Ngành Bảo hiểm xã hội: Thành tựu nổi bật trong ứng dụng CNTT

12/10/2016 12:37 AM


Trong gần hai năm qua, ngành BHXH đã đạt được những thành tựu nổi bật trong ứng dụng CNTT như: Triển khai đầu tư nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); Từng bước đầu tư xây dựng hệ thống CNTT của ngành BHXH là hệ thống tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế tuân thủ theo khung Kiến trúc Chính phủ điện tử, đồng thời gắn kết chặt chẽ với quá trình cải cách hành chính, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020.

BHXH dien tu

Chú trọng công tác xây dựng văn bản


Theo báo cáo về kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH giai đoạn từ năm 2015 đến nay, ngành BHXH hết sức chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về ứng dụng CNTT để từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn ngành, đặc biệt là những văn quan trọng, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong toàn ngành như: Quyết định số 319/QĐ-BHXH về việc ban hành Thiết kế mẫu mạng LAN/WAN cho cấp tỉnh và huyện ngành BHXH Việt Nam; Quyết định số 1090/QĐ-BHXH phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của Ngành BHXH giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao dự toán để triển khai thực hiện; Quyết định số 640/QĐ-BHXH phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của Ngành BHXH giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 641/QĐ-BHXH. 

Bên cạnh đó, để triển khai các ứng dụng CNTT, ngành BHXH đã triển khai lắp đặt mạng diện rộng (WAN) và mạng Internet đối với 63 tỉnh thành và hơn 700 huyện khắp cả nước. Kết nối giữa BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh và BHXH huyện được cải thiện mạnh mẽ nhờ mạng diện rộng này. Việc quản lý và cấp sổ BHXH và thẻ BHYT theo đó cũng trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều; trang bị 218 máy chủ có cấu hình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng việc cài đặt phần mềm và CSDL nghiệp vụ cho BHXH 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Trong năm 2015, BHXH Việt Nam đã điều chỉnh bổ sung, mở rộng băng thông để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng phần mềm lõi BHXH, khai thác các hệ thống tập trung của Ngành hay việc chuyển, nhận hồ sơ điện tử BHXH của các dịch vụ công trực tuyến BHXH trên mạng internet; BHXH Việt Nam đã thực hiện xuyên suốt phương án thuê đường truyền kết nối cấp tỉnh – huyện, luôn sẵn sàng cho việc kết nối liên thông các hệ thống ứng dụng điều hành, tác nghiệp và hoạt động giao dịch trực tuyến; Tiến hành nâng cấp, trang bị máy chủ, hệ thống máy trạm và các thiết bị mạng tại BHXH các tỉnh, huyện. Các thiết bị mạng, an ninh mạng được nâng cao chất lượng để việc kết nối giữa các cơ quan BHXH các cấp luôn liền mạch; Xây dựng hệ thống thư điện tử ngành BHXH đảm bảo tích hợp với cổng thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số phục vụ việc triển khai giao dịch điện tử được hiệu quả; Đặc biệt, toàn bộ các đơn vị từ Trung ương tới 63 các tỉnh, thành phố đều được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình đảm bảo cho việc thiết lập, vận hành các kênh họp giao ban điện tử giữa các đơn vị; Cung cấp chứng thư số cho cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo giai đoạn 1.

Toàn ngành tập trung xây dựng phần mềm lõi của Ngành BHXH (3S) tập trung hóa dữ liệu đối tượng tham gia BHXH, đã triển khai thí điểm xong tại BHXH 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và TP Hồ Chí Minh đang đánh giá để triển khai trên phạm vi toàn quốc;  Xây dựng hệ thống giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử (Phần mềm kê khai bảo hiểm xã hội (KBHXH), phần mềm cổng thông tin điện tử bảo hiểm xã hội (BHXH - VAN), phần mềm cổng thông tin giao dịch điện tử (iGW), phần mềm xử lý nghiệp vụ tiếp nhận và quản lý hồ sơ;

Với vị trí và vai trò của một Ngành có giao tiếp rất nhiều với người dân và đơn vị sử dụng lao động, BHXH Việt Nam xác định ứng dụng CNTT đặc biệt là giao dịch BHXH điện tử là phương thức tối ưu để thực hiện giảm 1/3 số lần và 50% số giờ thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. 

Để có cơ sở pháp lý triển khai hệ thống giao dịch BHXH điện tử, BHXH Việt Nam đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BHXH Việt Nam chính thức tiến hành giao dịch BHXH điện tử. Lãnh đạo Ngành đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tập trung cao độ triển khai chuẩn bị các điều kiện nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đường truyền kết nối WAN từ tỉnh lên Trung ương, hệ thống phần mềm giao dịch điện tử, chữ ký số… để triển khai Quyết định. 

BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 528/QĐ-BHXH quy định về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Ngày 18/05/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức nhấn nút khai trương Hệ thống giao dịch điện tử. Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng của ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Hệ thống giao dịch điện tử về BHXH đối với lĩnh vực kê khai và thu của Ngành đã chính thức đi vào hoạt động trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Và chỉ sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch BHXH điện tử đã thu hút hơn 82.000 đơn vị sử dụng lao động đăng ký sử dụng, với mức độ tăng trưởng cao nhất đạt 7.500 doanh nghiệp đăng ký sử dụng trong 1 tuần. 

