BHXH Lâm Đồng: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia BHYT

04/08/2016 02:10 AM


Ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố giai đoạn 2016- 2020. Thủ tướng Chính phủ giao ngành BHXH chịu trách nhiệm chủ yếu trước Chính phủ và chính quyền địa phương về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT; tổ chức triển khai thực hiện; phát triển đối tượng tham gia và phấn đấu năm 2020 cả nước có 90,7% dân số tham gia BHYT

Theo đó, năm 2016 tỉnh Lâm Đồng phải đạt 72,5% và đến năm 2020 đạt 90% dân số có BHYT. Với Lâm Đồng, chỉ tiêu này đang là thách thức...

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết:

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên, diện tích xấp xỉ 10 ngàn km2, dân số khoảng hơn 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tại 2 thành phố (Đà Lạt và Bảo Lộc) và 10 huyện, mức sống người dân chưa cao, trình độ dân trí nói chung và nhận thức về chính sách BHYT nói riêng của một bộ phận dân cư còn hạn chế. Vì vậy, toàn tỉnh hiện mới có 867.440 người tham gia BHYT, 67,28% dân số (thấp hơn mức trung bình cả nước).

Tỷ lệ bao phủ BHYT ở Lâm Đồng đạt thấp có nhiều nguyên nhân. Xét theo từng nhóm đối tượng cho thấy, những người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình vẫn quen nếp chỉ khi ốm mới tham gia; người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp, theo Luật BHYT được hỗ trợ 30% mức đóng BHYT, song họ lại không được hưởng mức giảm trừ từ thành viên thứ hai trong gia đình trở đi như tham gia theo hộ gia đình, nên chưa tích cực tham gia.

Ngay như đối tượng HSSV, mặc dù là nhóm bắt buộc tham gia BHYT, nhưng đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng mới có 78,3% HSSV tham gia. Trên địa bàn tỉnh có một số trường Đại học, Cao đẳng “đứng chân” như: Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin Đà Lạt, Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, Cao đẳng nghề Đà Lạt…. Nhưng nhìn chung, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT đạt thấp, tỷ lệ sinh viên năm thứ hai trở đi tham gia BHYT càng thấp hơn. Đó là do các em chủ quan, chưa có ý thức chủ động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đề phòng rủi ro cho mình, cũng như chưa ý thức cao về việc chia sẻ cộng đồng xã hội, trong khi đó, chúng ta cũng chưa có chế tài xử phạt các trường hợp không tham gia BHYT.

Tại Lâm Đồng, sự tuân thủ chính sách pháp luật về BHYT của nhiều đơn vị, DN, nhất là những DN khu vực ngoài quốc doanh còn thấp, nên NLĐ trong các đơn vị, DN này chưa được tham gia BHYT. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ vẫn diễn ra. Có những đơn vị, DN mặc dù đã đăng ký đóng BHXH, BHYT cho NLĐ nhưng lại rơi vào tình trạng chậm đóng, nợ đọng, thì NLĐ cũng không được hưởng quyền lợi.

PV: Với thực trạng trên, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh Lâm Đồng sẽ làm gì để hoàn thành được chỉ tiêu 72,5% dân số tham gia BHYT vào cuối năm nay, thưa ông?

So với kế hoạch Chính Phủ và UBND tỉnh giao về phát triển đối tượng tham gia BHYT năm 2016 là 72,5% thì còn một khoảng cách khá xa (hiện nay là 67,28%). 6 tháng, nhưng Lâm Đồng còn phải phát triển thêm khoảng 78,5 ngàn người tham gia BHYT nữa, (tương đương với 5,22% dân số).

Theo tôi, đây là một một nhiệm vụ chính trị hết sức khó khăn của toàn tỉnh nói chung, của BHXH Lâm Đồng nói riêng. Trên chặng đường phía trước còn nhiều chông gai, thách thức. Để vượt qua được chặng đường đó và “chạm” tới mốc 72,5% dân số tham gia BHYT vào cuối năm nay, tôi cho rằng, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương. Các sở, ban ngành đoàn thể, các hội, hiệp hội, nhất là những đơn vị đã ký quy chế phối hợp với BHXH tỉnh, cần tập trung tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên của mình tích cực tham gia BHYT để  vừa chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho chính mình, vừa thực hiện được một hành động mang ý nghĩa xã hội cao cả cộng đồng chia sẻ rủi ro.;">

Với những nhóm đối tượng tiềm năng, nhưng tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ. Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho HSSV lên tối thiểu là 50% (hiện nay đang là 30%). Nguồn kinh phí hỗ trợ có thể lấy từ 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2015 theo quy định của Luật BHYT.

Tham gia BHYT theo hộ gia đình vẫn là nhóm đối tượng khó phát triển nhất, bởi có một bộ phận hộ gia đình khó khăn về kinh tế, nhưng có một bộ phận khác chưa có ý thức chủ động tham gia BHYT từ lúc còn khỏe, chỉ khi ốm đau hoặc có nhu cầu được chăm sóc y tế mới nghĩ đến tham gia BHYT. Với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ tối thiểu 10% mệnh giá thẻ để khích lệ người dân tham gia.

Về phía cơ quan BHXH, chúng tôi sẽ tập trung rà soát lại danh sách những người thoát nghèo trong 5 năm gần đây để chuyển sang hộ cận nghèo và cấp thẻ BHYT theo Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sẽ mở thêm các đại lý thu BHYT; chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, đại lý thu tổ chức tuyên truyền và cung cấp đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật BHXH, BHYT; giới thiệu cách thức tham gia, mức phí, thủ tục, quyền lợi hưởng… để người dân hiểu rõ và tích cực tham gia. Đồng thời, cơ quan BHXH sẽ tăng cường kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của đại lý thu BHYT, sẽ kiên quyết thanh lý, dừng hợp đồng với những đại lý thu hoạt động kém hiệu quả, gây bức xúc cho người dân, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành BHXH và gây cản trở cho việc thực hiện mục tiêu chung - tăng diện bao phủ BHYT và lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Theo tôi, một yếu tố cực kỳ quan trọng là các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng KCB hơn nữa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, vì đây chính là nơi cung cấp dịch vụ y tế, trực tiếp phục vụ người bệnh - người tham gia BHYT. Chỉ khi người bệnh – người tham gia BHYT được đối xử công bằng, được coi trọng, được tạo thuận lợi… thì họ mới có niềm tin, cầm thẻ BHYT tự tin đi KCB và họ muốn tham gia BHYT như một nhu cầu tự thân. Các cơ sở y tế phải cải cách TTHC, quy trình KCB, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ hơn nữa hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cơ quan BHXH và cơ sở y tế sẽ phối hợp thực hiện tin học hóa trong lĩnh vực BHYT, xây dựng bộ danh mục dùng chung, đảm bảo thống nhất dữ liệu giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB; vận hành cổng tiếp nhận dữ liệu để tải dữ liệu KCB từ các cơ sở y tế về cơ quan BHXH; giám định tự động, đánh giá tính hợp lý của các chỉ định DVKT, chống áp sai giá, chống lạm dụng quỹ BHYT…

PV: Vậy, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã bắt tay triển khai những công việc đó như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Mặc dù mở rộng đối tượng tham gia BHYT đang là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, song chúng tôi xác định mở rộng đối tượng phải song hành với nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ. Thời gian qua, BHXH Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với Sở y tế, các cơ sở KCB BHYT và Viettel Lâm Đồng lắp đặt đường truyền cáp quang và bàn giao máy vi tính cho cơ sở KCB BHYT. Đến hết ngày 30/6/2016 đã có 171/171 cơ sở KCB BHYT được bàn giao máy vi tính và lắp đặt đường truyền cáp quang độc lập của Vietel Lâm Đồng. BHXH tỉnh kịp thời ban hành các công văn hướng dẫn các cơ sở KCB việc xây dựng các Danh mục dùng chung quy định của Bộ y tế và BHXH Việt Nam.

Trong 3 ngày 20-22/6/2016 BHXH tỉnh đã tổ chức tập huấn phần mềm kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB qua Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin Giám định BHYT phiên bản 2.0 ban hành kèm theo Quyết định số 917/QĐ-BHXH ngày 25/6/2016 của BHXH Việt Nam cho 171 cơ sở KCB BHYT. Từ ngày 25/6/2016, chúng tôi chính thức mở cổng tiếp nhận dữ liệu KCB BHYT. Tuy nhiên, đến nay 2/3 số cơ sở KCB chưa mã hóa được các danh mục dùng chung (danh mục thuốc, VTYT…) hoặc đã mã hóa được nhưng còn sai sót phải chỉnh sửa; chưa chuyển được dữ liệu vào cổng tiếp nhận hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT. Vì vậy, tháng 7 này, cơ quan BHXH và ngành y tế đang khẩn trương nỗ lực khắc phục những lỗi trên…

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo BHXH