Tăng tuổi nghỉ hưu hài hòa lợi ích nhiều phía

12/10/2016 12:24 AM


Dự kiến, năm 2017, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động. Trong các đề xuất sửa đổi lần này có phương án tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH. Xung quanh nội dung này, Phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

TGD 030616.jpeg
BHXH-LDLD 190916 04.JPG
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường và Tổng Giám đốc BHXHVN Nguyễn Thị Minh ký kết quy chế phối hợp

Đề xuất về tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐTBXH có nêu hai lý do là để tránh “vỡ quỹ BHXH” và tuổi thọ trung bình của người dân tăng. Vậy đâu là căn nguyên chủ yếu, thưa bà?

- Dự kiến trong năm 2017, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình QH điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, để làm được điều này, trong năm 2016 - 2017, cần phải tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động 2012, sau đó mới có thể tiến hành sửa đổi, bổ sung. Bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH giữa thời gian đóng, mức đóng - mức hưởng và thời gian hưởng; phải xây dựng chính sách dài hạn, có sự kế tiếp và chuyển tiếp. Do đó, khi xã hội ngày càng phát triển, GDP tăng; mức sống, thể chất, thể lực, tuổi thọ của NLĐ cao hơn thì cũng cần phải tăng tuổi nghỉ hưu.

Từ khi thực hiện BHXH theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng” (năm 1995) đến nay, chính sách BHXH của VN vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Với thời gian đóng BHXH như VN, các nước chỉ cho hưởng lương hưu 40 - 60% nhưng VN mức hưởng lên tới 75% mức đóng. Bây giờ, phải điều chỉnh dần để cân bằng mức đóng, mức hưởng.

Theo tôi, có nhiều phương án nâng thời gian đóng, tuy nhiên để cân đối hài hòa, nên làm từ từ, tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 58 tuổi, nam 62. Có thể sau một thời gian nữa lại điều chỉnh. Chúng tôi cũng đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tùy theo loại hình lao động cho phù hợp với điều kiện lao động và sức khỏe.

Vậy tăng tuổi nghỉ hưu thì nền kinh tế nói chung cũng như NLĐ sẽ được lợi gì, thưa bà?

- Trên thực tế, một số nhóm NLĐ trong cơ quan hành chính nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia... đã được nâng tuổi hưu rồi. Đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng được cải thiện, tuổi thọ bình quân của người dân đã lên tới 73 tuổi. VN sắp bước vào thời kỳ già hóa dân số, nếu không chuẩn bị, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực cung ứng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hiện tại chúng ta đang thiếu lực lượng lao động có chất lượng cao. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực này. Khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận NLĐ có cơ hội kéo dài thời gian làm việc, cống hiến và tham gia BHXH, sau này có lương hưu cao hơn, giúp họ tránh gặp khó khăn về tài chính khi bước vào giai đoạn tuổi già.

Tất nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận lao động trẻ. Nhưng chúng tôi cho rằng, cũng chỉ một vài năm giai đoạn đầu. Còn sau khi đã cân bằng người vào, người ra khỏi hệ thống BHXH thì sẽ không còn tình trạng đó.

Nếu vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nữ 55 và nam 60 như hiện tại, cán cân quỹ BHXH sẽ thay đổi như thế nào trong những năm tới?

- Bài toán này đã được tính rất cụ thể. Kết dư quỹ đang giảm dần, nếu không điều chỉnh thì đến 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ, sẽ bằng mức chi, sau đó sẽ phải lấy ngân sách bù vào.

Theo công thức từ năm 1995, thời gian đóng trung bình của VN đang là 25 năm, hưởng 13 năm và nghỉ hưu là 54 tuổi. Nay tuổi thọ tăng lên 73, vậy cần tới 19 năm hưởng lương thì rõ ràng đang mất cân đối 6 năm. Khi điều chỉnh tăng thêm tuổi nghỉ hưu như đề xuất thì khoảng hụt sẽ chỉ còn khoảng 1,5 - 2 năm thay vì 6 năm.

Luật BHXH quy định “Nhà nước bảo hộ Quỹ BHXH và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ”. Do đó, nếu Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối thì Nhà nước sẽ có giải pháp cân đối. Ví dụ, điều chỉnh mức đóng, thời gian đóng, tuổi nghỉ hưu… Do đó, khả năng an toàn quỹ luôn luôn nằm trong tầm kiểm soát. Không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức đóng BHXH của VN hiện đang cao so với một số nước trong khu vực. Bà giải thích như thế nào trước nhận định này?

