Thực hiện cải cách hành chính về bảo hiểm: Ðặt quyền lợi của người dân trên trước

21/03/2016 12:28 AM


  Nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, các tổ chức, đơn vị, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015 được BHXH Việt Nam xác định là năm bản lề của công tác cải cách hành chính. Do đó, thời gian qua BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực BHXH, BHYT một cách đồng bộ từ việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho đến việc tổ chức thực hiện, đặc biệt trong lĩnh vực kê khai, thu, nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

 

Tập trung rà soát, cắt giảm các TTHC

Xác định cải cách TTHC - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH trong năm 2015. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016, BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cấp thiết này.

Năm 2015 được xác định là năm trọng tâm tiếp tục cải cách TTHC theo Nghị quyết 19/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp thực hiện cải cách hành chính nhằm cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

Cắt giảm thủ tục hành chính tạo sự thuận lợi cho người dân.

KCB 180216.jpg

Trên cơ sở rà soát từng thủ tục, chi tiết đến từng thành phần hồ sơ và tiêu chí trên các mẫu biểu, tờ khai, BHXH Việt Nam đã ban hành các Quyết định nhằm cắt giảm hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện của tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Để công tác rà soát TTHC đạt hiệu quả cao nhất, BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ rà soát hoạt động chuyên nghiệp (vận dụng mô hình của Tổ đề án 30) để rà soát tổng thể 115 TTHC. Với tư duy nhận thức, cách làm mới trên tinh thần đặt mình vào vị trí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC để rà soát từng thủ tục, chi tiết đến từng thành phần hồ sơ và tiêu chí trên các mẫu biểu, tờ khai để cắt giảm tối đa thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân. Cụ thể giảm từ 115 thủ tục xuống còn 33 thủ tục (chưa tính thủ tục về tham gia giao dịch điện tử). Sau đợt tổng rà soát các TTHC, BHXH Việt Nam đã công bố các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế, gồm: TTHC trong giao dịch điện tử; TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc 3 lĩnh vực: chi trả các chế độ BHXH, thực hiện chính sách BHXH, thực hiện chính sách BHYT; TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế thuộc lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Về số lượng hồ sơ (gồm biểu mẫu, tờ khai, đơn, công văn đề nghị) đã giảm 56% TTHC. Về chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu đã giảm 82% TTHC. Về quy trình, thao tác thực hiện đã giảm 78% TTHC.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ, do đó cắt giảm được thời gian, chi phí của cá nhân khi thực hiện TTHC về BHXH, BHYT. Theo đó, việc bãi bỏ thủ tục xác nhận chữ ký 6 tháng một lần của người hưởng chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM đã giúp khoảng 200 nghìn người hưởng chế độ không phải đi xác nhận chữ ký; việc bỏ mẫu đơn đề nghị, thanh toán chi phí KCB trực tiếp cũng giúp khoảng 500 nghìn người hưởng BHYT không phải khai đơn... qua đó tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho cá nhân và xã hội.

Mặt khác, BHXH Việt Nam cũng đã quy định nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để doanh nghiệp lựa chọn (giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính...); chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc theo hướng phục vụ, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC. Đặc biệt, ngày 29/9/2015, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giao dịch điện tử nhằm cắt giảm toàn bộ thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ của doanh nghiệp. Đến nay, một số tỉnh đã có 90% số doanh nghiệp sử dụng hình thức giao dịch BHXH điện tử như: Đồng Nai, Điện Biên, TP. Hồ Chí Minh, Sơn La... Trong 3 tháng cuối năm, BHXH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, rà soát các thủ tục hành chính và thay một số quy trình nghiệp vụ về giải quyết, chi trả các chế độ BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Trong đợt rà soát này, BHXH Việt Nam đã tuân thủ các nguyên tắc: Hạn chế tối đa việc khai báo của tổ chức, cá nhân trong kê khai BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; đơn giản hóa việc kê khai TTHC theo hướng người kê khai tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai, cơ quan BHXH tăng cường khâu hậu kiểm; hạn chế tối đa việc yêu cầu người kê khai lấy xác nhận của cơ quan nhà nước nếu xét thấy không cần thiết; tổ chức, cá nhân chỉ phải kê khai thông tin lần đầu và kê khai khi có thay đổi thông tin, không phải kê khai lại những thông tin đã cung cấp cho cơ quan BHXH; cơ quan BHXH có trách nhiệm sử dụng những thông tin đã có để phục vụ cho việc thẩm định và phê duyệt, không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải kê khai nhiều lần cho một nội dung; sử dụng các thông tin, kết quả của các cơ quan nhà nước khác theo cơ chế phối hợp liên thông, không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải đến kê khai lại thông tin mà tổ chức, cá nhân đã kê khai trước đó.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Bên cạnh việc thực hiện rà soát, cắt giảm TTHC, năm 2015, BHXH Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện tin học hóa trong quản lý, giải quyết các chế độ chính sách. Cụ thể như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 152/QĐ-TTg ngày 28/1/2015 phê duyệt dự toán thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH giai đoạn 2012 - 2015 để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành, sẵn sàng cho việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo chỉ đạo của Chính phủ; Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 9/3/2015 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành BHXH giai đoạn 2012-2015. Với việc thực hiện Kế hoạch được điều chỉnh, các dữ liệu về người tham gia BHXH, BHYT, BHTN sẽ được quản lý tập trung và liên thông từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó, sẽ cắt giảm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cho chính ngành BHXH.

Mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử tại cơ quan BHXH Việt Nam nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng tham gia, đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN; giảm thời gian và tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN; công khai các hoạt động của cơ quan BHXH Việt Nam.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tin học hóa BHYT, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai các nội dung được giao. Đến nay, đã thực hiện được một số công việc như: Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành bộ mã dịch vụ y tế dùng chung, chuẩn dữ liệu đầu ra cho các phần mềm quản lý khám bệnh, chữa bệnh; Xây dựng, thí điểm hệ thống kết nối và liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh ở cả 4 tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã  (hiện đang thí điểm ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng); Xây dựng nội dung và tổ chức tập huấn tại 63 tỉnh, thành phố về  phần mềm nghiệp vụ giám định…

Bên cạnh đó, với mục đích huy động các sáng kiến của cá nhân, tổ chức để cải cách các thủ tục hành chính của ngành, ngày 18/6/2015, BHXH Việt Nam đã phát động Cuộc thi Sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN. Những sáng kiến đạt giải sẽ được BHXH Việt Nam ứng dụng vào hoạt động thực tế của ngành.

Năm 2016, phấn đấu 100% đơn vị sử dụng lao động tham gia giao dịch điện tử

Để cắt giảm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT và BHTN, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phấn đấu thực hiện một số nhiệm vụ: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đó tập trung triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT; tiếp tục rà soát, cắt giảm các TTHC thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các Bộ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC nhằm đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT và BHTN cho cá nhân và tổ chức; phấn đấu trong năm 2016 đạt 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT và BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT qua giao dịch điện tử; tổng kết, trao giải Cuộc thi sáng kiến cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN đồng thời ứng dụng các sáng kiến có giá trị vào hoạt động thực tiễn của ngành; tăng cường công tác kiểm tra, thực thi công vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.

Mặc dù đã hết sức nỗ lực, song trong thực tế triển khai, BHXH Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: Nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến ứng dụng CNTT vào quản lý nên chưa tích cực triển khai giao dịch điện tử;  Một số đơn vị do cơ sở hạ tầng, nhân lực, máy móc, đường truyền mạng internet chưa đáp ứng được; Một số đơn vị có số lao động nhỏ, ít phát sinh tăng, giảm, quen sử dụng phương thức nộp hồ sơ giấy...ảnh hưởng đến kết quả triển khai giao dịch điện tử.

Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT mặc dù đã được đơn giản hóa song vẫn tồn tại nhiều bất cập nhưng việc sửa đổi, bổ sung chậm còn do vướng các quy định pháp luật hiện hành.

Việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung người tham gia BHXH, BHYT tốn nhiều công sức. Phần mềm giao dịch điện tử nhiều lúc hoạt động chưa ổn định, còn chậm cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện giao dịch điện tử.

Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức toàn ngành, BHXH Việt Nam rất mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân trên cả nước... nhằm thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT./.

B/v của ông Đỗ Mạnh Hà (Phó Trưởng ban Tuyên truyền, BHXH Việt Nam) đăng trên báo SKĐS