Thực hiện Luật BHYT ở Tuyên Quang: Vẫn còn nhiều khó khăn

03/11/2015 08:13 AM


Sau hơn nửa năm thực hiện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, cũng nảy sinh một số bất cập, khó khăn...

vTheo ông Phạm Đình Chính- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tuyên Quang, việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT 2014) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ đã được BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố triển khai đồng bộ, đúng quy định, đặc biệt là việc tham gia đấu thầu mua thuốc và vật tư y tế phục vụ cho việc KCB BHYT; xây dựng giá dịch vụ y tế của BV hạng I.

KCB BHYT tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang

BHXH tỉnh đã thanh toán theo định suất đối với cơ sở KCB tuyến huyện và tương đương trở xuống; tăng cường công tác giám định tương đối chặt chẽ, nên kể cả một số cơ sở y tế tuyến tỉnh cũng không vượt quỹ nhiều. Nhiều BV đã có ý thức chấp hành khá tốt Luật BHYT cũng như các quy định khác liên quan; tinh thần thái độ phục vụ người bệnh cũng được chú trọng nâng cao, nên đã từng bước đáp ứng được sự hài lòng của người bệnh.

Nhiều bệnh nhân BHYT được thanh toán chi phí KCB với số tiền hàng chục triệu đồng, đơn cử như: Bà Vũ Thị Nhâm (xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên) được thanh toán 86,8 triệu đồng; bà Vũ Thị Huyền (Mỹ Bằng, Yên Sơn) được thanh toán 83,7 triệu đồng; ông Đào Văn Xuân (Vĩnh Lợi, Sơn Dương) được thanh toán 76,9 triệu đồng; chị Nguyễn Thúy Hoa (TP.Tuyên Quang) được thanh toán 70,2 triệu đồng; em Hà Văn Sỹ (Yên Thuận, Hàm Yên) được thanh toán 54,9 triệu đồng…

Tuy nhiên, ông Chính cũng cho biết, việc triển khai thực hiện Luật BHYT 2014 cũng còn khó khăn, vướng mắc. Như việc lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT (đối với các đối tượng được NSNN hỗ trợ) từ cấp cơ sở (xã, phường) còn chậm; thông tin còn thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến việc quyết toán nguồn kinh phí KCB. Đồng thời, một số cơ sở KCB ký kết quả cận lâm sàng chưa đúng quy định của Bộ Y tế, nên không được thanh toán, do đó, BHXH tỉnh phải phối hợp với Sở Y tế trình Bộ Y tế giải quyết.

Công tác đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế cũng còn gặp nhiều bất cập như: 15 cơ sở KCB phát hành hồ sơ yêu cầu mua sắm trực tiếp (theo kết quả trúng thầu đại diện của BVĐK tỉnh), song còn lúng túng trong quá trình mua sắm thuốc. Một số mặt hàng trúng thầu số lượng ít, vận chuyển xa, nhà thầu cung ứng chậm, gây khó khăn cho cơ sở KCB trong việc đảm bảo nguồn thuốc phục vụ người bệnh BHYT.

Mặt khác, việc áp dụng kết quả thầu đại diện của BVĐK tỉnh để mua sắm trực tiếp đối với các cơ sở KCB khác chưa phù hợp, vì việc sử dụng thuốc tại mỗi cơ sở KCB khác nhau theo tuyến chuyên môn kỹ thuật cũng như số lượng sử dụng thực tế. Trong khi đó, thuốc và vật tư y tế khó mua hoặc không mua được, dẫn đến quyền lợi của người bệnh BHYT bị ảnh hưởng…

Bên cạnh đó, phần mềm thống kê chi phí KCB BHYT chỉ đáp ứng yêu cầu thống kê tại tuyến xã (do chi phí không có phần cùng chi trả), còn từ tuyến huyện trở lên thực hiện nhập dữ liệu trên file excel và giám định viên BHYT tổng hợp báo cáo trên file này, nên để thống kê được phải chờ nâng cấp phần mềm.

Tại Tuyên Quang, nguồn nhân lực làm công tác giám định BHYT còn thiếu và chưa đồng bộ; một số cán bộ có kinh nghiệm xin chuyển công tác, trong khi số giám định viên mới tuyển dụng lại chưa thể đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ; công việc thường xuyên bị quá tải, gây khó khăn và áp lực lớn cho đội ngũ giám định viên. Hiện nay, cả tỉnh Tuyên Quang có 14 giám định viên, trong khi cần ít nhất 21 người.

Để hoàn thành nhiệm vụ, BHXH tỉnh Tuyên Quang đã và đang tập trung kiện toàn hệ thống đại lý thu BHYT; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; tiếp tục phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chế độ chính sách BHYT…

Nguồn baobaohiemxahoi.vn

  • TIN BÀI LIÊN QUAN