BHXH Việt Nam: Thiết lập hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát TTHC

10/12/2015 07:52 AM


Thực hiện giao dịch "một cửa" tại BHXH TP. Hà Nội Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa ký Quyết định số 1450/QĐ-BHXH ngày 03/12/2015 về Thiết lập hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính từ các đơn vị trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương; BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tới BHXH quận, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh.

Theo đó, Quyết định số 1450/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế cho Quyết định số 1098/QĐ-BHXH ngày 20/11/2011 của BHXH Việt Nam về Thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các Ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam.

Hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính

Hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính bao gồm: Tất cả công chức, viên chức thuộc Ban Pháp chế; Ban Thu, Ban Tài chính – Kế toán, Ban Sổ - Thẻ, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Ban Tổ chức cán bộ (mỗi đơn vị tối thiểu 02 cán bộ); các đơn vị khác trực thuộc cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương (mỗi đơn vị tối thiểu 01 cán bộ). BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí tối thiểu 04 cán bộ tại Văn phòng BHXH tỉnh, Phòng Tiếp nhận và Trả kết quả thủ tục hành chính, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kiểm tra; còn BHXH quận, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh sẽ có tối thiểu 01 cán bộ.

Nhiệm vụ của công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính

Công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thực hiện:

(1) Kiểm soát thủ tục hành chính: Đánh giá sự tác động của thủ tục hành chính về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp và tính hiệu quả trước khi ban hành; thẩm định quy định về thủ tục hành chính.

(2) Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính: Công bố thủ tục hành chính; niêm yết công khai thủ tục hành chính; giải quyết thủ tục hành chính; kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính.

(3) Rà soát thủ tục hành chính: Đánh giá, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thủ tục hành chính.

(4) Tiếp nhận, xử lý, phản ánh kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam căn cứ nhiệm vụ (1), (3), (4); Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc BHXH quận, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh căn cứ nhiệm vụ (2), (3), (4) để giao nhiệm vụ cụ thể cho công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính thuộc đơn vị quản lý.

Thẩm quyền phê duyệt danh sách công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chínhTổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định phê duyệt danh sách công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Ban Pháp chế.

Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quyết định phê duyệt danh sách công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính và gửi về Ban Pháp chế để tổng hợp, theo dõi.

Giám đốc BHXH tỉnh quyết định phê duyệt danh sách công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Văn phòng BHXH tỉnh và gửi về Ban Pháp chế để tổng hợp, theo dõi.

Ngoài ra, tại Quyết định số 1450/QĐ-BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao Ban Pháp chế tổng hợp danh sách công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính trình Tổng Giám đốc xem xét, quyết định phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định của BHXH Việt Nam về công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính đối với các đơn vị trong toàn Ngành. Giao Ban Tổ chức cán bộ phối hợp với Ban Pháp chế, đề xuất Tổng Giám đốc việc thiết lập (hoặc bãi bỏ) hệ thống công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam. Giao Ban Tài chính – Kế toán phối hợp với Ban Pháp chế, Ban Tổ chức cán bộ tham mưu, đề xuất Tổng Giám đốc việc thực hiện chi trả chế độ đối với công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định.

Nguồn TC BHXH