Năm 2015 ngành BHXH đã quản lý tốt quỹ BHXH

26/01/2016 07:35 AM


Tiếp tục Chương trình làm việc với các bộ, ngành về giám sát tình hình thực chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2015, sáng 26/1 dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với BHXH Việt Nam và BHXH thành phố Hà Nội.

Báo cáo tình hình tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết: Ngay sau khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua, BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn trước ngày 1/7/2015 để BHXH Việt Nam có căn cứ xây dựng các văn bản và phần mềm hỗ trợ thực hiện thực hiện Luật BHXH.

Cơ quan BHXH đã kịp thời phát hiện những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về BHXH liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ phản ánh, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu. Cụ thể, BHXH Việt Nam đã báo cáo phản ánh lương hưu thấp của giáo viên mầm non kịp thời đề xuất tháo gỡ về mức đóng- hưởng đối với người tham gia BHXH tự nguyện; báo cáo tình hình thực hiện chính sách đối với chủ nhiệm HTX theo Quyết định 250/QĐ-TTg; tham gia dự thảo Tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2013 quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên…

Cùng với đó, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được BHXH Việt Nam chú trọng. Trong năm 2015, tổng số người tham gia BHXH cả nước là trên 12,290 triệu người, tăng 644.530 người (tăng 5,53% so với năm 2014). Có 283.244 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc (tăng 7,3% so với năm 2014), tương ứng tăng 19.249 đơn vị; số người tham gia BHXH tự nguyện là 225.003 người, tăng 16,38%; số người tham gia BH thất nghiệp tăng 11,58% so với năm 2014.

Nhận định về khó khăn của việc chi trả qua bưu điện trên địa bàn, bà Huỳnh Thị Mai Phương- Phó Giám đốc BHXH TP. Hà Nội cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì việc chi trả qua bưu điện cũng còn khó khăn. Đó là nhân viên bưu điện nắm bắt chế độ chính sách BHXH, BHYT chưa sâu nên giải thích còn hạn chế; các bưu điện thực hiện quyết toán chi lương hưu với BHXH còn chậm, một số nhân viên bưu điện tự ký vào bảng lương…

Tại cuộc họp, các đại biểu đề xuất cơ quan BHXH cũng như các bộ ngành cần phân loại đơn vị nợ cũng như có đề xuất kiến nghị để Chính phủ khoanh nợ với 22.237 đơn vị đã giải thể, phá sản; cập nhật tình hình lao động đang tham gia vào thị trường cũng như đánh giá việc thực hiện chi trả trợ cấp BH thất nghiệp; tình hình hưởng trợ cấp BHXH một lần trước khi nghỉ hưu; việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện…

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định: Năm 2015 ngành BHXH có những bước chuyển mình rõ rệt, thay đổi cả về chất lượng và số lượng; đã chủ động đề xuất xây dựng các văn bản thực hiện chính sách đảm bảo quyền lợi NLĐ; đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng lên và nguồn thu quỹ BHXH cũng dần tăng, công tác quản lý quỹ tốt, không xảy ra sai sót cũng như đã thực hiện công khai theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, năm 2015, ngành BHXH đã tăng cường hiện đại hóa CNTT. “Với nhiệm vụ ngày càng tăng, BHXH Việt Nam cần đề xuất biên chế, trong đó tính toán tính đề án vị trí việc làm, có thể tăng biên chế ở một số vị trí nhất định. Mặt khác, cơ quan BHXH cũng cần tập trung phân tích, đánh giá đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, cán bộ xã chuyên trách cũng như đối tượng lao động có HĐLĐ từ 1- 3 tháng…”- ông Lợi đề xuất.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN