BHXH tỉnh Phú Yên: Năm 2015, tổ chức kiểm tra và phối hợp thanh, kiểm tra 188 đơn vị

29/12/2015 09:43 AM


Năm 2015, BHXH tỉnh Phú Yên tổ chức kiểm tra và phối hợp thanh, kiểm tra 188 đơn vị, gồm: 05 BHXH huyện, 93 đơn vị sử dụng lao động, 07 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, 58 đại lý thu và 25 đại diện chi trả lương hưu.

Qua các cuộc kiểm tra và phối hợp thanh, kiểm tra, đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm pháp luật về lao động và BHXH, chủ yếu là trốn đóng BHXH, nợ đọng BHXH kéo dài, đóng BHXH không đúng thời gian, không đúng mức đóng, nhiều lao động làm việc chưa được chủ doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH, quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo theo đúng Luật. Kết quả, cơ quan BHXH đã xử lý thu được trên 1,8 tỷ đồng trên tổng số 2,5 tỷ đồng tiền nợ đọng BHXH của 42 doanh nghiệp; yêu cầu 16 doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH cho 158 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; truy thu một số trường hợp không đóng BHTN, đóng BHXH không đúng thời gian làm việc theo hợp đồng lao động, đóng BHXH không đúng mức đóng, hầu hết các doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH bằng mức lương tối thiểu vùng không đúng với mức lương thực tế, thậm chí tại một số doanh nghiệp người lao động làm công việc nặng nhọc độc hại hoặc công việc đã qua đào tạo nhưng đơn vị đóng BHXH cho người lao động với mức lương tối thiểu không cộng thêm 5%, 7%...

Đặc biệt, một bộ phận doanh nghiệp ”lách luật” hoặc ”vận dụng Luật một cách hợp lý” trong việc đăng ký tham gia BHXH cho người lao động, nhiều trường hợp ký hợp đồng lao động ngắn hạn dưới 03 tháng để không thuộc đối tượng tham gia BHXH; đóng BHXH thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng (đúng Luật); đăng ký đóng BHXH tượng trưng một vài lao động để có điều kiện tham gia đấu thầu cạnh tranh... thậm chí, doanh nghiệp đổ thừa người lao động không muốn tham gia BHXH (vận dụng quan hệ 03 bên trong việc tham gia BHXH theo Luật) dẫn đến thiệt thòi chp người lao động hay nói cách khác, quyền lợi của người lao động còn chông chênh, chưa được đảm bảo theo quy định của Luật. Từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân phổ biến vẫn do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên chưa thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH; ngay cả việc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, thanh tra cũng còn khó khăn, bế tắc.

Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, đóng BHXH không đúng quy định vẫn tiếp tục diễn ra thì về lâu dài người lao động không được thụ hưởng chế độ hưu trí hoặc thụ hưởng với mức lương hưu thấp, cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn. Các cấp, các ngành cần nghiên cứu tham mưu Chính phủ có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và có cơ chế quản lý để các doanh nghiệp thực thi tốt chính sách BHXH, BHYT cho người lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có quy định cụ thể về đăng ký đóng BHXH và mức đóng BHXH đối với các doanh nghiệp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm nêu trên để chính sách BHXH thật sự là trụ cột chính trong hệ thống chính sách An sinh xã hội, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, An sinh xã hội một cách bền vững./.

Nguồn TC BHXH