Thạc sĩ, cử nhân... đi học trung cấp

28/05/2013 08:20 AM


Hiện nay do tình trạng thất nghiệp tăng, không ít người đã có bằng cử nhân, thạc sĩ quay lại học trung cấp nhằm tăng cơ hội kiếm được việc làm.


Quy trình ngược

Nguyễn Khánh Trung từng tốt nghiệp chuyên ngành văn học Trung Quốc (chương trình liên kết giữa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với Trường ĐH An Huy, Trung Quốc), sau đó tiếp tục lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành này tại Trường ĐH Vũ Hán. Sau một thời gian làm giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trung tiếp tục làm việc ở nhiều nghề khác để lấy kinh nghiệm. Và bây giờ, Trung đang là học sinh năm nhất của một trường trung cấp nghề. Trung cho biết lý do học trường nghề như sau: "Khi đã có bằng thạc sĩ, đi dạy, đi làm nhiều nơi, em nhận ra mình còn thiếu một cái gì đó để có thể thực hiện được sở thích cá nhân, đồng thời để ổn định lâu dài cho tương lai". Trung giải thích thêm: "Trước đây em rất thích du lịch và ẩm thực nhưng do gia đình đa số làm giáo viên nên em đã thi sư phạm, rồi theo đà cứ học tiếp lên cao. Bây giờ em quyết định học ngành quản trị bếp và ẩm thực, với mục đích học xong có kiến thức để mở một nhà hàng ẩm thực gồm món ăn Việt lẫn Hoa".

T.T.H.T là người đã sở hữu 2 bằng ĐH (cử nhân kinh tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cử nhân Anh văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn) đồng thời đã có bằng thạc sĩ kinh tế, nay lại đang học trung cấp ngành y sĩ: "Hiện mình đang đi làm, nhưng vẫn muốn tiếp tục học vì yêu thích ngành này, mong muốn học xong có thể hỗ trợ thêm cho công việc của gia đình". Đỗ Xuân Trường có trong tay hai bằng cử nhân công nghệ cơ khí Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và tài chính ngân hàng Trường ĐH Lạc Hồng, cũng đang theo học trung cấp công nghệ thông tin. Nhiều cử nhân khác như Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Lê Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đình Phi, Hồ Ngọc Nghĩa... đang học trung cấp y sĩ và dược sĩ.

Học làm thợ để thêm cơ hội

H.T chia sẻ: "Dù bằng thạc sĩ, cử nhân của mình đều thuộc loại khá trở lên nhưng vì các bậc học này đào tạo theo hướng hàn lâm nên nhiều môn học xong không áp dụng được vào thực tế". T. quan niệm học để làm việc chứ không phải để lấy bằng cấp cho nên muốn học càng nhiều càng tốt. "Nếu bạn có một kiến thức lý thuyết tốt ở ĐH, cao học cộng với khả năng thực hành tốt ở trung cấp thì bạn có rất nhiều cơ hội làm việc và rất dễ thành công", T. khẳng định. T. cũng cho rằng xã hội đang cần một lực lượng lao động có tay nghề, làm được việc, tư duy thiết thực. Đó là lý do vì sao không ít cử nhân, thạc sĩ như H.T vẫn học trung cấp với mục đích tăng cơ hội việc làm cho mình.

Khánh Trung thì nhận thấy nhiều cử nhân hiện nay ra trường thất nghiệp vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng - phải làm việc được ngay - nên phải đi học thêm kỹ năng nghề nghiệp. "Một số bạn của em tốt nghiệp ĐH, cao học cũng đăng ký học trung cấp để có thêm kiến thức và kỹ năng hỗ trợ cho công việc kinh doanh mà họ đang làm", Trung cho biết. Còn Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhìn nhận: "Thực ra mỗi bậc học có một mục tiêu đào tạo khác nhau. Thạc sĩ, cử nhân theo hướng hàn lâm để người học có tư duy nghiên cứu, sáng tạo; còn trung cấp thì thiên về kỹ năng thực hành. Việc tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ở Úc và một số nước khác khó kiếm việc hơn người học nghề là chuyện thường. Ở ta, người sử dụng lao động cũng đang dần tiến đến việc sử dụng lao động đúng mục đích chứ không câu nệ bằng cấp nữa. Do đó, nhiều cử nhân ra trường không kiếm được việc làm, đã đi học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề để tăng cơ hội".

