Tăng cường các giải pháp khởi kiện, thanh tra BHXH, BHYT, BHTN: Đảm bảo quyền lợi an sinh cho NLĐ
18/11/2016 08:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ Việt Nam) và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 64 điểm cầu trên toàn quốc. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu dự và đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Nhằm bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động (NLĐ), Luật BHXH năm 2014 quy định: tổ chức Công đoàn có chức năng khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH; cơ quan BHXH có quyền thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Trong thời gian qua, để triển khai hiệu quả các chức năng nêu trên, tổ chức Công đoàn và cơ quan BHXH các cấp đã tích cực vào cuộc.
Về công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như: Ban hành hướng dẫn Công đoàn các cấp tiến hành khởi kiện theo Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động (tháng 6/2016); Tổ chức các lớp tập huấn về biện pháp tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ đọng BHXH cho đội ngũ công đoàn các tỉnh; Ký kết Chương trình phối hợp về việc thụ lý khởi kiện các vụ án về lao động nói chung, về BHXH nói riêng với Tòa án Nhân dân tối cao (tháng 09/2016); Ký kết Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với BHXH Việt Nam; Phối hợp với BHXH Việt Nam chọn 15 tỉnh, thành phố có số lao động lớn, với các quan hệ lao động phức tạp để thí điểm triển khai công tác khởi kiện; Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Đoàn Giám sát liên ngành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương (qua giám sát yêu cầu LĐLĐ 03 địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan BHXH, tiến hành khởi kiện doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn, dài ngày để tiến hành khởi kiện)...
Qua gần 02 tháng triển khai Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống của mỗi ngành. Tính đến thời điểm này đã có 47/63 tỉnh, thành phố ký Quy chế phối hợp giữa LĐLĐ và BHXH tại mỗi địa phương. Và tính đến ngày 13/11/2016, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ của 91 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho tổ chức Công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện; tổ chức Công đoàn đã tiếp nhận 71 hồ sơ.
Tuy đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, nhưng đến nay tổ chức Công đoàn các cấp chưa khởi kiện được vụ án nào về nợ đọng BHXH. Công tác triển khai khởi kiện mới dừng ở bước chuẩn bị.
Về công tác thanh tra đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như: Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 hướng dẫn quy định về thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; Ban hành Quyết định số 1518/QĐ-BHXH ngày 18/10/2016 quy định về hoạt động thanh tra đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam;…
Theo đó, bám sát Kế hoạch kiểm tra, phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành năm 2016: Tại BHXH Việt Nam, tính đến tháng 11/2016 đã tiến hành 05 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, trong đó phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH thanh tra thí điểm tại 02 tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, hiện đang triển khai 01 đoàn tại tỉnh Lạng Sơn; Tại BHXH các địa phương, tính đến ngày 31/10/2016 đã tiến hành kiểm tra 13.911 đơn vị (trong đó có 364 BHXH quận, huyện; 10.316 đơn vị sử dụng lao động; 726 cơ sở KCB BHYT và 2.505 đại lý thu, đại diện chi trả), sau kiểm tra đã thu hồi, truy thu 32,5 tỷ đồng (bao gồm: thu hồi về quỹ BHYT 13,7 tỷ đồng; thu hồi về quỹ BHXH 18,6 tỷ đồng;…).
Báo cáo về tình hình nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Ban Thu- BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến 31/10/2016, tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 197.596 tỷ đồng (đạt 77,9% kế hoạch giao). Tuy nhiên, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên tới 14.237 tỷ đồng chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, số nợ BHXH lớn kéo theo việc quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ bị xâm phạm, trong khi họ đã bị trích tiền lương đóng BHXH nhưng doanh nghiệp lại cố tình chiếm dụng không đóng cho cơ quan BHXH.
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao; do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó còn do công tác phối hợp với LĐLĐ để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ra tòa chưa hiệu quả, và các cơ quan quản lý triển khai thanh tra liên ngành việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa chủ động thanh tra, hiện chỉ phối hợp cử người tham gia Đoàn Thanh tra khi các cơ quan quản lý đề nghị.
Hội nghị trực tuyến đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và đề xuất, kiến nghị của đại diện lãnh đạo LĐLĐ và BHXH các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương… trong việc triển khai tháo gỡ những vướng mắc, khi thực hiện công tác khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tổng hợp các ý kiến tại hội nghị cho thấy, sự bất cập trong việc quy định chức năng thanh tra giữa Luật BHXH năm 2014 và Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, dẫn đến bất cập trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đối với cơ quan BHXH - vì lực lượng chính thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành là viên chức. Do đó, đây là một bất cập cần được nghiên cứu bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của Ngành BHXH khi được Quốc hội giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính yêu cầu: LĐLĐ phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố thống nhất danh sách khởi kiện những đơn vị nợ BHXH trên tinh thần tập trung chọn những doanh nghiệp còn hoạt động, nợ BHXH từ 03 tháng trở lên với số tiền lớn có khả năng thi hành án, riêng đối với những đơn vị phá sản sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo nhằm bảo vệ quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ; Tiến hành nhanh việc chuyển hồ sơ khởi kiện gửi Tòa án Nhân dân các cấp, nếu hồ sơ nào Tòa án không thụ lý phải yêu cầu Tòa án có văn bản trả lời với lý do cụ thể; Các tổ chức Công đoàn chưa ký quy chế phối hợp với BHXH tại địa phương phải khẩn trương ký quy chế phối hợp ngay trong tháng 11/2016; Đưa tiêu chí thực hiện công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH vào đánh giá, bình xét thi đua năm 2016 của tổ chức Công đoàn các cấp. “Từ nay đến cuối năm, LĐLĐ các địa phương phải tập trung đẩy nhanh công tác khởi kiện các đơn vị nợ đọng BHXH. Bước đầu khó nhưng phải quyết tâm làm, vướng đâu gỡ đó, cần thể hiện rõ vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi NLĐ”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Để việc thực hiện công tác khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Ngành BHXH đạt các mục tiêu đề ra, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố: Từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường thu BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong cung cấp thông tin, hồ sơ khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chủ động thành lập các Đoàn Thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 03 tháng trở lên với số nợ lớn; đưa tiêu chí đánh giá công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH vào công tác bình xét thi đua của đơn vị năm 2016. BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác khởi kiện tại một số địa phương, qua đó đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc tồn tại để triển khai tốt công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Năm 2017, đưa nội dung khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; Giao Ban Thu làm đầu mối phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan, hàng quý tổ chức giao ban công tác thu và giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Nhân rộng và biểu dương các đơn vị thực hiện tốt công tác khởi kiện, thanh tra, thu nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và ngược lại./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Trên 28.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...