Phát triển đối tượng tham gia BHYT: Bước ngoặt quan trọng

26/09/2017 08:00 AM


Trong những năm gần đây, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT luôn được BHXH Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Nhiệm vụ trên ngày càng được coi trọng, bởi lẽ, kết quả của công tác phát triển đối tượng có ý nghĩa rất lớn, mang tính bước ngoặt khi công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về phát triển đối tượng tham gia BHYT nay đã đi được một nửa chặng đường.

 

Ảnh minh họa.

Tích cực triển khai Nghị quyết 68/2013/QH13

Ngày 29/11/2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, trong đó xác định rõ mục tiêu: "Bảo đảm đến năm 2015 có ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT". Để triển khai Nghị quyết số 68/2013/QH13 về phát triển đối tượng tham gia BHYT, ngày 14/9/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2015-2020 cho từng địa phương, với mục tiêu năm 2015 phải đạt 75,4% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt 84,3% dân số tham gia BHYT, tiếp đó, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020. Theo đó, năm 2016 là 79% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 là 90,7% dân số tham gia BHYT.

Là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và giải pháp phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng; mở rộng đại lý thu BHYT để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYT, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về đóng BHYT…

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2015, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 76,52% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao về bao phủ BHYT là 1,12%. Năm 2016, cả nước có 75,93 triệu người tham gia BHYT, tăng 6,25 triệu người so với năm 2015, đưa tỷ lệ bao phủ BHYT lên 81,9% dân số, vượt chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 2,9%. Tính đến ngày 30/6/2017, cả nước có 77,81 triệu người tham gia BHYT, đạt 83,4% dân số tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu đến hết năm 2017, cả nước sẽ có 78,195 triệu người tham gia BHYT. Khu vực có tỷ lệ BHYT cao trên 90% tập trung chủ yếu tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc như: Lào Cai (99,6%), Sóc Trăng (99,6%), Điện Biên (99,2%), Thái Nguyên (98,9%), Cao Bằng (98%), Hà Giang (96,9%), Bắc Kạn (96,7%)...Các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%) bao gồm: Nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm được tổ chức BHXH và ngân sách nhà nước đóng BHYT; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như: Hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng và hộ cận nghèo được ngân sách địa phương hỗ trợ phần trách nhiệm phải đóng của người tham gia BHYT.

Biểu đồ: Tỷ lệ bao phủ BHYT theo nhóm đối tượng (Đơn vị tính: Nghìn người.)

Triển khai hiệu quả công tác phát triển đối tượng

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHYT vẫn cao và diễn biến phức tạp. Năm 2015, tổng số nợ BHYT là 2.548 tỷ đồng, đến năm 2016, tổng số nợ BHYT tăng 2.957 tỷ đồng, trong đó, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nợ 619 tỷ đồng (chiếm 20,9%) và ngân sách nhà nước nợ chưa chuyển 2.336 tỷ đồng (chiếm 79%) trên tổng số nợ BHYT. Tình trạng trốn đóng BHYT diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ; công tác xác định tổng số đối tượng do các Bộ, ngành quản lý còn gặp nhiều khó khăn; một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT nhưng tỷ lệ tham gia BHYT chưa đầy đủ như: HSSV, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; chưa có quy định phối hợp với cơ quan BHXH đối với đối tượng là thân nhân quân nhân do Bộ Quốc phòng quản lý để tránh tình trạng cấp trùng thẻ BHYT…

Để triển khai hiệu quả công tác phát triển đối tượng, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam đề xuất một số giải pháp, cụ thể là: Xây dựng chế tài mạnh hơn đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng BHYT; tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trao đổi, cung cấp thông tin, số lượng về các nhóm đối tượng tham gia BHYT; trình Chính Phủ ban hành kịp thời hoặc ban hành theo thẩm quyền đối với các văn bản quy định về đối tượng, thay thế các văn bản đã hết hiệu lực; nâng cao công tác phát triển đối tượng BHYT; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu tầm quan trọng và lợi ích khi tham gia BHYT, hướng đến mục đích nhân văn cao cả “BHYT toàn dân, chung tay vì sức khỏe cộng đồng”./.

 

Theo Website BHXH VN

  • TIN BÀI LIÊN QUAN