Khởi sắc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

23/08/2016 01:14 AM


Báo cáo kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm 2016 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc. Tính đến hết ngày 31/7/2016, cả nước đã có gần 73 triệu người tham gia BHYT (tăng 3 triệu người so với năm 2015), đạt tỉ lệ bao phủ BHYT trên 92% dân số.

Đây là thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT chiều 17/8. Tại đây, cơ quan BHXH Việt Nam cũng cho biết, sau 7 tháng đầu năm 2016, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt gần 12,5 triệu người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt hơn 10,5 triệu người, và BHXH tự nguyện là 193.340 người.

Những tín hiệu lạc quan

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết: “BHXH đang có những bước phát triển vững vàng trên cả hai phương diện là tỷ lệ người tham gia và chất lượng của các gói BHXH”.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2016, hơn 5 triệu lượt người được giải quyết chế độ BHXH (tăng 15,7% so với cùng kỳ 2015). Thanh toán phí khám, chữa bệnh BHYT cho hơn 77,6 triệu lượt người, tăng hơn 6,1 triệu người (hơn 8,6%) so với năm 2015.

Các khoản thu cũng có những tín hiệu khởi sắc, tính đến hết ngày 31/7, toàn ngành thu hơn 133.000 tỷ đồng, tăng 18.690 tỷ đồng (tương đương 16,3%) so với cùng kỳ năm trước. Số chi toàn ngành cho BHXH, BHYT là gần 129.198 tỷ đồng (tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015).

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, BHXH Việt Nam 7 tháng qua cũng bộc lộ những tồn tại. Thâm hụt quỹ BHYT tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, khi tổng quỹ khám chữa bệnh BHYT chỉ có 28.220 tỷ đồng, nhưng chi phí khám chữa bệnh lên tới 30.372 tỷ đồng (tức âm 2.152 tỷ đồng).

Chi phí khám chữa bệnh nửa đầu năm 2016 cũng tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2015, đẩy tổng số tiền tăng thêm lên tới 8.545 tỷ đồng. Trong đó, tăng cao nhất tại khu vực khám chữa bệnh nội trú với 41% (chia theo loại hình) và khu vực khám chữa bệnh đa tuyến đến nội tỉnh là 50% (chia theo khu vực).

1 cua 100914.jpg
BHXH Việt Nam đang có nhiều tín hiệu lạc quan


Trước tình trạng mức thâm hụt quỹ tăng cao so với năm 2015, ông Nguyễn Trí Đại - Trưởng ban thu BHXH Việt Nam, cho biết: “Ngành BH sẽ thực hiện đồng thời nhiều gói giải pháp nhằm hạn chế thâm hụt quỹ như tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, quản lỹ chặt chẽ sử dụng quỹ, tăng cường công tác nghiệp vụ…”.

Mục tiêu phát triển của BHXH Việt Nam là “cán đích” 90 - 95% dân số tham gia BHYT vào năm 2020. Với những tín hiệu khởi sắc trong thời gian qua, nếu cơ quan BHXH Việt Nam tiếp tục có những điều chỉnh đúng đắn, cộng với sự ủng hộ của người dân và DN thì mục tiêu 90% hoàn toàn có thể đạt được.

Nỗ lực về đích

Để đạt được mục tiêu là không đơn giản, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng: “BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại về thủ tục, giảm phiền hà cho người dân và DN. BHXH địa phương phải nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết kiến nghị của dân. Truy trách nhiệm rõ ràng khi có sai sót xảy ra…”.

Không thể phủ nhận trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, giảm chi phí, tăng lợi ích cho người dân và DN. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy công tác thực hiện BHXH còn nhiều vướng mắc như thủ tục tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ, chất lượng BHYT…

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Các cơ quan BHXH cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, phát hành sổ BHXH điện tử, nhằm tạo thuận lợi (giảm thủ tục, thời gian, chi phí…) cho người tham gia BH. Tăng cường phối hợp với Bộ Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT”.

“BHXH cần tiếp tục có giải pháp để hơn 2 triệu người trong tổng số hơn 10 triệu người có hợp đồng lao động được tham gia BHXH. Quan tâm hơn tới các đối tượng có thời gian lao động ngắn, công việc không ổn định. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của BHXH, BHYT thu hút người dân tham gia”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

BHXH là một trong các “trụ cột” an sinh xã hội, là thước đo trình độ phát triển của một quốc gia. Do đó, phát triển BHXH, BHYT toàn dân cần được ưu tiên hàng đầu. Không chỉ chú trọng số lượng, độ “bao phủ” toàn dân, BHXH, BHYT còn phải đảm bảo chất lượng, sự công bằng, minh bạch, đảm bảo quyền lợi tuyệt đối cho người dân và DN.

Theo Thời báo Kinh doanh

  • TIN BÀI LIÊN QUAN