Gian nan giải quyết các vụ tranh chấp lao động

03/03/2014 08:50 AM


Theo thống kê của Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh, năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 98 vụ tranh chấp lao động (TCLĐ) tập thể, với sự tham gia của hơn 34.000 lao động. TP Hồ Chí Minh hiện đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số vụ đình công (ĐC), (với 681 cuộc trong giai đoạn năm 2007-2012, chiếm gần 22% tổng số vụ của cả nước). Trước thực trạng trên, thành phố đã có nhiều giải pháp và định hướng chiến lược nhằm phòng ngừa, giải quyết TCLĐ và ĐC.


Các vụ hòa giải về tranh chấp lao động và đình công tại TP Hồ Chí Minh vẫn luôn gặp nhiều khó khăn

Theo ông Phạm Duy Bắc, đại diện Công đoàn các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 14 KCX-KCN, 1 khu công nghệ cao, trải dài trên 8 quận và 3 huyện. Tổng cộng có gần 271.000 công nhân lao động đang làm việc. Đây được xem là nguồn nhân lực chính nhằm đưa nền kinh tế thành phố ngày càng phát triển vững mạnh hơn. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là các vụ TCLĐ, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) ngoài KCX-KCN - chủ yếu là các DN quy mô vừa và nhỏ, đã tác động không nhỏ đến quá trình phát triển. "Mức lương, các loại phụ cấp và thu nhập của công nhân không đồng đều, từ đó tạo ra sự so sánh thu nhập, mức sống giữa công nhân công ty này với công ty khác. Mặt khác, vẫn còn nhiều DN chưa chấp hành tốt các quy định của luật pháp, gây ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, từ đó, thường xuyên xảy ra TCLĐ dẫn đến ngừng việc tập thể trong DN" - Ông Bắc nói rõ những nguyên nhân.

Ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH), ĐC xảy ra ở tất cả các loại hình DN nhưng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là DN liên doanh. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2007-2012, trên cả nước xảy ra gần 2.500 cuộc ĐC ở các DN FDI, chiếm 80% số cuộc ĐC lao động ở các khối DN trên cả nước. Trong đó, DN Hàn Quốc xảy ra 795 vụ (chiếm 32%), DN Đài Loan có 919 vụ (chiếm 37%). "Ngoài việc chưa quan tâm đến điều kiện làm việc và đời sống người lao động thì hơn 50% DN chưa có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ). Còn nếu có thì cán bộ công đoàn cũng chưa phát huy và đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ đề ra. Trong khi việc đối thoại, thương lượng giữa lãnh đạo DN và NLĐ chưa được quan tâm thực hiện. Bên cạnh đó, việc hiểu biết và nhận thức về pháp luật lao động của NLĐ rất hạn chế, dẫn tới ý thức chấp hành Luật Lao động chưa cao, tác phong công nghiệp trong lao động còn nhiều yếu kém" - Ông Thành cho biết.

Để giải quyết tình trạng ĐC và TCLĐ trong thời gian tới, theo ông Phạm Duy Bắc, trước hết NLĐ cần nhận thức đúng mức tầm quan trọng của công đoàn cơ sở tại DN; các chế độ, chính sách tại DN cần rõ ràng, công khai cho NLĐ. Đặc biệt, DN phải xem công đoàn cơ sở là đối tượng thương lượng đúng nghĩa nhằm giải quyết kịp thời những thắc mắc và yêu cầu của NLĐ. Cùng chung quan điểm, ông Đào Văn Thư, Ban Chính sách và pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, trước hết vai trò công đoàn vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng nhất trong việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ, từ đó giảm thiểu tình trạng TCLĐ. Muốn vậy thì công đoàn các cấp từ Tổng Liên đoàn đến công đoàn cơ sở phải liên kết chặt chẽ và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, như vậy mới tạo ra sự bình đẳng giữa DN với NLĐ.

Trước tình trạng TCLĐ và ĐC diễn ra khá phức tạp, mới đây, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu Hà đã yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ chọn Quận ủy quận Gò Vấp; Huyện ủy huyện Hóc Môn và Bình Chánh để làm việc về công tác giải quyết tình trạng trên trong thời gian tới. Từ đó sẽ nhân rộng mô hình ra nhiều khu vực trên địa bàn, nhất là những nơi tập trung nhiều DN, nhằm từng bước đưa lại quyền lợi cho NLĐ và sớm chấm dứt tình trạng này.

Tuy nhiên, theo đại diện của Sở LĐ,TB&XH thành phố, hiện nay các biện pháp giải quyết TCLĐ và ĐC tập thể mới chỉ dừng ở việc xử lý hậu quả, các biện pháp chủ động phòng ngừa chưa được thực hiện. Điều này gây khó khăn không nhỏ đến việc giải quyết tình trạng trên, nhất là ở những DN có chủ bỏ trốn hoặc phá sản, giải thể do không tiếp cận được chủ DN để xem xét lượng lao động bị nợ lương và xác định tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội để có biện pháp hỗ trợ.

Đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng TCLĐ dẫn đến ĐC không đúng trình tự pháp luật lao động có xu hướng gia tăng với quy mô lớn và kéo dài. Đáng chú ý, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà lan ra các tỉnh lân cận như: Bình Dương có 844 cuộc ĐC (chiếm 27% của cả nước), Đồng Nai với 647 cuộc (chiếm 20,6%). Từ đó, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và môi trường đầu tư, gây thiệt hại cho người lao động, cho DN và cả nền kinh tế. Nguyên nhân chính của các cuộc ĐC chủ yếu chuyển từ TCLĐ về quyền lợi sang lợi ích, đơn cử như: Tiền lương, tiền thưởng, giờ làm thêm, chất lượng bữa ăn giữa ca, điều kiện làm việc…".

Theo Báo Hà nội mới