Chương trình học chưa đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng?

Theo khảo sát từ năm 2009 đến 2012, tại TP.HCM mỗi năm có khoảng 2.000 sinh viên không thể kiếm được việc hoặc phải chuyển sang làm những công việc trái ngành, thấp hơn trình độ đào tạo. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ có khoảng 40-50% học sinh tốt nghiệp khối ngành sức khỏe có việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Năm 2012, hơn 1.400 cử nhân sư phạm tại TP.HCM không tìm được chỗ dạy tại các trường công sau đợt tuyển dụng giáo viên.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt thông tin, có nhiều sinh viên đang học ĐH ngành quản trị kinh doanh nhưng lại theo học lớp ngắn hạn về thư ký hành chính. Cũng có người tốt nghiệp quản trị kinh doanh vẫn đi học thêm trung cấp kế toán vì nhiều nhà tuyển dụng cho rằng bằng ĐH chưa thể hiện cụ thể nghề nghiệp, họ yêu cầu có thêm một chứng chỉ hay bằng cấp nghề để xác định được kỹ năng của ứng viên. Thực trạng trên cũng phản ánh chương trình đào tạo bậc ĐH hiện nay chưa sát với nhu cầu thực tế. Sinh viên bắt buộc phải học tuần tự các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành rồi mới đến chuyên ngành. Trong khi có nhiều chuyên môn có thể đi tắt để giúp sinh viên chuyên sâu hơn, đáp ứng được mong muốn của nhà tuyển dụng, hạn chế được nguy cơ thất nghiệp. Thị trường lao động hiện cần những người có tay nghề cụ thể nên nhiều cử nhân thất nghiệp buộc phải nghĩ cách tìm cho mình một chuyên môn nào ngắn nhất để kiếm việc.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Chuyển đổi để phù hợp với thực tế

Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp rồi mới phát hiện mình không phù hợp với ngành đã học hoặc ngành đó không phù hợp với thực tế nên phải quay lại từ đầu. Mặc dù đáng tiếc vì lãng phí thời gian, tiền bạc, nhưng nếu làm lại từ đầu mà tốt hơn, thì cũng đáng khuyến khích. Xã hội có nhiều biến động, bắt buộc người học khi ra thị trường lao động phải có sự thích nghi hoặc chuyển đổi để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cá nhân cũng như yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng, Trường CĐ Bách Việt: Không định hướng nghề nghiệp tốt

Có thực trạng này là do ngay từ đầu, một số bạn không định hướng được ngành học, bậc học mình chọn có phù hợp với bản thân hay không. Thứ hai là yêu cầu của thực tế đòi hỏi bạn phải học thêm để tăng thêm cơ hội công việc cho mình. Thứ ba là bạn trẻ muốn cùng lúc làm được nhiều việc, hoặc công việc này hỗ trợ cho công việc kia.

Ông Đào Trọng Nhân, Giám đốc Công ty truyền thông và giải trí Sao Thủy: Học trung cấp mà tay nghề giỏi thì có khi dễ xin việc hơn

Sở dĩ thạc sĩ, cử nhân đi học lại trung cấp, theo tôi nguyên nhân là trước đây, một phần trong số đó theo đuổi những cái mà họ thích, họ mong muốn nhưng khi tốt nghiệp đi làm, thì họ phải làm cái mà xã hội cần, doanh nghiệp cần chứ không phải cái họ có. Do đó họ phải bổ sung những gì thiếu hụt hoặc một kiến thức mới hoàn toàn. Doanh nghiệp bỏ tiền ra trả lương cho người trước hết là phải làm được việc, chưa quan trọng bạn có bằng gì. Học trung cấp mà tay nghề giỏi thì thời điểm này có khi dễ xin việc hơn là cử nhân, thạc sĩ.

