Bước phát triển vượt bậc & Những kết quả ấn tượng

21/12/2017 01:10 AM


Ảnh minh họa

 

Phát triển BHYT - Bước đột phá quan trọng
Cuối năm 2012, tỷ lệ bao phủ BHYT mới chỉ đạt 66,8% dân số. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, với những điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật cùng những chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực trong tổ chức thực hiện, tỷ lệ bao phủ BHYT có bước phát triển đáng kể. Đến năm 2015, tỷ lệ bao phủ BHYT là 76,52% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao 1,12%. Năm 2016, số tham gia BHYT tiếp tục duy trì đà tăng, cả nước có 75,93 triệu người tham gia BHYT, tăng 6,25 triệu người so với năm 2015, đưa tỷ lệ bao phủ BHYT lên 81,9% dân số, vượt chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 2,9%. Trong đó có 49/63 tỉnh, thành phố hoàn thành, hoàn thành vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Tính đến hết tháng 11/2017, số tham gia BHYT là 80,71 triệu người, tăng 5,25 triệu người (7,1%) so với cùng kỳ năm 2016 và đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 86,4% dân số cả nước. 
Các Quyết định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định 538/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Quyết định 1584/QĐ-TTg giao chỉ tiêu BHYT cho các tỉnh, thành phố và nhất là Quyết định 1167/QĐ-TTg điều chỉnh chỉ tiêu phát triển BHYT giai đoạn 2016-2020, tạo sự chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ tại các địa phương. Bên cạnh đó, tác động mạnh nhất là từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện các quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT từ năm 2015, quyền lợi và nhận thức của người dân về giá trị thiết thực của BHYT dần được nâng lên, tạo thuận lợi cho công tác phát triển, mở rộng diện bao phủ, đạt mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. 
Dù vậy, cũng không phải không có những khó khăn nhất định. Người leo núi càng lên cao càng gặp thách thức lớn – đây là hình ảnh được nhiều chuyên gia đưa ra so sánh khi nói về phát triển bao phủ BHYT ở thời điểm ngày càng gần mục tiêu BHYT toàn dân. Mở rộng bao phủ BHYT với nhóm còn lại thực sự không dễ dàng. Với nhiều tỉnh thành phố miền núi, dù đang đạt tỷ lệ bao phủ BHYT ở mức khá cao, tuy nhiên, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm con số lớn. Khi điều chỉnh chính sách, pháp luật, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn có khả năng bị giảm xuống; vận động nhóm này tham gia khi đã có tâm lý quen với hỗ trợ từ ngân sách là bài toán không dễ. Thực tế này cũng đã từng xảy ra khi triển khai thực hiện Quyết định 1049/QĐ/TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, có một số địa bàn tại các tỉnh miền núi không còn nằm trong danh sách và người dân không còn thuộc diện được hỗ trợ tham gia BHYT; tỷ lệ bao phủ BHYT tại các tỉnh, thành phố miền núi vì vậy bị ảnh hưởng. Do đó, cần sớm có giải pháp để giữ tỷ lệ bao phủ BHYT bền vững hơn. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ thấp, dưới mức bình quân chung cả nước. Theo cơ cấu nhóm tham gia, tỷ lệ bao phủ cũng ở mức hạn chế với nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng, nhóm tham gia theo hộ gia đình...
Còn khó khăn, thách thức nhưng với kết quả phát triển giai đoạn vừa qua, diện bao phủ BHYT hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Hiện nay, công tác quản lý đối tượng tham gia cũng đã có sự chuẩn bị tương đối, việc kê khai, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, đồng bộ, dữ liệu và cấp mã số cho từng người tham gia đang dần hoàn chỉnh. Đây là sự khác biệt so với giai đoạn trước, tạo tiền đề cơ bản để hiện đại hóa công tác khai thác phát triển, vận động người dân tham gia đạt hiệu quả cao hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo. 

