Việt Nam đã cơ bản thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ

05/07/2013 07:57 AM


Trong phiên họp cấp Bộ trưởng thường niên của Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) diễn ra tại Geneva trong các ngày 1 - 4/7, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tốt và hoàn thành trước thời hạn một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).


Việt Nam ghi nhận được những thành tích đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em

ECOSOC là diễn đàn trung tâm của Liên hợp quốc, chuyên thảo luận về các vấn đề kinh tế và xã hội quốc tế. Với chủ đề "Vai trò của khoa học, công nghệ, sáng tạo, tiềm năng của văn hoá phục vụ phát triển bền vững và đạt được MDG", đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương dẫn đầu đã có bài tham luận tại phiên họp cấp cao chiều ngày 1/7. Việt Nam được chọn là một trong ba quốc gia tự nguyện chia sẻ những kinh nghiệm và các kết quả đạt được trong quá trình phát triển đất nước. Đại biểu các nước như Lào, Hàn Quốc, Mozambique ... đều có những nhận xét và đánh giá cao những thành tựu đạt được của Việt Nam.

Tính đến hết năm 2012, Việt Nam đã hoàn thành một phần lớn MDGs đã cam kết trước cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đạt mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo (MDG 1) vào năm 2002 và tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo, tỷ lệ nghèo năm 2010 chỉ còn 10,7%. Việt Nam cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (MDG 2) theo chuẩn của Việt Nam vào năm 2000, đến nay, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học đạt 97,7%. Những tiến bộ nhanh chóng cũng đã được ghi nhận trong việc tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ (MDG 3). Chăm sóc sức khỏe trẻ em và tăng cường sức khỏe bà mẹ (MDG 4 và MDG 5) cũng ghi nhận những thành tích đáng kể.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển (MDG 8), giúp huy động được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức và tận dụng các cơ hội của tự do hóa thương mại cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, có nhiều lý do để lo ngại rằng, biến đổi khí hậu sẽ tăng tính dễ bị tổn thương của một bộ phận dân số Việt Nam, và là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tái nghèo. Đây chính là một trong những thách thức lớn của Việt Nam trong những năm tới để có thể thực hiện mục tiêu đảm bảo bền vững về môi trường (MDG 7).

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, năm 2013 là năm bản lề khi Liên hợp quốc bắt đầu các bước chuẩn bị cho Chương trình Nghị sự phát triển sau năm 2015. Cho đến nay, Việt Nam đã có 3 mục tiêu được hoàn thành trước hạn, 3 mục tiêu đang trên đà và có khả năng hoàn thành vào năm 2015, đồng thời tiếp tục nỗ lực để thực hiện 2 mục tiêu còn nhiều thách thức là bảo đảm bền vững về môi trường và đẩy lùi sự lây lan của HIV. Khoa học, công nghệ và sáng tạo cũng là một trong các lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Luật Khoa học công nghệ đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào năm 2000 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2001. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. Các Luật đã tạo ra được khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và sáng tạo.

Ngoài việc trình bày báo cáo tại Phiên họp chính thức, đoàn Việt Nam đã chủ động có nhiều cuộc gặp song phương nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ của Việt Nam khi thực hiện các MDGs với bạn bè quốc tế. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng quốc tế những kinh nghiệm của mình trong thực hiện các mục tiêu phát triển thông qua mô hình hợp tác Nam - Nam; đồng thời Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để nâng cao chất lượng thực hiện các MDGs, cùng sánh vai hướng tới năm 2015.

Việt Nam đang tích cực phối hợp với Liên hợp quốc tiến hành công tác chuẩn bị xây dựng một chương trình nghị sự phát triển của các quốc gia trên thế giới sau năm 2015. Liên hợp quốc đã lựa chọn một số quốc gia, trong đó có Việt Nam để thực hiện các tham vấn quốc gia, tìm hiểu những thách thức và nguyện vọng của các nhóm tham vấn. Báo cáo kết quả tham vấn quốc gia ở Việt Nam đã hoàn thành và được xem là đóng góp quan trọng vào quá trình quyết định Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 của Liên hợp quốc.

Theo ĐCSVN