Ngành BHXH cũng dồn lực xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình. Cụ thể, việc triển khai hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc cải cách về CNTT của Ngành. Dự án bắt đầu thực hiện năm 2015. Hiện nay, hệ thống đang được triển khai trên toàn quốc cho phép kê khai thông tin hộ gia đình, các thành viên trong hộ. Triển khai thành công hệ thống này sẽ giúp cho BHXH có CSDL quốc gia phục vụ cho mục tiêu cấp số định danh cho người tham gia BHXH, BHYT. Việc cấp thành công số định danh có tác dụng to lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân giao dịch dễ dàng với cơ quan BHXH vì với một mã định danh duy nhất, người tham gia có thể giao dịch với bất cứ cơ quan BHXH nào trên toàn quốc. Bên cạnh đó, đối với ngành BHXH, mã định danh giúp ngành quản lý tốt hơn các đối tượng tham gia.Đây cũng sẽ là công cụ giúp công tác quản lý của cơ quan BHXH hiệu quả hơn, việc kiểm soát thông tin về tình trạng tham gia BHYT của người dân, làm căn cứ xác định mức đóng BHYT theo hộ gia đình sẽ được thực hiện chính xác; Là nguồn thông tin quan trọng trong việc mở rộng đối tượng tham gia nhằm hoàn thành mục tiêu triển khai BHYT toàn dân mà Chính phủ đã giao.

GD BHYT 290616 05.JPG
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bấm nút khai trương Cổng dữ liệu y tế 
và Hệ thống thông tin giám định BHYT


Bước đột phá trong CCTTHC


Về hệ thống giám định BHYT và xây dựng Cổng tiếp nhận BHYT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tin học hóa KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tập trung xây dựng các bộ mã, danh mục dùng chung, xây dựng các danh mục yêu cầu đầu ra dữ liệu để thống nhất việc trao đổi dữ liệu giữa các phần mềm quản lý bệnh viện; đồng thời, thu thập thông tin phục vụ công tác quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT. BHXH Việt Nam đã phối hợp với doanh nghiệp CNTT thí điểm hệ thống kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở KCB ở 4 tuyến trung ương, tỉnh, huyện và xã tại 3 địa phương là: Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hải Phòng. Theo đó, việc tin học hóa trong quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT đã thực sự đem lại những hiệu quả rất lớn, tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là tạo thuận lợi, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người bệnh BHYT, tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội. Với việc ứng dụng CNTT, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời; người bệnh giảm thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng, đây cũng là một phương pháp tuyên truyền thiết thực đến người dân. Trên cơ sở kết quả thí điểm, BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án, kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 25/6, Cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động, tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT từ các cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống hoạt động trực tuyến cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử KCB của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc, giúp cho việc thanh toán chi phí KCB BHYT hiệu quả, kịp thời hơn trước đây.

Hệ thống thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, là bước đột phá trong công tác quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT. Thành công của việc triển khai Hệ thống thông tin giám định BHYT thể hiện ý chí, quyết tâm của ngành BHXH trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT và hiệu quả quản lý quỹ BHYT; Xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin thống nhất Ngành BHXH để phục vụ việc liên thông, kết nối thông tin trong toàn Ngành BHXH và liên thông, kết nối thông tin với các Bộ, Ngành đảm bảo việc liên thông CSDL quốc gia về bảo hiểm.

Với mục đích quy hoạch lại hệ thống ứng dụng CNTT tại BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo kiến trúc chuẩn SOA, nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các hệ thống ứng dụng và làm nền tảng cho việc phát triển hệ thống thời gian tới...; Năm 2016, BHXH Việt Nam đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin thống nhất Ngành BHXH” để hoàn thiện hệ thống thông tin trong toàn Ngành BHXH, tạo môi trường làm việc điện tử thông suốt trong nội bộ ngành cũng như các kết nối liên ngành, ngoài ngành; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động của ngành BHXH...; việc chuẩn hóa, kiến trúc hóa lại toàn bộ hệ thống ứng dụng ngành theo hướng kiến trúc dịch vụ bằng việc đầu tư hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin thống nhất, kiến trúc hướng dịch vụ toàn Ngành BHXH  mang lại nhiều ưu điểm, giúp tích hợp và khai thác tối đa các nhóm ứng dụng đã, đang và sẽ được BHXH xây dựng như:dịch vụ mã số định danh, dịch vụ tra cứu thông tin BHXH, BHYT, dịch vụ kê khai BHXH điện tử... 

Xây dựng cổng thông tin điện tử Ngành BHXH để thực hiện giao dịch điện tử và cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3, 4 trên một cổng thông tin thống nhất và duy nhất của Ngành cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. 

Nhằm thực hiện triệt để hơn chủ trương xây dựng Chính phủ Điện tử của Đảng và Nhà nước nói chung, cũng như nhằm giải quyết các thách thức được đặt ra, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã đầu tư  xây dựng một cổng thông tin điện tử chính thống của BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh của Ngành tới toàn dân, tạo tiền đề cho việc hợp nhất kênh thông tin điện tử của BHXH Việt Nam với các kênh thông tin của BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiến tới cung cấp toàn bộ thông tin của Ngành thông qua một cổng thông tin duy nhất cho toàn bộ các đối tượng tham gia BHXH;Tích hợp dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử (Phát triển cổng điện tử tích hợp với giao dịch điện tử, cho phép các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch trực tuyến với các cơ quan quản lý BHXH; Tích hợp với hệ thống cấp Số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình, cung cấp kênh giao diện cho các đơn vị lập danh sách, các cơ quan BHXH các cấp, phục vụ các nhiệm vụ cấp bách được đặt ra về mục tiêu quản lý đối tượng tham gia BHXH theo số định danh duy nhất và thực thi đầy đủ Luật BHYT sửa đổi và bổ sung; Tích hợp đầy đủ các dịch vụ công cũng như cơ chế một cửa của BHXH Việt Nam trên cổng thông tin điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của người dân và doanh nghiệp phục vụ phát triển.

Nguồn website BHXH VN

  • TIN BÀI LIÊN QUAN