Năm 2020, thu nhập bình quân mỗi người VN sẽ hơn 82 triệu/năm

27/05/2013 07:50 AM


Ngày 23/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020. Với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp cho GDP cả nước của vùng từ 24,7% năm 2010 lên 26,6% năm 2015 và 28,7% năm 2020. Đồng thời, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 2.500 USD vào năm 2015 và khoảng 4.180 USD vào năm 2020 (bằng 1,3 lần mức trung bình của cả nước).


Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của Vùng đạt 7 - 7,5%; công nghiệp, xây dựng từ 45 - 47%; dịch vụ từ 46 - 48%. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao trong các lĩnh vực vận tải, tư vấn, thiết kế, phát minh - sáng chế, tài chính - ngân hàng, viễn thông, giáo dục - đào tạo, y tế chữa bệnh chất lượng cao, thương mại, du lịch và khoa học công nghệ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ thời kỳ 2011-2020 vào khoảng 10%/năm. Phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại, mở rộng diện phủ sóng có băng thông lớn và chất lượng cao trên diện rộng. Sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Đầu tư xây dựng một số khu du lịch trọng điểm quốc gia có tầm vóc quốc tế.

Bên cạnh đó sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển theo chiều sâu công nghiệp, mở rộng quy mô. Phát triển công nghiệp dệt may, tập trung huy động thu hút vốn của nhà đầu tư. Tập trung sản xuất lúa đặc sản, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hoàn thành việc xây dựng hệ thống các trục đường cao tốc nhằm liên kết các trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ trong vùng với cả nước; các trục liên kết vùng, đường kết nối giữa các tỉnh, các tuyến đường ven biển gắn với đê biển, cảng biển. Xây dựng hệ thống cảng biển đồng bộ, hướng tới hiện đại, mang tầm khu vực với trung tâm là cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh. Ưu tiên nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống tuyến đường sắt hiện có; phát triển đường sắt trên cao tại Thủ đô Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đô thị Hà Nội đạt 35%, Hải Phòng và các đô thị tương đương khác đạt 15-20% số lượng hành khách công cộng.

Tại Hà Nội, phiên bế mạc kỳ họp thứ hai HÐND thành phố Hà Nội khóa 14, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn này, thành phố phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân GDP từ 12% đến 13%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 là, dịch vụ chiếm từ 54% đến 55%; công nghiệp xây dựng từ 41% đến 42%; nông nghiệp từ 3% đến 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 82 đến 86 triệu đồng/năm. Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người năm 2015 là 28m2. Hơn 40% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ 50% đến 55%. Hà Nội cũng vạch ra chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố đến 2012 và 2020. Trong đó, thông tin đáng chú ý nhất là đến 2020, Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học (50% trong đó là tiến sỹ), 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học (50% trong số đó có trình độ trên đại học). Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu Hà Nội làm không cẩn thận, sẽ chỉ tạo thêm nhiều tiến sỹ giấy.

GDP đầu người của Việt Nam là 1.061 USD/năm (2010)

Theo cảnh báo của một đề tài khoa học cấp nhà nước mang tên "Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020: từ nhận thức với hành động" do ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện. Báo cáo này, thực hiện theo yêu cầu của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trích dẫn số liệu về thu nhập của Việt Nam và các quốc gia khu vực do Quỹ Tiền tệ Quốc tế thực hiện năm 2010. Theo đó, tính theo tỷ giá hối đoái, GDP đầu người của Việt Nam đã tăng từ mức 114 USD năm 1991 lên 1.061 USD năm 2010.

Trong khi đó, GDP đầu người của Trung Quốc tăng từ 353 USD lên 3.915 USD trong khoảng thời gian trên. Như vậy, thu nhập đầu người của Việt Nam tương đương 32% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 27% năm 2010. Mặt khác, tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 706 USD năm 1991 và lên tới 2.948 USD năm 2010. Trong khoảng thời gian đó, con số này của Trung Quốc tăng từ 888 USD lên 6.786 USD. Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80% của Trung Quốc năm 1991 đã giảm xuống còn 43% năm 2010.

Thực trạng thất nghiệp ở mức 4,6% ở thành thị và 20% lao động ở nông thôn chưa được sử dụng; báo cáo nhận xét: "Như vậy, tỷ lệ trên tương đương với trên 10 triệu lao động thất nghiệp hoàn toàn ở Việt Nam". Thu nhập của người Việt Nam bị bỏ lại quá xa bởi các nước trong khu vực không phải là vấn đề mới. Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.

Lương sẽ tăng gần 30% trong năm 2014?

Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra đề xuất về lương. Theo đề xuất này, đến năm 2016, lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng đề xuất này, lộ trình tăng lương sẽ lùi một năm so với đề án đã trình tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước đây. Cụ thể, năm 2013, mức điều chỉnh dự kiến là 35-37%; 2014 tăng 25-27% và 2015 tăng 20-25%. Sau khi đạt nhu cầu sống tối thiểu vào 2015, hằng năm sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu theo trượt giá cộng với một phần tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đang đề nghị giãn lộ trình điều chỉnh lương theo 2 phương án. Phương án 1, lương sẽ đáp ứng nhu cầu tối thiểu năm 2017 với mức tăng bình quân khoảng 16,5-20%/ năm, tùy theo từng vùng. Phương án 2, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu năm 2016 với mức tăng bình quân chung khoảng 18-23% một năm.

Sau nhiều lần hội thảo lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến trình Chính phủ theo phương án 2 và nếu điều kiện thuận lợi sẽ điều chỉnh tăng nhanh hơn khi thực hiện. Theo nhiều chuyên gia, nếu điều chỉnh theo đúng lộ trình, với khu vực doanh nghiệp, nhiều đơn vị sẽ không chịu được, thậm chí có thể lâm vào tình trạng phá sản. Với khu vực nhà nước, điều quan trọng là phải cắt giảm biên chế vì bộ máy hiện nay đang quá cồng kềnh. “Không nên tách bạch khu vực nhà nước với khu vực doanh nghiệp. Bởi vì đã là đời sống tối thiểu, người lao động ở đâu cũng đều giống nhau”, một chuyên gia nói.

Theo ĐVO, KT&ĐT