Phát huy vai trò của báo chí trong tuyên truyền pháp luật BHXH, BHYT

23/06/2016 07:43 AM


Với chức năng thông tin, tuyên truyền, báo chí luôn đóng vai trò là người hướng dẫn, là cầu nối tuyên truyền đưa chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong đó có các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đến với nhân dân. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Website BHXH Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về vai trò của báo chí trong tuyên truyền pháp luật BHXH, BHYT.

bsLoi 200616.jpg
TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội


PV:
Thưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, là người nhiều năm gắn bó với chính sách BHXH, BHYT, ông có thể cho biết tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT?


Phó Chủ nhiệm Ủy ban VCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp đối với hội viên, đoàn viên của mình, nhằm thực thi chính sách, pháp luật có hiệu quả. Nhưng các cơ quan thông tấn, báo chí cũng có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT nhằm đảm bảo quyền về an sinh xã hội của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời gắn liền với hiệu quả thực thi các chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ BHXH, BHYT. Đặc biệt, các cơ quan báo chí còn phát hiện nhiều sai phạm, đề xuất các cơ quan Nhà nước xem xét xử lý bảo đảm quyền lợi cho người dân và phần nào còn có vai trò hướng dẫn chính sách pháp luật. Vai trò của báo chí ngày càng phát triển, mở rộng và được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

BHXH và BHYT là 2 chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, có tác động và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và toàn dân. Do đó, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, công tác tuyên truyền, giám sát việc thực thi pháp luật ngày càng được quan tâm và tổ chức thực hiện thường xuyên. Tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau:

- Thông qua hoạt động tuyên truyền, giám sát để thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật.

- Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật;

- Phát hiện những bất cập cả trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 đã xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT là nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu để thực hiện mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT”. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đang đặt mục tiêu, đến năm 2020, có 90% dân số tham gia BHYT.

PV:
Như chúng ta đã biết, tuyên truyền có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền thời gian qua đã phát huy hết được vai trò của mình trong công tác này chưa thưa ông?


Phó Chủ nhiệm Ủy ban VCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Hoạt động tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập, thể hiện:

- Hiệu quả công tác chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH của các cơ quan quản lý còn hạn chế, nặng tính hình thức, chưa thực hiện thường xuyên, liên tục; sự phối kết hợp chưa đồng bộ, kinh phí tuyên truyền hạn chế, cơ quan thông tấn, báo chí chưa được phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tổ chức thực hiện, để tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia thực hiện;

- Công tác tuyên truyền chưa đóng góp nhiều cho việc phát triển các loại hình BHYT, BHXH tự nguyện, để huy động xã hội tham gia;

- Chưa có mạng lưới cộng tác viên sâu rộng đến các cộng đồng dân cư; chưa xác định nhóm đối tượng cần tập trung trong tuyên truyền, vận động, các đại lý BHYT, BHXH chưa gắn nhiều với địa bàn;

- Chưa khai thác, phát huy mạnh mẽ được vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, cơ quan thông tấn, báo chí, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, BHXH vì vậy tỷ lệ người tham gia còn ít;

- Còn tình trạng nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ BHXH chưa chặt chẽ.

Nhìn chung, có thể nói hiệu quả tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của Đảng và Nhà nước về mục tiêu hướng tới BHYT toàn dân và mở rộng BHXH để bảo đảm an sinh xã hội. Chính bởi vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020 đã xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT là nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.

Bang Khen 200616.jpg
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương trao bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí

PV:
Trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT có những đặc thù riêng, điều này có là khó khăn đối với phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí không thưa ông?


Phó Chủ nhiệm Ủy ban VCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Qua thực tiễn giám sát về BHXH, BHYT, các kiến nghị giám sát luôn nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, BHXH. Do đó, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng, đổi mới mạnh mẽ cách thức và nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020với các yêu cầu cụ thể:

- Tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội, nhất là cấp uỷ, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương, nhất là việc chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tự nguyện.

