Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình người có công sửa nhà

05/07/2013 08:00 AM


Bộ Xây dựng đề xuất, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà ở đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có.

Đề xuất trên được Bộ Xây dựng đưa ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo Dự thảo, việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.

Nhà xây mới phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng

Việc hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở phải bảo đảm các yêu cầu như: Nếu nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung-tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng như trên.

Đối tượng được hỗ trợ

Theo Dự thảo, đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định 22/2013/QĐ-TTg phải đáp ứng các điều kiện sau: Là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm Quyết định 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/6/2013). Người có công phải đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15/6/2013 tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong 2 điều kiện sau: 1- Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới; 2- Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung-tường và thay mới mái nhà. Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Các hộ gia đình sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ nhà ở theo quy định thì tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này. Đồng thời, UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát và giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở; vận động các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giúp đỡ các hộ gia đình xây dựng nhà ở, tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình về nhân công, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ... để giảm giá thành xây dựng. Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, trong năm 2013, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng theo đúng quy định đối với khoảng 71.000 hộ. Trong năm 2014, các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo quy định đối với các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng các địa phương mới rà soát, thống kê, báo cáo năm 2013.

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu chiến binh

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp Hội Cựu chiến binh cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các cấp, các ngành chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu chiến binh, cựu quân nhân. Đồng thời, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh từ Trung ương đến cơ sở; tạo điều kiện tương trợ giúp đỡ các Cựu chiến binh, Cựu quân nhân trong đời sống và phát triển kinh tế. Thủ tướng cũng đồng ý tăng vốn quốc gia về việc làm cho con em cựu chiến binh, cựu quân nhân từ 1,5 tỷ đồng/năm lên 3 tỷ đồng/năm. Trong thời gian qua, tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam ngày càng được mở rộng. Phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo thu được nhiều kết quả: Năm 2012, toàn Hội đã giảm được gần 30.000 hộ cựu chiến binh nghèo, xóa được gần 9.200 nhà dột nát; có 9 tỉnh, thành Hội, 66 huyện, quận, 2.294 xã, phường cơ bản không còn hộ cựu chiến binh nghèo. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tội phạm và tệ nạn xã hội; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; tham gia có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân với cựu chiến binh các nước.

Tuy nhiên, hoạt động của Hội vẫn còn một số hạn chế như chưa thu hút được hết cựu chiến binh vào Hội, hoạt động của Hội giữa các vùng chưa đồng đều. Ở một số địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của cựu chiến binh còn nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn trong thời gian tới Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội và hội viên phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” trong điều kiện mới; đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ các cấp Hội, hội viên; động viên các cựu chiến binh, cựu quân nhân tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Đề nghị các cấp Hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các cựu chiến binh, cựu quân nhân, từ đó tạo sự lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tốt việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn chinhphu.vn