Phát triển BHXH - vượt khó, tăng tốc
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, số người tham gia BHXH hàng năm đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, năm 2012 số người tham gia BHXH là 10,565 triệu người, ước đạt 20,7% so với lực lượng lao động; năm 2013 số người tham gia BHXH là 11,057 triệu người đạt 21,4% so với lực lượng lao động, tăng 0,7% so với năm 2012; năm 2014 số người tham gia BHXH là 11,648 triệu người đạt 22,4% so với lực lượng lao động, tăng 01% so với năm 2013; năm 2015 số người tham gia BHXH là 12,291 triệu người đạt 23,4% so với lực lượng lao động, tăng 01% so với năm 2014; năm 2016 số người tham gia BHXH là 13,066 triệu người đạt 24,6% so với tỷ lệ lao động, tăng 1,3% so với năm 2015. 
Tương tự, số tham gia BHTN hàng năm cũng có sự tăng trưởng. Năm 2012 số người tham gia BHTN là 8,270 triệu người đạt 16,2% so với lực lượng lao động; năm 2013 số người tham gia BHTN tăng 8,691 triệu người đạt 16,9% so với lực lượng lao động, tăng 0,7% so với năm 2012; năm 2014 số người tham gia BHTN là 9,220 triệu người đạt 17,7% so với lực lượng lao động, tăng 0,8% so với năm 2013; năm 2015 số người tham gia BHTN là 10,310 triệu người đạt 19,6% so với lực lượng lao động, tăng 1,9% so với năm 2014; năm 2016 số người tham gia BHTN là 11,062 triệu người đạt 20,8% so với tỷ lệ lao động, tăng 1,2% so với năm 2015.
Dù có sự tăng trưởng qua các năm, tuy nhiên, mức tăng nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn. So với mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW, tức phải đạt 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN, còn khoảng cách khá xa. Chỉ còn 02 năm nữa là đến năm 2020 và phải đạt mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW, do đó công tác phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH cần phải tăng tốc hơn trong các năm tiếp theo. 
Tuy nhiên, từ thực tế phát triển BHXH các năm gần đây, có thể thấy còn nhiều khó khăn thách thức phía trước. 
Câu chuyện cạnh tranh giữa các thương hiệu taxi công nghệ (Uber, Grab) và các hãng taxi cũ đặt ra những vấn đề cần quan tâm phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH trong thời gian tới. Trước sức ép cạnh tranh từ Uber, Grab, taxi Mai Linh cắt giảm 6.000 lao động, con số với taxi Vinasun là 8.000 người. Không bàn sâu đến tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, từ góc nhìn tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, có thể đặt ra câu hỏi: số nhân sự bị cắt giảm của Mai Linh hay Vinasun có tiếp tục tìm được việc làm và tham gia BHXH bắt buộc hay nhận BHXH một lần? Với nhóm này, phương án dễ và có vẻ được nhiều người lựa chọn là chuyển sang chạy taxi Uber, Grab; như vậy họ sẽ trở thành một dạng lao động phi chính thức (không ký hợp đồng lao động), thuộc nhóm tham gia BHXH tự nguyện. Nhìn rộng hơn, hiện tại, con số lao động phi chính thức của Việt Nam hiện là khoảng 18 triệu; nếu tính cả 22 triệu lao động nông nghiệp, tỷ lệ lao động phi chính thức hiện chiếm khoảng 70% lực lượng lao động cả nước. Con số này nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng khi nhìn từ thực tế phát triển kinh doanh ứng dụng công nghệ mà điển hình là mô hình của taxi Uber, Grab hay sự ra đời, nở rộ kiểu bán hàng trực tuyến – hạn chế tối đa chi phí nhân sự; gần đây nhất, ngày 20/11, hãng taxi truyền thống Mai Linh cho ra mắt dịch vụ xe ôm công nghệ mà thực chất là cách làm tương tự Uber, Grab. Như vậy, đối tượng từ tham gia BHXH bắt buộc chuyển sang nhóm thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể sẽ gia tăng tương ứng. 
Trong giai đoạn vừa qua, số tham gia BHXH tự nguyện mỗi năm tăng trung bình khoảng 35 nghìn người, năm 2015 số người tham gia tự nguyện cao nhất là 217.669 người. Năm 2016, số người tham gia giảm xuống còn 202.941 người do thay đổi về chính sách dẫn đến cán bộ không chuyên trách cấp xã chuyển từ tham gia BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc.
Dù vậy, bên cạnh những khó khăn, công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHXH không phải là không có những thuận lợi nhất định. Một số nội dung của Luật BHXH 2014 hiệu lực thực hiện từ 2018, có thể đem đến những tác động tích cực, tăng tỷ lệ người lao động tham gia BHXH. Cụ thể, đó là quy định mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm lao động có hợp đồng từ 01-03 tháng, lao động người nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam; quy định hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%; 10% với các đối tượng khác)... Bài học kinh nghiệm giai đoạn qua, nhất là từ phát triển bao phủ BHYT, cơ quan BHXH phải tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy chính quyền; tham mưu, đưa chỉ tiêu phát triển BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, từ đó tạo sự lan tỏa, vào cuộc thực hiện từ các cấp ủy chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Công tác truyền thông về BHXH, nhất là với nhóm tham gia BHXH tự nguyện cần sự tác động, vận động bền bỉ, tích cực hơn từ hệ thống đại lý thu. Bên cạnh đó, cũng tương tự như với quản lý tham gia BHYT, công tác quản lý người tham gia BHXH đang được cơ quan BHXH từng bước hiện đại hóa. Từ việc cấp mã số BHXH, rà soát, chuẩn hóa thông tin quá trình đóng để bàn giao sổ BHXH cho người lao động, đến việc xây dựng hệ thống quản lý, hệ thống dữ liệu tập trung toàn Ngành… tạo thuận lợi tích cực cho công tác tổ chức thực hiện nói chung và vận động phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH nói riêng./.

Tạp chí BHXH