Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách, pháp luật của Báo chí

30/12/2015 09:53 AM


Sáng nay (30/12/2015), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh chủ trì hội nghị.

Năm 2015, các cơ quan báo chí toàn quốc đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; tập trung vào các nội dung như: tuyên truyền thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tuyên truyền về các ngày lễ lớn của đất nước; có nhiều bài viết cổ vũ việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tích cực đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa, thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế…

Tại hội nghị, một số đại biểu đến từ các cơ quan báo chí trình bày tham luận xoay quanh vấn đề tổ chức tuyên truyền tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XII; chống lại các luận điệu phản động, chống “diễn biến hòa bình”; định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh phải cạnh tranh thông tin từ mạng xã hội; đẩy mạnh việc tổ chức truyền thông đa phương tiện … Từ vụ việc liên quan đến Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi), nhà báo Lê Quang Minh, Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá: báo chí chưa thực sự chủ động trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, chưa làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội. Liên quan đến Luật BHXH là một ví dụ, các cơ quan báo chí, trong đó có VTV, chỉ thực sự quan tâm, xây dựng nhiều chương trình, tác phẩm báo chí về Luật này khi đã xảy ra vụ việc tại công ty Pouyuen vào tháng 3/2015, tại TP. Hồ Chí Minh. Cũng từ đây, nhà báo Lê Quang Minh đề nghị cần xây dựng nhiều hơn nữa các chương trình, tác phẩm báo chí có sự phân tích, bình luận chuyên sâu, định hướng dư luận xã hội, nhất là với các vấn đề nóng của đất nước. Các Bộ, ngành cũng phải tích cực cung cấp thông tin, tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan báo chí.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác báo chí năm 2015, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: trong năm 2016 cũng như giai đoạn 2016-2020, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong quá trình phát triển đất nước; tập trung tuyên truyền cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia… Bài học kinh nghiệm quản lý báo chí trong năm qua phải tiếp tục phát huy, tăng cường các bài viết về mô hình điển hình, gương người tốt, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; hạn chế tối đa tin, bài giật gân câu khách. Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch và phát triển quản lý báo chí đến năm 2025, tạo thuận lợi cho đội ngũ những người làm báo tiếp tục cống hiến, đóng góp và sự phát triển chung của đất nước.

Theo thống kê, trong năm 2015, cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 105 báo chí, tạp chí điện tử, 67 Đài Phát thanh, truyền hình. Hiện có khoảng trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011; trên 5000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 35.000 (tăng trên 3.000 so với năm 2011).

Nguồn TC BHXH