- Đúng là VN có tỉ lệ đóng BHXH tương đối cao. Nhưng nếu so về số tuyệt đối thì lại thấp hơn, vì trên thực tế hầu hết các DN chỉ đóng BHXH cho NLĐ theo mức lương tối thiểu (chỉ bằng khoảng hơn 60% thu nhập). Điều này làm ảnh hưởng đến mức lương hưu của NLĐ sau này. Vì đóng thấp sẽ hưởng thấp.

Nguyên tắc của BHXH là “có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp” và tiền đóng BHXH của NLĐ là khoản để dành, được Nhà nước bảo hộ. Nhìn ra các nước, mức đóng BHXH của Thái Lan chỉ 5%, nhưng luật của họ quy định, NLĐ chỉ được hưởng 3 chế độ (lương hưu, trợ cấp tai nạn và trợ cấp tuất), lương hưu ở Thái Lan cũng chỉ bằng 20% mức đóng BHXH.

Trong khi đó, NLĐ ở nước ta được hưởng nhiều chế độ với mức hưởng cao như: Hưu trí, ốm đau, thai sản, TNLĐ - BNN, tử tuất. Riêng mức hưởng lương hưu hằng tháng bằng 75% tiền đóng BHXH. Nếu người đóng không may qua đời, không kịp hưởng thì người thừa kế vẫn được hưởng. Khi giá trị sức mua của tiền lương hưu bị giảm sút do chỉ số giá tiêu dùng tăng, Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lương hưu để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu.

Như vậy, hiện nay ở nước ta, tất cả những người đang hưởng lương hưu đều có mức hưởng cao hơn mức đóng. Vì thế, NLĐ cần nhìn vào những điểm có lợi về lâu dài trong chính sách BHXH để yên tâm về việc Nhà nước luôn đảm bảo quyền lợi và chăm lo cho an sinh tới tất cả những người tham gia BHXH.

Có ý kiến cho rằng, Quỹ BHXH được quản lý, vận hành chưa minh bạch, bộ máy cồng kềnh? Bà bình luận như thế nào về điều này?

- Mỗi năm, BHXH VN đều họp báo công khai các số liệu thu, chi các quỹ BHXH chứ không hề giấu giếm, thiếu minh bạch. Luật BHXH quy định, hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH. Định kỳ 3 năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ BHXH và báo cáo kết quả với QH.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của QH, UBTVQH và Chính phủ, Quỹ BHXH còn được kiểm toán đột xuất. BHXH VN cũng định kỳ thực hiện báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng quỹ với Bộ LĐTBXH, Hội đồng quản lý BHXH...

BHXH VN hiện đang triển khai việc trả sổ BHXH do DN quản lý sang NLĐ trực tiếp quản lý. NLĐ sẽ chủ động biết được số tiền đóng BHXH của họ có được chủ DN nộp về quỹ BHXH hay không? Đây cũng là để công khai, minh bạch quá trình đóng BHXH giúp NLĐ tự giám sát, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ. Tới đây, khi ngành BHXH hoàn thiện hệ thống CNTT một cách đầy đủ, thì NLĐ sẽ theo dõi, kiểm soát được tiền đóng BHXH của mình, kể cả tiền gốc đóng, tiền tăng trưởng do đầu tư quỹ tạo ra.

Về vấn đề hiệu quả quản lý, hiện trung bình 1 cán bộ ngành BHXH đang quản lý thu chi quỹ cho khoảng 4.000 người; trong khi thế giới, 1 cán bộ quản lý khoảng 1.000 người đã là cao. Về bộ máy, BHXH VN là một trong những tổ chức an sinh xã hội có sử dụng lao động ít nhất thế giới với khoảng 20.000 người, phục vụ 73 triệu dân đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Mỗi cán bộ BHXH lao động trực tiếp đang phải làm 11- 12h/ngày, trong khi thu nhập bình quân cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Đúng là lương CCVC ngành BHXH hưởng hệ số 1,8 lần nhưng cán bộ ngành BHXH không được hưởng phụ cấp công vụ, nhiều khoản chi thiết yếu không bù đắp được hoạt động thực tế như công tác phí, xăng xe, điện thoại...

Ở một số quốc gia phát triển, chi phí quản lý của họ khá cao. Ở Việt Nam, trung bình chi phí chỉ bằng 1/2 các nước. Trong khi đó, công việc của cán bộ BHXH rất vất vả.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Báo LĐ

  • TIN BÀI LIÊN QUAN