- Có hình thức tuyên truyền về BHXH, BHYT phù hợp, trực tiếp với các nhóm dân cư khác nhau để người lao động và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT; về chính sách, quy trình thực hiện BHXH, BHYT.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT phải gắn chặt với mục tiêu phát triển đối tượng, coi đó như là một chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội. Để làm được điều này, cần xây dựng nội dung tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thực sự có chất lượng để nâng cao hiệu quả các cuộc tuyên truyền tại cơ sở, giúp người dân hiểu được tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT từ đó tích cực tham gia.

- Một trong những nhiệm vụ quan trọng là, cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giám sát pháp luật và động viên nhân dân chấp hành đúng pháp luật, nêu gương những điển hình tốt và phê phán những lệch lạc, sai phạm.

Do các yếu tố đặc thù nói trên, nên việc tuyên truyền về chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên phải thực sự am hiểu sâu sắc về chính sách, pháp luật thì việc tuyên truyền mới đạt hiệu quả.

PV: Qua thực tiễn giám sát về BHXH, BHYT, ông có đề xuất gì về công tác tuyên truyền BHXH, BHYT nói chung và với báo chí nói riêng trong thời gian tới?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VCVĐXH Bùi Sỹ Lợi:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa Luật BHXH, Luật BHYT vào cuộc sống trên cơ sở tổ chức thực hiện một cách căn cơ và nghiêm túc chính là đảm bảo ASXH cho người dân. Theo tôi, cần tập trung tuyên truyền một cách sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHXH, Luật BHYT đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và trước hết tập trung nâng cao nhận thức của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quy định trong Luật.

Nội dung tuyên truyền được xác định phải tương thích với đối tượng cần tác động. Các nội dung này nên được xác định thống nhất với một sự chỉ đạo chung, nhất quán theo một kế hoạch tổng thể từ sự thống nhất của các cơ quan quản lý như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế với BHXH Việt Nam. Khắc phục tính hình thức và dàn trải.

- Xác định một cách đầy đủ hơn vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể như Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, sự vào cuộc có hiệu quả của cơ quan thông tấn, báo chí... trong hoạt động tuyên truyền pháp luật về BHXH, BHYT. Sự phối hợp chặt chẽ có nội dung, kế hoạch, có chương trình hành động thiết thực sẽ tác động tốt đối với người lao động trong nhận thức cũng như trong việc chủ động tham gia các loại hình BHXH theo Luật định.

- Đổi mới các hình thức tuyên truyền tránh hình thức. Lựa chọn hình thức nào có kết quả theo đó, các cơ quan, tổ chức nên đánh giá lại hoạt động tuyên truyền này trong thời gian qua để có thể lựa chọn được các hình thức nào cần được tập trung hơn và mở rộng hơn trong thời gian tới.

Tôi đánh giá cao BHXH Việt Nam, năm 2015, đã tăng cường các hoạt động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT và xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. BHXH Việt Nam đã chủ động tổ chức ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2015-2020 với 04 cơ quan truyền thông quốc gia (gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân); ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2015- 2017 với 21 cơ quan báo chí khác; phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho các phóng viên và cán bộ của ngành tham gia công tác truyền thông. Đã thực hiện đăng tải được tổng số trên 4.000 phóng sự, phỏng vấn, phim tài liệu, chuyên mục, chuyên đề, đối thoại trực tiếp, tư vấn trực tiếp, show truyền hình, bài, tin,... trên sóng truyền hình, trên các báo, tạp chí của 42 đầu mối các cơ quan báo đài; tăng 8 lần so với năm 2014.

Để đạt được mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH và BHYT toàn dân theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, BHXH Việt Nam cần phải tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh vốn có của báo chí trong tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, đưa hai chính sách này càng thấm sâu vào trong đời sống nhân dân, làm chuyển biến nhận thức của toàn dân đối với quá trình xây dựng và phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.

Nguồn Website BHXH Việt Nam