Từng bước nâng sự hài lòng của bệnh nhân BHYT

03/06/2019 05:00 PM


Theo kết quả khảo sát năm 2018 tại 60 bệnh viện trên toàn quốc, được Bộ Y tế công bố mới đây, chỉ số hài lòng người bệnh năm vừa qua đã có sự cải thiện theo hướng tích cực.

(Ảnh minh họa)

 

Trong số 60 bệnh viện khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng rất tốt (chiếm 21,7%); 26 bệnh viện được người bệnh hài lòng và xếp hạng tốt, chiếm 43,3%; còn lại 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%.

Đứng đầu các bệnh viện được người dân đánh giá cao là Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (với 4.41/5 điểm). Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giữ vị trí “á quân”. Vị trí thứ ba thuộc về Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương.

Đứng đầu nhóm bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Lao phổi Ninh Bình, tiếp sau đó là Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Vị trí cuối bảng trong số các bệnh viện được khảo sát là Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, tiếp đó là Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, Ung bướu Hà Nội.

Kết quả khảo sát trên 7.500 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 60 bệnh viện trong năm qua cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 4,04/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng.

So sánh với kết quả khảo sát gần 3.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện công năm 2017 cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh năm 2018 đã có sự cải thiện theo hướng tích cực. Chỉ số hài lòng - PSI 2018 đạt 4,04/5 so với PSI 2017 chỉ đạt 3,98/5 (tương ứng với mức độ hài lòng đạt mức 80,8% ở năm 2018, so với mức 79,6% ở năm 2017). Số bệnh viện được mở rộng khảo sát nhiều hơn gấp đôi so với năm 2017 nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ.

Kết quả này giúp các bệnh viện thấy rõ cần nỗ lực cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh từ góc nhìn của người bệnh, là yêu cầu cấp thiết đối với bệnh viện từ cả khía cạnh đạo đức, chuyên môn và kinh tế y tế.

Khảo sát cũng phản ánh hiệu quả khám, chữa bệnh trong thanh toán BHYT và  là cơ sở sử dụng, nghiên cứu, từng bước chuyển đổi cơ chế tài chính theo tiêu chí lấy người bệnh làm trung tâm./.

Lan Anh