trồng giống nhập ngoại liên kết với Công ty Dược liệu Ladophar, hàng năm người dân thu nhập trung bình đạt 400 đến 600 triệu đồng/ha/năm, liên kết thu mua sản phẩm được ổn định; huyện có 922 ha nhà kính ứng dụng công nghệ cao (rau 453 ha; hoa 469 ha), trong đó có nhiều loại rau, hoa cao cấp xuất khẩu trong nhà kính như: hoa ly ly, rau thủy canh, ớt chuông, dưa leo baby, phúc bồn tử Organic... Doanh thu sản xuất trong nhà kính, nhà lưới đối với hoa đạt khoảng 800 triệu đồng/ha, rau đạt khoảng 500 triệu đồng/ha...
 
Ngoài thế mạnh cây trồng ôn đới thì thủy sản cá nước lạnh (cá tầm) cũng đặc trưng và là lợi thế của địa phương Lạc Dương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương có tổng cộng 13 cơ sở nuôi cá nước lạnh, với diện tích 16,1 ha. Sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm bình quân đạt 1.000 tấn/năm. So với các vật nuôi khác, cá nước lạnh đạt hiệu quả kinh tế rất lớn. Năng suất cao, tính bình quân năng suất cá tầm đạt 200 tấn/ha/năm. Lợi nhuận bình quân sau khi trừ hết chi phí (giống, thức ăn, nhân công) chiếm 40% tổng doanh thu.
 
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, trong thời gian qua, huyện tích cực tuyên truyền, vận động cũng như triển khai chính sách hỗ trợ, cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, chuyển đổi canh tác những cây trồng thế mạnh của địa phương như: Rau, hoa sản xuất công nghệ cao trong nhà kính; cà phê Arabica LangBiang; nấm Hương LangBiang; Cá nước lạnh (cá tầm) Lạc Dương; phúc bồn tử Organic; Cây dược liệu Atiso; dâu tây sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích người dân sản xuất từ truyền thống sang các tiêu chuẩn an toàn, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi tham gia các chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, tổ chức sản xuất theo hợp đồng, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”. Toàn huyện, hiện nay rau có 263 ha được chứng nhận VietGAP; 9,2 ha chứng nhận Global Gap; 5,6 ha chứng nhận Organic.
 
Lạc Dương hiện có nhiều sản phẩm cây trồng năng suất, chất lượng cao ra thị trường, nhiều mô hình liên kết hay hỗ trợ nhân dân giảm gánh nặng về đầu ra sản phẩm, thu nhập tăng như: Công ty Dược Lâm Đồng thu mua atiso; Công ty Nguyên Long thu mua nấm Hương; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, liên kết thu mua cà phê tại xã Lát; Công ty TNHH The Maried Beans, liên kết thu mua cà phê tại xã Đạ Sar; Công ty Acom, tiếp tục duy trì liên kết thu mua cà phê tại xã Đưng K’Nớ; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại K’Ho, liên kết thu mua cà phê tại thị trấn Lạc Dương; Hợp tác xã Chappi, liên kết thu mua cà phê tại xã Đạ Chais....
 
Qua đó, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đều tăng hàng năm; giá trị bình quân trên diện tích đạt 300 triệu đồng/ha/năm; nông nghiệp công nghệ cao phát triển nhanh; đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong Nhân dân được nhân rộng, phát triển giúp đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người huyện Lạc Dương đạt 45,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,3%, người dân từng bước cải thiện sinh hoạt, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
 
HOÀNG YÊN

Báo Lâm Đồng