Thực hiện chính sách BHXH, BHYT: Nhiều vấn đề được quan tâm
03/11/2015 07:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 3/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cộng tác viên dư luận xã hội cấp Đảng ủy Khối. Phó Bí thư Đảng ủy Khối Trần Hồng Hà và Ủy viên Ban cán sự, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh đồng chủ trì Hội nghị.
Những vấn đề “nóng”…
Một trong những nội dung về chính sách BHXH, BHYT thu hút sự chú ý của dư luận thời gian qua là những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Đáng chú ý là việc sửa đổi Luật BHXH đã khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật BHXH hiện hành và tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện, tiến tới BHXH cho mọi NLĐ. Tương tự, những điều chỉnh của Luật BHYT theo hướng tăng quyền lợi cho người bệnh khi đi KCB BHYT góp phần giảm gánh nặng chi phí KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế (DVYT) với một số đối tượng như: người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội, nhất là trường hợp mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính…
Về việc điều chỉnh giá DVYT sắp tới, ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) ước tính: Chi phí giá tăng do tăng giá dịch vụ KCB BHYT năm 2015 là khoảng 550 tỷ đồng và năm 2016 khoảng 13.151 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo mức giá tính đủ 5/7 yếu tố chi phí, ước tính quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được hết năm 2017, nên từ nay đến năm 2017 chưa đặt vấn đề điều chỉnh mức đóng BHYT. Đến năm 2018, khi đã tính đủ 7 cấu phần chi phí vào giá DVYT thì mới cân nhắc đến việc có điều chỉnh mức đóng hay không. Theo Luật, trần thu phí BHYT được Quốc hội cho phép là 6% lương cơ sở, nhưng hiện mới đang thu 4,5%.
Việc hoàn thiện pháp luật BHXH, BHYT mang đến những thời cơ, vận hội mới đối với BHXH Việt Nam, song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn như: Mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT; hiện đại hóa quản lý BHXH; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; bảo toàn, tăng trưởng các quỹ BHXH…
Thay mặt lãnh đạo Ngành, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh: Thông qua hội nghị này, BHXH Việt Nam có điều kiện thông tin, truyền thông giúp cho cán bộ làm công tác tuyên giáo nói chung và cộng tác viên dư luận xã hội của Đảng ủy khối cơ quan Trung ương hiểu sâu hơn về ngành BHXH, nhằm tăng cường sự hợp tác, chia sẻ thông tin.
Báo cáo một số kết quả, hoạt động nổi bật của Ngành trong thời gian qua, Phó Tổng giám đốc Đỗ Văn Sinh cho biết, Ngành BHXH luôn nỗ lực tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, quyền lợi của người dân, NLĐ đã được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
Riêng về cải cách TTHC, trong thời gian qua toàn Ngành đã rất nỗ lực, đồng thời luôn cầu thị, lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân, nên đã đạt kết quả rõ rệt. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, năm 2014, thời gian thực hiện các TTHC trong lĩnh vực BHXH đã giảm còn khoảng 100 giờ so với trước. Đến thời điểm này, sau khi ban hành được tất cả các văn bản, thời gian giao dịch của DN với cơ quan BHXH tiếp tục giảm xuống còn 86 giờ. Năm 2016, khi Luật BHXH bắt đầu có hiệu lực, thời gian giao dịch sẽ giảm tiếp xuống chỉ còn 45 giờ. Điều đó sẽ tạo thuận lợi và tiết kiệm tối đa thời gian cũng như chi phí cho các tổ chức, cá nhân trong việc giao dịch với cơ quan BHXH.
Thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, BHXH Việt Nam xác định sẽ tiếp tục tập trung tham gia hoàn thiện các văn bản, pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh CCHC, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục củng cố và nâng cao đạo đức công vụ…
Cần nhanh chóng hướng dẫn Luật
Đề cập tới việc hướng dẫn triển khai Luật BHXH (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Nguyễn Hồng Tuyến (Bộ Tư pháp) nhìn nhận: Luật BHXH, Luật BHYT là 2 luật quan trọng, với khối lượng văn bản quy định chi tiết rất lớn. Đối với Luật BHXH (sửa đổi) theo thống kê, hiện có 8 văn bản nghị định, quyết định và 2 thông tư. Đã có 6/8 văn bản nghị định, quyết định đã được Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ; 2 văn bản còn lại, Bộ Tư pháp tiếp tục đôn đốc Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH phối hợp để hoàn thiện kịp tiến độ.
Đối với Luật BHYT, 8 văn bản hướng dẫn đều là thông tư. Tuy nhiên, theo quy định, sang năm 2016 sẽ không ban hành văn bản dưới dạng thông tư liên tịch nên các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thay thế phù hợp.
Thay mặt Đảng ủy Khối, ông Trần Hồng Hà đã đánh giá cao các ý kiến phản ánh. Đồng thời, đề nghị, BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai hiệu quả hơn nữa chính sách BHXH, BHYT. Ngược lại, các Bộ: Tài chính, Y tế, LĐ-TB&XH, Tư pháp phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để BHXH Việt Nam kịp thời triển khai.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Thông báo Lịch nghỉ Tết Dương lịch năm 2025
Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng Thông báo: Chi trả lương hưu, ...
BHXH Lâm Đồng tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Khảo sát mức độ hài lòng đối với sự phục vụ hành chính công ...
Thực trạng công tác phát triển người đồng bào dân tộc thiểu ...