Ngành BHXH chủ động, tích cực triển khai thực hiện Luật BHXH (sửa đổi)

12/01/2016 08:09 AM


Luật BHXH (sửa đổi) đã chính thức có hiệu lực, nhưng vẫn còn đến 4/8 văn bản bản hướng dẫn thi hành Luật chưa được ban hành gây khó khăn cho cơ quan thực hiện chính sách. Tuy nhiên, dù phải “chờ” Nghị định, “đợi” Thông tư, nhưng toàn ngành BHXH đã chủ động vào cuộc thực hiện các quy định mới của Luật.

Văn bản hướng dẫn chậm ban hành

Ngành BHXH là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, nhưng đến thời điểm này, dù Luật đã có hiệu lực, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa ban hành đủ các văn bản hướng dẫn để ngành BHXH triển khai.

Thông thường, sau Nghị định của Chính phủ sẽ có Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và sau đó cơ quan BHXH Việt Nam sẽ xây dựng quy trình, phần mềm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ mới ban hành Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện; Nghị định 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Bộ LĐ-TB&XH mới ban hành Thông tư số 59/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.

Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Luật BHXH đã có hiệu lực ngày 1/1/2016 nhưng mới có 3 trong 7 Nghị định hướng dẫn Luật BHXH được ban hành, một loạt Thông tư hướng dẫn cũng chưa được ban hành nên cơ quan BHXH khó khăn trong thực hiện.

Bên cạnh đó, với các đối tượng tham gia BHYT được NSNN hỗ trợ như: Người nghèo, cận nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì Chính phủ mới phê duyệt kinh phí giai đoạn 2011- 2015.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi nhân dân

Về cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được NSNN hỗ trợ, ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời điểm cấp thẻ BHYT mới từ 1/1/2016 cũng trùng với thời điểm chuẩn nghèo mới được áp dụng. Hiện các địa phương đang tích cực điều tra xác minh lại nhóm đối tượng này. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam thống nhất cấp thẻ BHYT trên nền cũ của năm 2015 (khoảng 16 triệu người). Việc điều chỉnh theo chuẩn nghèo mới sẽ thực hiện chậm nhất vào quý III/2016.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Văn Sinh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, để chuẩn bị nguồn nhân lực đảm nhiệm chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định mới của Luật BHXH (sửa đổi), ngay trong năm 2015, ngành BHXH đã phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ triển khai đào tạo nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho trên 500 cán bộ làm công tác kiểm tra và công tác thu (trên 350 cán bộ kiểm tra và trên 150 cán bộ thu). Đội ngũ này có thể triển khai công tác kiểm tra ngay trong năm 2016 và sẽ bổ sung, phối kết hợp với lực lượng thanh tra chuyên ngành lao động. Cùng với đó, ngành BHXH đã tăng cường cải cách TTHC, đơn giản hoá các thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ người dân; giảm từ 115 TTHC xuống còn 33 thủ tục và được thực hiện ngay từ tháng 10/2015.

Là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách BHXH, thời gian qua BHXH tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền Luật BHXH (sửa đổi), trong đó trọng tâm tập trung vào những nội dung chính, những điểm mới, quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện chính sách. BHXH tỉnh và các đơn vị BHXH huyện phối hợp tổ chức các buổi đối thoại, trao đổi nhằm tuyên truyền Luật và giải đáp những vướng mắc của NLĐ, người SDLĐ trên địa bàn… Cán bộ BHXH thường xuyên nghiên cứu kỹ văn bản để hướng dẫn đơn vị những chính sách mới về BHXH. Đặc biệt, BHXH tỉnh tập trung rà soát các quy định của Ngành từ đó kiến nghị cắt giảm các thủ tục, biểu mẫu không cần thiết, đẩy nhanh ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho NLĐ, người SDLĐ khi tham gia BHXH.

Còn theo ông Nguyễn Trí Đại- Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền Luật BHXH (sửa đổi), cải cách TTHC cũng như đổi mới tác phong phục vụ của cán bộ BHXH, ngay từ giữa năm 2015, cán bộ làm công tác kiểm tra tại BHXH tỉnh đã tham gia khoá đào tạo nghiệp vụ thanh tra; tăng cường nghiên cứu văn bản về nghiệp vụ. Mặt khác, cơ quan BHXH thường xuyên phối hợp với Thanh tra Lao động, Thanh tra tỉnh đi thanh, kiểm tra các đơn vị, qua đó giúp cán bộ BHXH học hỏi cách làm, nghiệp vụ thực hiện… đồng thời cũng “sẵn sàng” khi được giao chức năng thanh tra việc đóng nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. “Hiện nay, việc thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) tại Hải Dương sẽ được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo chung của Ngành, đồng thời cơ quan BHXH đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng và thực hiện theo thang bảng lương mới”- ông Đại cho biết.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN