Ngành BHXH và Thuế: Tăng cường công tác phối hợp đảm bảo quyền lợi cho người lao động

08/07/2016 09:28 AM


Sáng ngày 07/07/2016, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Cục Thuế tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai ngành. Tham dự cuộc họp, về phía BHXH Việt Nam có Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, đại diện lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ; Về phía Tổng cục Thuế có Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân Nguyễn Thị Hạnh và đại diện một số Vụ, Cục có liên quan.

BHXH-Thue 070716.jpg

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam do Phó Trưởng ban Thu Mai Đức Thắng trình bày tại cuộc họp, sau 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 5423/QCPH-BHXH-TCT giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã đạt được một số kết quả nhất định.

Ngay sau khi ký Quy chế phối hợp, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện; đồng thời kiểm tra đôn đốc địa phương thực hiện Quy chế.

Trong năm 2015, Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) BHXH Việt Nam đã làm việc với đơn vị liên quan thuộc Tổng Cục Thuế bàn về việc xây dựng phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT và phần mềm để thực hiện kết nối, xử lý thông tin tự động. Tổng cục Thuế đã cung cấp thông tin doanh nghiệp trên đia bàn toàn quốc cho BHXH Việt Nam quản lý. BHXH Việt Nam đã xử lý phân loại thông tin doanh nghiệp do Tổng cục Thuế chuyển sang gửi đến BHXH tỉnh để khai thác, đối chiếu.

Về phía cơ quan BHXH và Cục Thuế địa phương, đã tổ chức quán triệt quy chế đến cán bộ công chức, viên chức của cơ quan BHXH và cơ quan thuế địa phương.  Một số tỉnh, hai cơ quan đã trao đổi thông tin, bước đầu thực hiện việc khai thác thông tin các đơn vị sử dụng lao động; danh sách đơn vị được thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc chấp hành thuế năm 2015; phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giữa cơ quan BHXH và cơ quan Thuế và tự kiểm tra của cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đánh giá, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa hai bên vẫn cần tiếp tục triển khai một số việc như: đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và ứng dụng để kết nối thực hiện trao đổi và xử lý thông tin tự động; Chưa hoàn thiện quy trình cấp, sử dụng mã số thuế trong việc quản lý thu thuế và thu các khoản BHXH bắt buộc đối với tất cả các tổ chức trả và thu nhập tham gia BHXH...

Tại cơ quan BHXH và cơ quan Thuế địa phương, công tác trao đổi thông tin vẫn chưa thường xuyên theo quy định; Chưa thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy chế phối hợp với cơ quan Thuế đối với BHXH các huyện, thị xã, thành phố và phối hợp để tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH và thuế đối với tổ chức trả thu nhập; Nhiều BHXH tỉnh, thành phố sau khi nhận được thông tin doanh nghiệp do cơ quan Thuế cung cấp nhưng còn chậm trễ trong việc rà soát, đối chiếu với danh sách tham gia BHXH do cơ quan BHXH đang quản lý để phát hiện dấu hiệu vi phạm, cũng như chưa tiến hành việc tự kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động; Chưa thực hiện việc tổ chức đánh giá kết quả phối hợp định kỳ.

Cục Thuế các tỉnh, thành phố chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra đầy đủ theo danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do cơ quan BHXH chuyển sang; Việc cung cấp danh sách tổ chức trả thu nhập trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2015 của cơ quan Thuế cho cơ quan BHXH cùng cấp chưa thực hiện được ở một số tỉnh; Một số Cục Thuế tỉnh chưa cung cấp việc trích nộp BHXH của tổ chức chi trả thu nhập sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra hoặc cung cấp kết quả trích nộp BHXH sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, chưa đầy đủ; Còn có Cục Thuế tỉnh chưa chủ động trong phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành Thuế - BHXH và cung cấp dữ liệu theo quy chế, chỉ thực hiện khi cơ quan BHXH yêu cầu.

BHXH Việt Nam đề nghị, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục CNTT chủ động phối hợp với Trung tâm CNTT của BHXH Việt Nam xây dựng phương án, đề xuất đầu tư hạ tầng CNTT và phần mềm liên thông để trao đổi, kết nối thông tin tự động giữa hai ngành; Bàn giải pháp, đề xuất xây dựng mã số của đơn vị sử dụng lao động dùng trong cho kê khai nộp thuế và BHXH bắt buộc; Tiếp nhận và cung cấp, trao đổi thông tin đã ký kết. Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân định kỳ hàng quý kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phối hợp giữa hai bên; Tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan Thuế địa phương tăng cường công tác trao đổi, cung cấp thông tin, tổ chức phối hợp với cơ quan BHXH thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Cơ quan Thuế địa phương thực hiện trao đổi thông tin doanh nghiệp với cơ quan BHXH phải đầy đủ, kịp thời các thông tin theo quy chế quy định; Kịp thời cung cấp kết quả thanh tra doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH để cơ quan BHXH phối hợp đôn đốc thực hiện;...

Phát biểu tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Quản  lý thuế thu nhập cá nhân Nguyễn Thị Hạnh cho biết, Tổng cục Thuế đã tích cực triển khai Quy chế phối hợp và đạt được một số kết quả. Cụ thể, qua công tác phối hợp cung cấp thông tin, thanh kiểm tra đã thu hồi hơn 300 tỷ tiền nợ BHXH, BHYT. Tổng cục Thuế đã chia sẻ tối đa thông tin có được nhưng do hạ tầng CNTT giữa hai ngành chưa tương thích nên việc chia sẻ vẫn còn mang tính chất thủ công, dẫn đến nhiều bất tiện trong quá trình triển khai. Thời gian tới, Tổng cục Thuế mà đầu mối là Vụ Quản  lý thuế thu nhập cá nhân sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên, tập trung vào các nội dung: Trao đổi thông tin; Phối hợp trong quản lý thu; Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra.

Tổng cục Thuế luôn sẵn sàng trong việc kết nối thông tin và đề nghị BHXH sớm đầu tư cơ sở hạ tầng để tương thích trong kết nối; đẩy mạnh sử dụng thông tin đã trao đổi; Cung cấp sớm kế hoạch dự kiến phối hợp thanh, kiểm tra liên ngành để Tổng cục Thuế rà soát, đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp, theo đúng quy định của pháp luật và bố trí cán bộ tham gia. Tổng cục Thuế đã hoàn thành Dự án kết nối hạ tầng CNTT giữa Tổng cục Thuế và BHXH Việt Nam, đề nghị BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển giao dữ liệu giữa hai bên.

Các đại biểu tham gia cuộc họp đã cùng thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế phối hợp, đồng thời đưa ra các giải pháp thực hiện về xây dựng hạ tầng kết nối CNTT, việc thanh kiểm tra, xây dựng phương án thu BHXH, một số tiêu chí trong thông tin trao đổi, ...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, cả nước hiện có 402.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng mới chỉ có 201.895 doanh nghiệp tham gia BHXH với hơn 1 triệu lao động chưa được tham gia BHXH. Số doanh nghiệp chưa tham gia BHHH bắt buộc cho người lao động tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Phó Tổng Giám đốc đề nghị Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên trong công tác trao đổi thông tin, phối hợp thu và thanh tra, kiểm tra. Giao ban Thu làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm CNTT và các đơn vị nghiệp vụ liên quan khác đẩy mạnh các hoạt động chuẩn bị cho công tác phối hợp thu BHXH, xây dựng hạ tầng CNTT, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp,... nhằm thực hiện tốt Quy chế phối hợp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Nguồn Website BHXH VN

  • TIN BÀI LIÊN QUAN