Chỉnh lại tư duy giảm nghèo

31/03/2014 09:04 AM


Điều nhìn thấy rõ nhất hiện nay là những bất cập, sự chồng chéo trong việc triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo. Song song với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, còn có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; Đề án kiên cố hóa trường lớp học; Chính sách tín dụng với học sinh- sinh viên; Chương trình 135 giai đoạn 3…


Chừng nào vẫn còn nhiều trường lớp tạm, thì công cuộc giảm nghèo bền vững vẫn chưa đạt mục tiêu

Việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện những chương trình nói trên trong quá trình thực hiện cũng đã được đặt ra, nhưng điều đó mới dừng lại ở chủ trương, còn thực tế triển khai thì vốn của chương trình nào, chương trình nấy "rải mành mành”. Xin đơn cử như việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở các địa phương vùng núi. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc áp tiêu chí mỗi xã phải có một chợ dân sinh là không phù hợp với nhu cầu và đời sống của đồng bào. Chính vì vậy mà có vô số những cái chợ vùng cao xây xong rồi "đắp chiếu” để đó. Trong khi con em đồng bào vô cùng thiếu thốn trường lớp học. Nhìn những phòng học trống hoác ở vùng cao Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu hay khu vực Tây Nguyên…thì sẽ thấy rõ hơn sự bất cập, sự vừa thừa- vừa thiếu trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Một ví dụ nữa tại huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), là địa phương có xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, của huyện. Hiện ở những xã điểm ở Nam Đông đã hoàn thành 17/19 tiêu chí theo qui định ban đầu. Cùng với việc kiến nghị bỏ tiêu chí về chợ dân sinh, các xã vùng cao này cũng đề nghị bỏ tiêu chí về hệ thống thủy lợi, tưới tiêu bởi nơi đây bà con trồng rừng, trồng cây cao su là chủ yếu. Theo đó, tiền để đầu tư cho những tiêu chí không cần thiết, sẽ dùng để đầu tư cho những công trình dân sinh khác như trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

Và bất luận thế nào đi nữa, thì việc đặt ra vấn đề giám sát nguồn lực giảm nghèo ( bao gồm cả ngân sách, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giảm nghèo) cũng luôn là một đòi hỏi quan trọng. Dù đánh giá cao những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam thì các tổ chức NGO và cộng đồng quốc tế cũng từng cảnh báo Việt Nam về nguy cơ tái nghèo cũng như việc khó đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững. Họ cũng khuyến cáo Việt Nam cần minh bạch hóa trong việc kiểm soát ngân sách giảm nghèo. Việc không có ngân sách riêng để nuôi riêng bộ máy-  không đồng nghĩa với việc bộ máy ấy không có trách nhiệm trong việc làm thất thoát tiền giảm nghèo.  Đặc biệt, một câu hỏi được đặt ra với không riêng gì bộ máy làm công tác giảm nghèo, đó là tại sao tiền chi cho giảm nghèo không hề nhỏ mà bao năm qua việc giảm nghèo lại trầy trật- khó khăn đến thế? Giảm nghèo đã khó, làm sao thoát nghèo bền vững đây?

Chưa kể nguồn hỗ trợ của các tổ chức NGO cho công cuộc giảm nghèo tại Việt Nam cho đến trước năm 2012, thì chỉ riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012- 2015- tổng kinh phí dự kiến cho chương trình đã lên tới hơn 27 ngàn tỉ đồng. Một số tiền khổng lồ như vậy thì đặt ra yêu cầu giám sát chặt chẽ là đương nhiên. Và chính người dân – đối tượng được thụ hưởng những chính sách giảm nghèo phải đóng vai trò chính trong quá trình giám sát nguồn lực "đổ” vào giảm nghèo!

Sau một một lộ trình dài thực hiện công cuộc giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH - cơ quan trực tiếp điều hành các chính sách giảm nghèo- cũng đã thẳng thắn nhìn nhận về những tồn tại cần khắc phục càng sớm càng tốt. Theo ông Nguyễn Trọng Đàm- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH: "Các đánh giá cho thấy các chính sách về giảm nghèo hiện có những điểm mạnh nhưng vẫn còn nhiều điểm bất cập như các chính sách về giảm nghèo quá nhiều, phân tán, khó lồng ghép; đầu mối quản lý điều hành nằm ở rất nhiều bộ, ngành. Bên cạnh đó các chính sách của ta chưa khuyến khích được người nghèo vươn lên mà còn tạo ra một bộ phận người nghèo thụ động... Mục tiêu giảm nghèo cho giai đoạn 2016-2020 là các bộ, ngành cần thống nhất về quan điểm thiết kế chính sách phù hợp để giảm nghèo bền vững, tăng cường rà soát, sắp xếp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong thiết kế chính sách. Bên cạnh đó, cần tập trung hỗ trợ cho các vùng khó khăn về điều kiện sản xuất, trình độ, hạ tầng cơ sở như vùng đồng bào dân tộc, miền núi trên cơ sở địa thế, đặc điểm của từng vùng, tránh "cào bằng”. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống giám sát rõ ràng nhằm khuyến khích được cộng đồng người nghèo vươn lên thoát nghèo…”

Mới đây nhất, ngày 26-3 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững chủ trì cuộc họp, bàn hướng sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới. Tại đây, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa đổi chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung vào các lĩnh vực, thay vì thực hiện ưu đãi giảm nghèo theo đối tượng như hiện nay. Cụ thể, về chính sách tín dụng (sửa đổi Nghị định 78/2002/NĐ-CP), Bộ đề nghị tích hợp các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo hiện hành thành chính sách cho vay tín dụng ưu đãi lấy đối tượng hộ gia đình làm trung tâm; sửa đổi các mức vay, lãi suất, thời gian cho vay cho thống nhất và phù hợp giữa các đối tượng; đồng thời cho vay theo gói, với hạn mức tín dụng, hộ gia đình sẽ tự lựa chọn các nhu cầu ưu tiên để vay vốn. Về chính sách hỗ trợ giáo dục- đào tạo với học sinh nghèo thì các bộ liên quan sẽ tích hợp các chính sách giảm nghèo hiện hành thành văn bản chính sách mang tính hệ thống, trước mắt tích hợp chính sách cấp học bổng và cấp gạo cho học sinh bán trú, dân tộc thiểu số theo hướng nhất quán về đối tượng được hưởng và gộp các chính sách lại. Trong chính sách hỗ trợ hộ nghèo trong sản xuất thì phải đưa ra các mức hỗ trợ ưu tiên cho dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

Từ đề xuất của Bộ LĐTB&XH đã nhìn thấy rõ hơn sự thay đổi  trong cách thức tiếp cận nghèo đa chiều, cũng như quyết tâm giảm nghèo bền vững. Và phải khẳng định việc đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách cho giảm nghèo trong thời gian tới, cũng chính là một sự thay đổi, chỉnh sửa  lớn về mặt tư duy trong việc giảm nghèo.

Vẫn biết từ chủ trương đến thực tế triển khai còn cả một chặng đường dài. Nhưng nếu cả cộng đồng cùng thống nhất với sự đổi mới trong tư duy ấy, công cuộc  giảm nghèo ắt sẽ sớm thành công.

Theo Báo Đại đoàn kết