Kỹ sư Xây dựng làm xe ôm kiếm sống qua ngày

Thi đỗ Đại học Xây dựng với số điểm cao chót vót 28,5, đúng vào thời kỳ ngành xây dựng đang "hot", ít có ai ngờ rằng, sau khi ra trường Đặng Quang Trung (Thủy Nguyên - Hải Phòng), lại có những lúc phải chật vật để kiếm từng bữa ăn như hiện tại. Trúng tuyển đại học với số điểm cao, Trung khoác ba lô lên nhập học với những hoài bão về một tương lai tươi sáng. Thế nên, trong khi bạn bè quay cuồng với các hoạt động ăn chơi, bài bạc, điện tử, dẫn đến nợ môn, thi lại, học lại, thậm chí là báo nợ, trốn nợ, thì Trung chỉ chú tâm vào học hành để ra trường đúng thời hạn. Đến khi ra trường, Trung lại may mắn xin được vào làm việc ở một công ty xây dựng lớn và rất có tiềm năng ở ngay tại Hà Nội khiến cho không ít bạn bè ghen tị. 6 tháng làm kỹ sư không lương, Trung đã phải xoay sở mọi cách để có đủ tiền ăn mỗi ngày.6 tháng làm kỹ sư không lương, Trung đã phải xoay sở mọi cách để có đủ tiền ăn mỗi ngày. Thế nhưng, mới vào làm việc yên ổn được hơn 3 năm, thì công ty Trung bắt đầu bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn. Một vài công trình thi công bị dang dở vì không được rót vốn. Ngay cả công trình nơi Trung đang thi công, dù không phải công trình quá lớn, nhưng suốt một năm nay chỉ làm cầm chừng, thỉnh thoảng mới có vài trăm triệu rót về để mua vật liệu, và ưu tiên trả tiền lương công nhân, vì nếu trả không đúng hẹn, họ sẽ biểu tình đập phá hoặc bỏ việc về quê. Còn Trung và những kỹ sư khác thì phải chấp nhận cho công ty nợ lương.

"Thế nhưng, nếu chỉ nợ 1, 2 tháng thì anh em còn có thể xoay sở bạn bè để sống, đằng này ... 6 tháng đi làm không lương" - Trung thở dài - "Nhiều lúc quá nản, tính kiếm công ty khác để chuyển, nhưng rồi lại nghĩ, giữa thời buổi kinh tế khó khăn, ngành xây dựng gần như đóng băng thì tìm được một công ty tuyển người đâu phải là dễ, nên mình lại cố bám, vì ít ra, đây cũng là một công ty lớn. Tuy nhiên, suốt mấy tháng trời không có lấy một đồng lương, tiền ăn thì hết, tiền thuê nhà thì nợ chằng nợ chịt. Thậm chí có những hôm nắng nóng, ở nhà bí bách, muốn đi ra ngoài đường uống cốc trà đá với bạn bè, mà xe hết xăng, trong túi không còn đủ 10 nghìn, thế là lại phải ở nhà. Đến khi đói đến cùng cực, mình mới nghĩ ra cách kiếm tiền "lấy ngắn nuôi dài". Đó là mỗi buổi chiều, sau khi rời công trình về nhà, mình lại mang xe ra đầu ngõ, làm cái biển "xe ôm" để kiếm vài cuốc lấy tiền đổ xăng và tiền ăn mỗi tối (buổi trưa đã có công trình lo - nv). Đúng là làm nghề nào thì cũng có sự khó khăn của nghề đó. Mình mang xe ra làm xe ôm, mà mấy ông xe ôm cũ ở đó cứ liên tục hậm họe, dọa nạt... Sau cùng, mình phải nói dối là sinh viên nhà nghèo, không có tiền đóng học nên phải làm thêm, xin các anh, các chú châm chước, rồi ngoan ngoãn rời sang vị trí vắng người hơn để đậu xe thì mới được yên ổn. Nhưng mỗi buổi tối chạy xe ôm như thế, mình cũng chỉ kiếm được đôi ba chục vì không dám nhận chạy đường xa, một phần vì xe không đủ xăng, một phần vì sợ rủi ro. Tuy nhiên, bằng ấy tiền, cũng không đủ để sống qua ngày, nên các buổi tối sau đó, có ai thuê việc gì, mình đều nhận làm hết, có khi thì đi điểm danh hộ cho mấy ông bạn học tại chức để kiếm 5, 7 chục, khi lại nhận làm gia sư cho mấy em học sinh. Có lần đang ngồi chờ khách xe ôm thì có người ra thuê vào khuân vác hộ ít đồ nội thất, mình cũng nhận luôn. Nói chung, trong những lúc khó khăn như thế này thì mình không nề hà bất cứ việc gì để có thể sống được qua ngày".

Theo NLĐO, ANTĐ