Nhiều khó khăn trong phát triển BHYT toàn dân

16/01/2016 07:47 AM


Năm 2015, BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người dân tham gia BHYT thuận lợi nhất.

Thứ trưởng- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh báo cáo về công tác thực hiện chính sách BHYT tại Hội nghị Tổng kết công tác y tế năm 2015 của Bộ Y tế

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng đơn giản tối đa các TTHC khi đăng ký BHYT theo hộ gia đình (người dân chỉt cần kê khai các thành viên trong hộ, không phải xuất trình bất cứ một loại giấy tờ, hồ sơ nào khác); tăng cường, củng cố, mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến UBND các xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị- xã hội và tổ chức kinh tế. Tính đến nay toàn quốc có 42.994 đại lý hoạt động (trong đó: 8.290 đại lý xã, 861 đại lý thu khác, 10.126 đại lý bưu điện, 23.171 đại lý trường học).

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2015, Thứ trưởng- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Đến ngày 31/12/2015, số người tham gia BHYT đạt 69,973 triệu người, tăng 4,4 triệu người so với năm 2014, bao phủ 76,52% dân số, vượt 1,52% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có 9 địa phương có tỉ lệ bao phủ BHYT trên 90% là Điện Biên (98,22%), Lào Cai (97,8%), Thái Nguyên (96,13%); Hà Giang (96,13%); Đà Nẵng (93,74%), Tuyên Quang (93,22%), Cao Bằng (92,01%), Lai Châu (91,86%), Bắc Kạn (91,04%). 10 địa phương có tốc độ tăng đối tượng cao từ 15%- 27% so với năm 2014 là Bạc Liêu (27,1%), Phú Yên (21,38%), Cà Mau (19,79%), Đắc Nông (18,17%), Quảng Bình (17,76%), Bình Định (17,44%), Cần Thơ (17%), Tây Ninh (15,45%); Quảng Ngãi (15,36%) Hà Nam (15,35%).

Trong năm vừa qua, UBND nhiều tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng cận nghèo… “Tuy nhiên, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình và NLĐ thuộc các DN lại là những đối tượng thuộc nhóm tỉ lệ bao phủ thấp. Công tác cấp BHYT cho người dân ở các vùng núi, xã đảo, vùng biển còn gặp nhiều khó khăn và thực hiện chậm”- bà Minh nhận định.

Nhận định về vấn đề này, bà Tống Thị Song Hương- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho rằng: Việc mở rộng độ bao phủ BHYT trong thời gian tới vẫn sẽ còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt còn gần 25% dân số chưa tham gia BHYT. Cụ thể, việc cấp thẻ BHYT, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo từ 1/1 chưa được thực hiện do các địa phương vẫn đang trong giai đoạn rà soát, thống kê lập danh sách. Tỉ lệ tham gia BHYT hộ gia đình ở các đối tượng hộ gia đình cận nghèo còn thấp, dù đối tượng này đã được hỗ trợ 70% mức đóng nhưng với họ 30% số còn lại vẫn đang ở mức cao.

Cùng với đó, nhiều địa phương chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành việc xác định đối tượng, lập danh sách tham gia cho đối tượng BHYT thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Mặt khác, một số thành viên hộ gia đình không tham gia BHYT dẫn đến không phát hành thẻ BHYT cho các thành viên khác, gây ảnh hưởng đến quyền lợi tham gia BHYT cá nhân. Ngoài ra, tình trạng DN nợ đóng, trốn đóng BHYT vẫn diễn ra phổ biến và kéo dài nhiều năm qua, chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Để tiến tới BHYT toàn dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Giai đoạn 2016- 2020, ngành Y tế tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, hoàn thành việc chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, y tế cơ sở, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS, người dân sinh sống ở vùng khó khăn, ĐBKK tham gia BHYT, thực hiện BHYT theo hộ gia đình nhằm tăng độ bao phủ, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, giảm tỉ trọng chi tiêu tiền túi xuống dưới 40% tổng chi cho y tế vào năm 2020.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn