Thực hiện chính sách BHYT: Những nhiệm vụ trọng tâm

03/12/2015 09:47 AM


Từ ngày 2-4/12, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ giám định BHYT cho các tỉnh phía Bắc và BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân…

Thực hiện nhiều chính sách mới

Theo ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), năm 2016, việc thực hiện chính sách BHYT nói chung, công tác giám định BHYT nói riêng sẽ có không ít khó khăn do nhiều quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2014) bắt đầu có hiệu lực.

Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng

Ngày 25/11 vừa qua, BHXH Việt Nam đã có công văn số 4718/BHXH-CSYT, nêu rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách BHYT năm 2016. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phát triển đối tượng tham gia BHYT. BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH CAND, Trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc và phía Nam chủ động phối hợp với các sở, ngành tại địa phương, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết để phát triển đối tượng tham gia BHYT theo các nội dung đã được hướng dẫn tại Công văn số 4475/BHXH-BT ngày 11/11/2015 của BHXH Việt Nam, phấn đấu đạt chỉ tiêu độ bao phủ 75,4% dân số có thẻ BHYT theo Quyết định 1584 ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở KCB tổ chức việc đăng ký KCB ban đầu cho người tham gia BHYT; Chuẩn bị tốt về mọi mặt để triển khai thực hiện việc KCB thông tuyến huyện trong địa bàn tỉnh theo Luật BHYT 2014; Phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác KCB BHYT với các cơ sở KCB trên địa bàn, tổ chức ký kết hợp đồng KCB BHYT năm 2016, hoàn thành trước ngày 31/12/2015; Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tin học hóa BHYT, triển khai, thực hiện ứng dụng CNTT trong giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT.

BHXH Việt Nam lưu ý các địa phương tổ chức thực hiện phương pháp giám định tập trung theo tỉ lệ đã được Chính phủ cho phép triển khai trên phạm vi cả nước theo đúng các quy định tại Quy trình giám định BHYT do BHXH Việt Nam ban hành. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám định chi phí KCB BHYT, ngăn ngừa, phòng chống các biểu hiện gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT trong quá trình KCB. Phối hợp với các cơ sở KCB rà soát và đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện cải cách TTHC trong KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT; Chủ động tham gia có hiệu quả vào toàn bộ quá trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp luật (kể cả xây dựng kế hoạch và thẩm định kế hoạch thầu).

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo đúng các yêu cầu về nội dung, thời gian đã quy định; Xây dựng kế hoạch giao ban, tập huấn định kỳ về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giám định BHYT. Báo cáo BHXH Việt Nam nhu cầu đào tạo, tập huấn giám định viên tại địa bàn để có kế hoạch hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

Tập trung phát triển đối tượng

Đề cập các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ này, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: 10 nhiệm vụ này cần phải được thực hiện đồng bộ với sự tham gia của tất cả các phòng nghiệp vụ, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất tại từng địa bàn.

Đặc biệt lưu ý nhiệm vụ phát triển đối tượng, ông Sơn cho rằng đây là vấn đề “sống còn” trong thực hiện chính sách. Mục tiêu này đã được đặt ra trong Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa trong Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT 2014…

Báo cáo của Ban Thực hiện chính sách BHYT cho thấy, tính đến tháng 10/2015, chúng ta đã có 73,56% dân số tham gia BHYT. Để đạt chỉ tiêu 75,4% được Chính phủ đặt ra trong năm 2015, nhiệm vụ trong tháng cuối năm vẫn cần tăng độ bao phủ thêm 1,84% dân số. Trong các nhóm đối tượng tham gia BHYT, tỉ lệ thấp nhất là ở nhóm hộ gia đình nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình (hiện mới chỉ có 4,1% đã tham gia), tiếp đến là nhóm tham gia theo hộ gia đình (33,5% tham gia)...

Theo ông Sơn, giải pháp đầu tiên cần thực hiện là BHXH các địa phương phải gấp rút xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về phát triển đối tượng BHYT; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, kết hợp thanh tra kiểm tra thực hiện chính sách BHYT tại các DN, đơn vị SDLĐ. Tập trung phát triển BHYT HSSV tại các địa phương có tỉ lệ thấp. Nghiêm túc thực hiện đơn giản hóa TTHC, không được phát sinh thêm các thủ tục cho người dân khi tham gia BHYT, KCB BHYT.

Phản ánh thực tế là trong số 28 tỉnh, thành phố có biển đảo, hiện mới có tỉnh Quảng Nam trình Chính phủ công nhận các xã, huyện đảo của địa phương để làm căn cứ phát hành thẻ BHYT cho nhóm đối tượng này, ông Sơn yêu cầu các địa phương khẩn trương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Chính phủ ban hành quyết định công nhận xã đảo, huyện đảo, vùng bãi ngang…

Ngoài ra Ban Thực hiện chính sách BHYT cũng đặc biệt lưu ý cơ quan thực hiện chính sách tại địa phương cần đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện đăng ký KCB ban đầu, và cả trong chuẩn bị các điều kiện thực hiện thông tuyến huyện vào năm 2016 theo lộ trình đã đặt ra trong Luật BHYT 2014…

Nguồn baobaohiemxahoi.vn