Bộ Y tế và BHXH Việt Nam giao ban công tác thực hiện chính sách BHYT quý III/2015

05/11/2015 02:51 AM


Sáng 04/11/2015, tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam họp giao ban công tác thực hiện chính sách BHYT Quý III/2015. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh, Nguyễn Minh Thảo cùng lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Theo báo cáo tổng hợp của Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, tính đến tháng 09/2015, số đối tượng tham gia BHYT khoảng 67,4 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73,91% dân số. Tính đến 30/09/2015, có 94,058 triệu lượt người khám, chữa bệnh với tổng số tiền là 34.547 tỷ đồng, tăng 17% so với 09 tháng đầu năm 2014.

Năm 2015 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp tổ chức các hội nghị triển khai thực hiện và thực hiện Kế hoạch số 82/KH-BYT ngày 28/01/2015 về việc kiểm tra việc triển khai thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố. Qua kiểm tra cho thấy, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Y tế tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy và Kế hoạch triển khai thực hiện Luật BHYT trên địa bàn. Tính đến ngày 30/09/2015, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, quyết định, công văn về việc triển khai Luật BHYT, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến từng huyện, xã. UBND các tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT từ tỉnh đến huyện.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 về tăng cường thực hiện BHXH và BHYT; Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tích cực triển khai thực hiện, phấn đấu năm 2015 đạt trên 75% dân số có thẻ BHYT như Quyết định của Thủ tướng giao.

Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của BHXH các tỉnh, thành phố, tỉ lệ chưa tham gia BHYT tập trung tại các nhóm là người lao động và người sử dụng lao động chiếm 21,7%, tương ứng 03 triệu người. Nhóm ngân sách nhà nước chiếm 3,3% tương ứng 01 triệu người. Nhóm đối tượng đóng, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng chiếm 21,9% tương ứng hơn 04 triệu người. Đối tượng hộ gia đình có tới 67,4%, tương ứng 16,2 triệu người. Báo cáo nêu rõ nguyên nhân nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT là do tình trang doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHYT diễn ra khá phổ biến, theo thống kê có trên 40% doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT; nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc kinh doanh không có lãi, không ít doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mùa vụ nên số lao động không ổn định. Nhóm đối tượng học sinh, sinh viện mặc dù đã được tạo điều kiện  thuận lợi về phương thức đóng BHYT (đóng 02 lần hoặc 03 lần/năm học) nhưng vẫn còn nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhiều gia đình đông còn nên không thể tham gia BHYT. Đối với người thuộc hộ gia đình làm ruộng, lâm, ngư và diêm nghiệp: đối tượng này chiếm khoảng 35% trên tổng sô hộ gia đình, mặc dù thủ tục xác định thuận lợi và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhưng hầu như người dân chưa biết đến chính sách này. Đối tượng hộ gia đình thì thu nhập không ổn định, nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn mang tư tưởng khi có bệnh mới mua thẻ BHYT…

Để đạt được số người tham gia trên, Trưởng Ban thực hiện chính BHYT Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: chỉ tiêu Chính phủ giao cho UBND các tỉnh, thành phố trong năm 2015 là phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 75,4%, do đó, nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm 2015 là cần phát triển diện bao phủ BHYT thêm 1,49% dân số, tương đương với khoảng hơn 1,3 triệu người. Đề xuất giải pháp đối với việc thực hiện bao phủ BHYT, Trưởng Ban thực hiện chính BHYT Phạm Lương Sơn cho rằng, cần tập trung phát triển nhóm đối tượng học sinh, sinh viên tại các tỉnh đang có tỷ lệ bao phủ thấp (tỷ lệ tham gia BHYT dưới 80%) như Bạc Liêu (66,9%), Bình Phước (77,1%), Cà Mau (77,5%), Cao Bằng (74,2%), Đắk Nông (72,4%), Đồng Tháp (78,3%), Quảng Trị (60,9%), Sóc Trăng (47,7%), Thanh Hóa (65,5%0, Yên Bái (53,9%); đồng thời mở rộng đối tượng BHYT hộ gia đình. Nếu các tỉnh này nâng tỷ lệ bao phủ nhóm đối tượng trên lên 80% thì sẽ đạt được chỉ tiêu bao phủ BHYT do Chính phủ giao năm 2015.

Để tháo gỡ các khó khăn và phấn đấu đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng trong năm 2015, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, Ngành liên quan xây dựng và sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung; Đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật BHYT trong 09 tháng đầu năm 2015. Cùng với đó, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2015, BHXH Việt Nam tập trung chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHYT; khẩn trưởng thực hiện tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về BHYT; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính…

Tại cuộc họp, công tác tuyên truyền chính sách BHYT; tình hình thực hiện phát triển BHYT, kê khai, lập danh sách tham gia BHYT hộ gia đình; tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin khám, chữa bệnh BHYT được báo cáo chi tiết với lãnh đạo hai ngành. Đồng thời, các nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng BHYT, thanh toán BHYT, quản lý thuốc; xếp hạng bệnh viện tư nhân; ứng dụng công nghệ thông tin; việc thông tuyến huyện khi khám, chữa bệnh BHYT từ năm 2016… được thảo luận, đánh giá rõ những thuận lợi, khó khăn, đề ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, BHXH Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chính sách BHYT. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT… đang triển khai và bước đầu có kết quả tốt. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đề nghị Bộ Y tế khẩn trương đẩy mạnh công tác chỉ đạo các hoạt động thuộc thẩm quyền để việc thực hiện chính sách BHYT được thuận lợi.BHXH Việt Nam cũng sẽ tăng cường phối hợp, linh hoạt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng đối tượng tham gia BHYT bền vững, phấn đầu đạt mục tiêu 75% vào cuối năm 2015  theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều kênh khác nhau, nâng cao hiệu quả thực hiện BHYT theo hộ gia đình… Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh mong muốn Bộ Y tế sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường việc kiểm tra, hạn chế việc trục lợi Quỹ BHYT.

Đồng thuận với ý kiến của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ chỉ đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế khẩn trương, linh hoạt tìm giải pháp tháo gỡ một số hạn chế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thời gian tới, việc phát triển đối tượng phải được thực hiện quyết liệt hơn, tập trung vào nhóm tham gia theo BHYT theo hộ gia đình, học sinh, sinh viên… Hiện nay, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc truyền thông, giao lưu trực tuyến với người dân, qua đó đã trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách BHYT. Tuy nhiên để nhân dân hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHYT để tích cực tham gia thì cần đẩy mạnh tuyên truyền gắn với thông điệp cụ thể đối với từng đối tượng. Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với quyền lợi  của người tham gia BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm trong Quý VI năm 2015 là phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 75%, hai ngành thống nhất tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT. Đồng thời tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật, thực hiện các quy định về khám, chữa bệnh, thanh quyết toán chi phí BHYT. Song song với đó, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thiện các Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hiện hành, cũng như hoàn thiện, trình ban hành các Thông tư mới để đảm bảo có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Tập trung tuyên truyền, vận động tăng tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình, tăng tỷ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng cận nghèo, nông dân có mức sống trung bình, người lao độngtrong các doạnh nghiệp, học sinh, sinh viên./.

Nguồn TC BHXH