Sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP: Đảm bảo tính bền vững của phát triển đối tượng tham gia BHYT

05/12/2016 08:32 AM


Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, đại diện BHXH một số tỉnh, thành phố và cơ sở KCB ở phía Bắc. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đồng chủ trì Hội thảo.

Hoi thao 051216 01.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, BHYT và mục tiêu BHYT toàn dân là chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. BHYT đã thực sự trở thành một trong các nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau hai năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đã có 80% dân số tham gia BHYT, trên 2000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) các tuyến và khoảng 10.000 cơ sở y tế tuyến xã đã KCB cho khoảng 130 triệu lượt người có thẻ BHYT mỗi năm, chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện rõ rệt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động của các cơ sở y tế.

Để sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân và đáp ứng ngày một tốt hơn về quyền lợi của người tham gia BHYT và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, việc thực thi các quy định của Luật BHYT cần liên tục được đánh giá, nhận diện những vấn đề phát sinh, những hạn chế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn và những thay đổi trong các chính sách pháp luật khác có liên quan. Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BHYT đã được xây dựng khá đầy đủ, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Quỹ BHYT được sử dụng hợp lý, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, tạo điều kiện cho bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, trong quá trình thực hiện Luật BHYT, Nghị định 105/2014/NĐ-CP, các Thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành xuất hiện một số hạn chế và bất cập; một số quy định còn chưa đầy đủ, rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau… Thời gian qua, các ban, ngành chức năng đã quyết định trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

Hoi thao 051216 02.jpg
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Y tế, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, sau hai năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 80,8% dân số tham gia BHYT; nên mục tiêu đến năm 2020 đạt 91% dân số tham gia BHYT chắc chắn sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cũng băn khoăn về tính bền vững của đối tượng tham gia BHYT; tính khả thi trong thực hiện mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT…

Việc sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP sẽ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai chính sách BHYT, đảm bảo tính bền vững của phát triển đối tượng, nguyên lý số đông và tính công bằng trong đóng hưởng. Việc sửa đổi Nghị định giúp tăng cường hơn nữa việc quản lý chặt chẽ quỹ BHYT, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời đưa ra phương thức thanh toán đảm bảo tính khả thi, chủ động hơn cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

Hoi thao 051216 03.jpg

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 105/2014/NĐ-CP gồm 10 chương, 42 điều, với nhiều điều khoản rất cụ thể và nhiều điểm mới theo hướng mở rộng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Cụ thể, về đối tượng tham gia BHYT, có thêm các đối tượng người lao động là người nước ngoài đang hưởng lương tại Việt Nam, dân công hoả tuyến, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, người nhiễm HIV/ADIS, thân nhân của CBCCVC trong lực lượng vũ trang; Về mức đóng năm 2018, Ngân sách Nhà nước sẽ tăng mức hỗ trợ cho nhiều đối tượng như: Hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ BHYT, học sinh, sinh viên được hỗ trợ 50%, người làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp được hỗ trợ 50%; Tham gia BHYT theo hộ gia đình không bắt buộc tất cả các thành viên cùng tham gia một lúc; Về thông tin thẻ BHYT sẽ cụ thể hơn và có ảnh của chủ thẻ BHYT; Về lập danh sách, cấp thẻ BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS, người mắc bệnh phong, cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng có trách nhiệm lập danh sách gửi cho cơ quan BHXH; Một số quy định về chuyển tuyến, vận chuyển người bệnh theo hướng mở rộng quyền lợi cho người bệnh; Trang bị tủ thuốc cho chủ tàu đánh bắt cá xa bờ; Mở rộng quyền lợi cho trẻ điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính đối với trẻ em dưới 6 tuổi;...

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm về nội dung chỉ tiêu quyết toán quỹ BHYT và hiện đại hóa hệ thống quản lý BHYT nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thực hiện chính sách này.

Các đại biểu tham gia Hội thảo từ những kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện chính sách BHYT đã trao đổi, thảo luận về những điểm cần sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở KCB cũng như mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu và chỉ đạo Tổ biên tập nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ theo quy trình rút gọn đã được cho phép.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn